Thách thức trong đào tạo nguồn nhân lực y tế

P.V Thứ sáu, ngày 17/08/2018 12:24 PM (GMT+7)
Các trường tư đào tạo nhân lực y tế đang ở ồ ạt, tuyển sinh nhiều, dễ dãi là mối lo lớn về chất lượng đầu ra khi ngành y là ngành rất đặc thù, liên quan đến sống chết của con người.
Bình luận 0

Đây là băn khoăn được đặt ra tại Hội thảo Đổi mới đào tạo nhân lực y tế theo hướng Hội nhập quốc tế diễn ra chiều 16.8.

 Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá cao sự phát triển của hệ thống đào tạo nhân lực y tế trong những năm qua. Trong 5 năm qua số lượng các loại hình nhân lực y tế tăng đáng kể qua các năm, số bác sỹ trên vạn dân tăng từ 7,2 năm 2010 lên khoảng trên 8,0 năm 2017, số dược sỹ đại học trên vạn dân tăng từ 1,76 năm 2010 lên khoảng 2,5 năm 2017.

img

Bộ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại Hội thảo. 

Hiện nay công tác đào tạo nguồn nhân lực y tế đang đứng trước không ít những khó khăn thách thức. Mạng lưới các cơ sở đào tạo và số lượng các cơ sở đào tạo tăng nhanh, tập trung chủ yếu tại các đô thị lớn với sự tham gia đào tạo nhân lực y tế của các trường đa ngành. Quy mô đào tạo tăng nhanh, nhưng các tiêu chí chuyên môn để mở ngành ở các trường đa ngành, đặc biệt là trình độ trung cấp (đối với y sĩ, điều dưỡng, dược) còn chưa chặt chẽ.

Chương trình đào tạo hầu hết vẫn chưa được điều chỉnh, chủ yếu vẫn dựa trên chương trình đào tạo nặng về kiến thức lý thuyết, chưa chú trọng đúng mức đến tạo ra năng lực cần thiết cho người học, đáp ứng được với nhu cầu và yêu cầu của hệ thống y tế.

Trong khi đó, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân đang thay đổi nhanh chóng trong bối cảnh kinh tế - xã hội phát triển hơn, dân số tăng và già hóa, đòi hỏi chuẩn mực chăm sóc sức khỏe cao hơn cả về số lượng, chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe, mô hình bệnh tật đã thay đổi theo xu hướng tỷ lệ các bệnh không lây nhiễm gia tăng liên tục ở mức cao.

Do đó, thời gian tới, Bộ Y tế chủ trương triển khai đổi mới căn bản, toàn diện đào tạo phát triển nguồn nhân lực y tế theo hướng tiếp cận với các phương thức đào tạo của các nước tiên tiến trên thế giới. Trước mắt đổi mới đào tạo nhân lực y tế đi sâu vào đổi mới một số chương trình đào tạo chủ chốt theo hướng hình thành năng lực nhằm tạo ra nguồn nhân lực y tế đáp ứng với mô hình bệnh tật và hoàn cảnh thực tế của Việt Nam, gắn đào tạo với sử dụng nhân lực y tế; Tập trung điều chỉnh chương trình đào tạo chuyên khoa sau đại học, gắn kết quả đào tạo chuyên khoa với ngạch bậc viên chức y tế, bổ nhiệm chức vụ chuyên môn, đưa hệ đào tạo bác sĩ chuyên khoa chính thức vào hệ thống Giáo dục đại học.

Ngoài ra, Bộ Y tế sẽ hoàn thiện các chính sách nhằm đào tạo và sử dụng nhân lực có chất lượng như: Luật Khám bệnh, chữa bệnh (quy định về vai trò của Hội đồng Y khoa và việc thi quốc gia và cấp chứng chỉ hành nghề; bổ sung quy định về tiêu chuẩn cơ sở thực hành, nội dung thực hành, người hướng dẫn thực hành và cơ chế tài chính trong việc tổ chức thực hành để đăng ký chứng chỉ hành nghề; quy định về phạm vi hành nghề);

Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học và các văn bản hướng dẫn (về thời gian đào tạo, văn bằng, trình độ, tiêu chuẩn, tiêu chí đối với việc mở ngành, mở trường, xác định chỉ tiêu tuyển sinh, tổ chức đào tạo, đào tạo chuyên khoa sau đại học)...

Báo cáo của Bộ Y tế cho biết, hiện cả nước có 43 cơ sở đào tạo có đào tại ngành y, dược, trong đó có 18 cơ sở dân lập. Số lượng sinh viên đại học khối ngành sức khỏe ra trường năm 2006 chỉ chưa đến 5000 người thì đến năm 2017 đã là hơn 20.000 người, gấp hơn 4 lần. Tính riêng số lượng bác sĩ ra trường năm 2006 chỉ chưa đến 3000 người nhưng đến năm 2017 là hơn 9000 người, gấp 3 lần. 
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem