Thảm sát Mỹ Lai (Kỳ 1): Những âm mưu có tính toán

Thứ ba, ngày 25/12/2018 18:34 PM (GMT+7)
Sau khi vụ thảm sát Mỹ Lai vỡ lở, giới chức Mỹ biện hộ rằng, binh lính bị kích động nên đã gây ra thảm sát. Kỳ thực, việc tàn sát cả làng Mỹ Lai đã được lập kế hoạch kỹ lưỡng.
Bình luận 0

Những hung thần

Vụ thảm sát Mỹ Lai (Sơn Mỹ) xảy ra vào sáng 16.3.1968 tại xã Tịnh Khê – Sơn Tịnh – Quảng Ngãi do lực lượng đặc nhiệm Barker quân đội Mỹ tiến hành. Trong vài giờ, đơn vị này đã giết chết 504 thường dân (gồm 182 phụ nữ, trong đó 17 người đang có mang cùng với 60 cụ già trên 60 tuổi), thiêu hủy hoàn toàn 247 ngôi nhà và giết hại tất cả các loài súc vật trong khu vực xóm Thuận Yên, thôn Tư Cung và xóm Gò, thôn Cổ Lũy.

img

 Những xác người bị lính Mỹ bắn chết nằm chồng lên nhau trên một đường làng. Ảnh: Wikipedia.

Từ đầu năm 1968, Tịnh Khê nằm trong khu vực tác chiến của đơn vị lực lượng đặc nhiệm Barker gồm 3 đại đội mang phiên hiệu A, B, C thuộc lữ đoàn 11, sư đoàn 23 (còn gọi là sư đoàn Americal). Trên bản đồ tác chiến, đơn vị này đã lấy tên Mỹ Lai đặt cho 4 làng của xã Tịnh Khê thành Mỹ Lai 1, 2, 3, 4. Đặc biệt trong xã Tịnh Khê, thôn Tư Cung được lính Mỹ khoanh 1 vòng tròn đỏ và ghi chú “ấp Tư Cung xã Sơn Mỹ”. Do đó thôn Tư Cung còn được lính Mỹ gọi là Pinkville tức là “làng Hồng”.

Cuốn sách Nhìn lại Sơn Mỹ do sở VHTT tỉnh Nghĩa Bình ấn hành năm 1988 nhân dịp kỷ niệm 20 năm cuộc thảm sát Sơn Mỹ chép lời kể của Nguyễn Đình Phú ( thông dịch viên trong lực lượng Barker) về kế hoạch hành quân của lực lượng Barker: “Tối hôm ấy đại đội của tôi đóng tại Bình Sơn, nơi đóng ban chỉ huy của lực lượng đặc nhiệm Barker. Suốt đêm, binh sĩ Hoa Kỳ được cho uống bia, khi đêm sắp tàn thì họ đã quá say. Trong số binh sĩ có người nói cho tôi biết rằng trong cuộc hành quân ngày mai, chúng ta được lệnh khi vào làng sẽ tàn sát hết không chừa một sinh vật nào kể cả trâu bò…”

Viên trung sĩ Charles West trong ban chỉ huy của Medina cũng kể: “ông ta nói theo tin tình báo cấp cao đã nhận được thì làng này chỉ toàn quân đội Bắc Việt Nam, Việt cộng và gia đình Việt cộng. Ông ta nói rằng mệnh lệnh là phải tiêu diệt Mỹ Lai và mọi vật ở đó”.

Như vậy, ngay từ đầu, quân đội Mỹ đã phổ biến cho binh sĩ phải tàn sát dân làng chứ không phải đây là hành động tự phát như lời biện hộ của các chỉ huy quân Mỹ sau khi sự việc vỡ lở.

Lời kể của người trong cuộc

5h30 phút sáng 16.3, cuộc hành quân được dọn đường bằng 30 phút câu pháo và trực thăng bắn rocket vào làng. Sau đó, những tốp trực thăng đổ quân xuống xóm Thuận Yên và Trường An của thôn Tư Cung. Một tốp khác đổ binh lính xuống xóm Gò, thôn Cổ Lũy.

Lính Mỹ tràn vào làng, lùng sục từng nhà. Chúng bắt người dân ra khỏi hầm trú ẩn rồi bắn hoặc châm lửa đốt nhà để buộc người dân chạy ra khỏi hầm. Khi họ vừa chạy ra khỏi cửa nhà thì những họng súng đã chờ sẵn, chỉ cách họ vài mét khạc lửa. Cũng có khi lính Mỹ thi nhau ném lựu đạn vào trong hầm – nơi những người dân vô tội còn đang chưa hết run rẩy sau những tràng pháo lớn. Có trường hợp, cả một gia đình đang ăn sáng thì lính Mỹ xộc vào bắn loạn xạ làm tất cả chết gục bên mâm cơm.

img

 Lính Mỹ đốt nhà và triệt phá tài sản ở làng Mỹ Lai. Ảnh: Wikipedia.

Trung sĩ Ronald Haeberle (nhiếp ảnh viên của quân đội Mỹ) có mặt trong cuộc hành quân hôm đó, đã kể lại trên tạp chí Life vào tháng 11.1969: “Tôi đến đại đội C lúc 6h sáng ngày 16.3.1968, trước lúc mặt trời mọc. Chẳng ai giải thích cho tôi điều gì về cuộc hành quân này. Vừa ra khỏi máy bay tôi đã nghe tiếng súng nổ nhưng tôi không quay lại. Một số dân Việt Nam, có lẽ chừng 15 người, phần lớn là phụ nữ và trẻ con đang đi trên đường cách đó chừng 15 thước Anh. Bất thình lình, lính Mỹ bắn vào họ bằng súng trường M16 và cả súng phóng lựu M79. Trước cảnh tượng ấy, tôi không dám tin vào mắt mình nữa”.

Trong ngày hôm đó, Haeberle đã chụp rất nhiều ảnh ghi lại cảnh tàn sát. Một trong số đã gây xúc động mạnh cho dư luận là cảnh 2 em bé nằm sấp trên đường, bên 1 thửa ruộng. Haeberle kể: “Khi 2 đứa bé bị bắn, đứa lớn nằm đè lên đứa nhỏ như để bảo vệ em nó. Nhưng lính Mỹ đã kết liễu cuộc đời của cả hai”.

Đi theo đại đội C sáng hôm ấy còn có phóng viên quân đội Mỹ Jay Roberts. Anh ta kể: “Một đứa trẻ nhỏ xíu chỉ mặc độc chiếc áo ngắn đang bò lê trên đống xác chết và nắm lấy bàn tay 1 người nào đó, chắc là mẹ nó. Một lính Mỹ đi sau tôi quỳ xuống và bắn chết nó bằng 1 phát đạn”.

Còn Meadlo, lính dưới quyền của viên trung úy Calley (chỉ huy trung đội 1, đơn vị trực tiếp tàn sát dân làng Tư Cung) đã kể lại trên kênh truyền hình CBS vào tháng 11.1969: “Đàn ông, đàn bà, trẻ em và trẻ sơ sinh. Chúng tôi bắt tất cả ngồi xổm. Trung úy Calley bảo chúng tôi: có biết làm gì bọn này không? Tôi đáp có và đinh ninh rằng Calley dặn tôi phải canh giữ những người kia rồi Calley bỏ đi. 15 phút sau, Calley quay lại hỏi sao mày không giết chúng nó đi? Tao muốn chúng nó phải chết. Thế rồi Calley lùi lại vài bước và bắt đầu bắn. Tôi đã bắn 4 băng M16… Súng tự động cứ lia vào người đứng, chắc lần đó tôi đã giết chừng 10 đến 25 người”.

Không chỉ xông vào bắn giết người dân ở trong nhà, lính Mỹ còn bắt họ dồn vào một khu vực rồi xả súng tàn sát tập thể. Khu vực diễn ra cảnh tàn sát ghê rợn ấy nằm ở con mương dẫn nước cuối xóm Thuận Yên trong thôn Tư Cung. Tại đó, chỉ trong khoảnh khắc 170 người đã bị bắn chết. Sledge, lính truyền tin của trung đội 1 thuộc đại đội C nói: “Tôi đi theo trung úy Calley đến cái mương ở rìa phía đông làng. Ở đó chúng tôi gặp trung sĩ Mitchell. Calley nói điều gì đó với Mitchell tôi không rõ. Sau đó cả 2 người dùng báng súng đẩy dân làng xuống cái mương rồi bắn họ…”

Sự kiện chấn động nước Mỹ

Ngay sau khi vụ thảm sát xảy ra, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã lên tiếng tố cáo hành động của quân Mỹ. Tuy nhiên, chính quyền Mỹ - Thiệu cố hướng dẫn dư luận rằng đó chỉ là “luận điệu tuyên truyền của cộng sản”. Không những thế, chỉ huy đơn vị đặc nhiệm Barker còn báo cáo lên trên là đã giết 128 lính Việt Cộng sau cuộc giao tranh 1 ngày. Và các tướng lĩnh Mỹ tin rằng đó là một chiến thắng. Trung úy Calley còn được khen thưởng vì đã hăng hái giết được nhiều “Việt Cộng”.

Vụ việc chỉ vỡ lở sau đó hơn 1 năm, với nỗ lực của những lính Mỹ có lương tri. Vào tháng 3.1969, Ridenhour, một cựu quân nhân của đại đội C đã gửi 1 bức thư kể lại những gì mắt thấy tai nghe cùng với những điều đồng đội của anh ta nói về vụ thảm sát Mỹ Lai đến 30 nơi. Những nhân vật chóp bu như Tổng thống, bộ trưởng Quốc phòng, bộ trưởng Ngoại giao và cả những nghị sĩ quốc hội. Tuy nhiên sau này, 22/30 người nói rằng những bức thư không đến tay họ.

img

 Cảnh tàn sát ghê rợn ở Mỹ Lai xuất hiện trên báo chí Mỹ năm 1969. Ảnh: Wikipedia.

Sự việc chính thức vỡ lở trên báo chí sau cuộc điều tra độc lập của nhà báo Seymour Hersh. Ngày 20.11.1969 một loạt các tờ báo lớn như: Time, Life, Newsweek đồng loạt đăng lên trang bìa vụ thảm sát Mỹ Lai. Đài truyền hình CBS cũng phát sóng cuộc phỏng vấn với Paul Meadlo. Đến lúc này, công chúng Mỹ mới giật mình về những hành động vô nhân đạo của binh lính nước họ.

Tin về vụ thảm sát vỡ lở đã gây chia rẽ sâu sắc trong xã hội Mỹ. Người dân mất niềm tin vào những lời hứa của tổng thống và hoài nghi về chính những lý tưởng nhân đạo, tự do mà chính quyền tuyên truyền. Phong trào biểu tình phản chiến phát triển mạnh mẽ. Nhiều người dân công khai phát biểu trên báo chí, bày tỏ sự ghê rợn của mình với hành động tàn sát vô nhân đạo của lính Mỹ. Có người còn nói rằng: “Đáng lẽ con của tôi phải quay súng bắn chết viên chỉ huy đã ra lệnh cho nó bắn chết dân thường”.

Vũ Tiến Đức (Kiến Thức)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem