Tài xế vi phạm nồng độ cồn gấp 2,37 lần kịch khung còn dùng dao đâm CSGT sẽ bị xử lý thế nào?

T. Nam - K. Trinh Thứ năm, ngày 28/11/2024 18:20 PM (GMT+7)
Theo luật sư, hành vi của đối tượng là rất táo tợn, nguy hiểm, có dấu hiệu phạm nhiều tội cùng một lúc, bởi vậy cơ quan điều tra sẽ sớm khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với người này để xử lý theo quy định của pháp luật.
Bình luận 0

Vi phạm nồng độ cồn gấp 2,37 lần kịch khung còn dùng dao đâm CSGT

Như Báo điện tử Dân Việt đã đưa tin ngày 27/11, thông tin từ Cục Cảnh sát giao thông cho biết cơ quan chức năng đã tạm giữ hình sự tài xế có nồng độ cồn, dùng dao tấn công cảnh sát giao thông.

Theo kết quả điều tra ban đầu, tối 26/11, tổ công tác Trạm cảnh sát giao thông cửa ô Hòa Phước làm nhiệm vụ tại km 931 + 300 quốc lộ 1 (phường An Khê, quận Thanh Khê, Đà Nẵng).

Tới khoảng 21h10, Doãn Đức Lập (34 tuổi, trú tại Cẩm Lệ, Đà Nẵng) điều khiển xe mô tô biển số 43X6 - 5595 mang theo 1 dao dài khoảng 30cm tấn công trực tiếp đại úy Thái Duy Kiên.

Phát hiện sự việc, đại úy Kiên tránh được. Tuy nhiên tài xế Lập tiếp tục cầm dao "truy sát". Cảnh sát giao thông sau đó nổ súng cảnh cáo đồng thời tạo khoảng cách an toàn chờ sự hỗ trợ.

Doãn Đức Lập sau đó đã bỏ chạy băng qua đường ray xe lửa đối diện. Tổ công tác tiếp tục nổ súng chỉ thiên, truy đuổi và đã khống chế, bắt giữ Lập.

Tài xế vi phạm nồng độ cồn gấp 2,37 lần kịch khung còn dùng dao đâm CSGT sẽ bị xử lý thế nào?- Ảnh 1.

Đối tượng Doãn Đức Lập bị lực lượng chức năng tổ chức vây bắt. Ảnh: LLCC

Tại hiện trường, cảnh sát thu giữ hung khí bàn giao cho Công an quận Thanh Khê tạm giữ, điều tra và xử lý.

Qua kiểm tra nồng độ cồn, Lập có chỉ số là 0,951mg/lít khí thở (gấp 2,37 lần mức quy định kịch khung tại nghị định 100).

Đáng chú ý, trước đó Lập đã bị Tổ công tác của Trạm CSGT cửa ô Hòa Phước lập biên bản vi phạm nồng độ cồn vào ngày 17/11 vừa qua.

Đối tượng vi phạm nồng độ cồn gấp 2,37 lần kịch khung còn dùng dao đâm CSGT có thể bị xử lý ra sao?

Trao đổi với PV về vụ việc, luật sư Nguyễn Bá Huy- Giám đốc công ty Luật TNHH Tín Hải cho hay hành vi của đối tượng là rất táo tợn, nguy hiểm, có dấu hiệu phạm nhiều tội cùng một lúc bởi vậy cơ quan điều tra sẽ sớm khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với người này để xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo luật sư, ngoài việc xử lý vi phạm hành chính liên quan đến vi phạm nồng độ cồn thì với hành vi cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, đối tượng có thể bị xử phạt hành chính từ 05 triệu đồng đến 08 triệu đồng theo quy định tại Điều 7 của Nghị định số 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.

Tuy nhiên nếu các hành vi trên được cơ quan chức năng xác định thỏa mãn cấu thành tội phạm thì đối tượng có thể đối mặt với nhiều tội danh gồm: Tội chống người thi hành công vụ, Tội gây rối trật tự công cộng, Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ và các vũ khí khác có tính năng tác dụng tương tự.

Theo đó, với hành vi tấn công chiến sĩ cảnh sát đang thi hành công vụ thì xử lý theo quy định tại Điều 330, Bộ luật Hình sự năm 2015.

Đồng thời, tại Điều 318 Bộ Luật hình sự năm 2015 quy định "Tội gây rối trật tự công cộng", trong đó, tại khoản 2 điều này quy định phạm tội có tổ chức, dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách thì có thể bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

Đối với hành vi tàng trữ, sử dụng dao dài 30cm được xác định là vũ khí thô sơ thì xử lý theo quy định tại Điều 306, Bộ Luật hình sự. Trường hợp chưa đến mức xử lý hình sự thì sẽ bị xử lý hành chính theo quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 11 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 quy định hành vi "Chế tạo, trang bị, tàng trữ, vận chuyển, sửa chữa, sử dụng trái phép vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ; chi tiết, cụm chi tiết vũ khí, công cụ hỗ trợ hoặc phụ kiện nổ".

Việc quyết định tội danh và tổng hợp hình phạt sẽ tùy vào tình tiết, mức độ nghiêm trọng của vụ việc được cơ quan có thẩm quyền xác minh để xử lý theo quy định của pháp luật.

Cũng theo luật sư Huy, trên thực tế, các vụ việc lái xe vi phạm nồng độ còn chống đối, tấn công cảnh sát giao thông xảy ra trong thời gian gần đây không phải chuyện hiếm. Mặc dù chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi điều khiển phương tiện khi trong máu và hơi thở có nồng độ cồn được tăng nặng, song một số tài xế vẫn có dấu hiệu coi thường pháp luật, cố tình điều khiển xe khi sử dụng rượu bia gây nguy hiểm cho người và xe lưu thông trên đường, khi bị phát hiện thì không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của lực lượng cảnh sát giao thông mà chống đối, thậm chí chửi bới, thóa mạ, xô xát với lực lượng đang làm nhiệm vụ...

Để siết chặt công tác xử lý các tài xế vi phạm về nồng độ cồn, lực lượng chức năng khi xử lý cần kiên quyết, không khoan nhượng trước hành vi chống đối, không thương lượng, không thỏa hiệp… thì sẽ chấn chỉnh được tình trạng tài xế vi phạm nhưng vẫn chống đối, coi thường pháp luật.

Ngoài ra, các địa phương cần tích cực, thường xuyên tuyên truyền, phổ biến pháp luật giao thông đường bộ, về quy định sử dụng rượu, bia, trong hơi thở có nồng độ cồn thì không điều khiển phương tiện giao thông. Cần thực hiện các giải pháp xử phạt và tuyền phổ biến một cách đồng bộ, sâu rộng để mang lại hiệu quả bền vững.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem