Thi vào lớp 10: Nhiều phụ huynh chủ động “phân luồng” cho con
Thi vào lớp 10: Nhiều phụ huynh chủ động “phân luồng” cho con
Thứ tư, ngày 03/05/2023 20:00 PM (GMT+7)
Tại kỳ thi vào lớp 10 THPT, bên cạnh trạng thái bức xúc khi nhận được thông tin “phân luồng” từ giáo viên thì không ít phụ huynh chủ động nộp hồ sơ trường dân lập hoặc trường nghề cho con.
Tổng chỉ tiêu vào lớp 10 THPT công lập năm học 2023 - 2024 tại Hà Nội chưa đến 60% là thông tin nhiều phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 10 nắm được. Qua công tác truyền thông, không ít phụ huynh có con học chưa tốt, thuộc tốp cuối của lớp đã tự tính toán hoặc nhờ thầy cô tư vấn để chọn trường phù hợp cho con.
Chị Nguyễn Thu Hoài, phụ huynh tại quận Nam Từ Liêm chia sẻ: “Con tôi có sức học trung bình, thiếu ý thức tự giác trong học tập. Dù gia đình đã động viên, thuê cả gia sư về nhà dạy cũng không cải thiện được tình hình. Theo dõi các điểm khảo sát lớp 9 cùng điểm kiếm tra thường xuyên, điểm của con chỉ quanh mức trung bình nên tự thấy, con rất khó đỗ được vào trường THPT công lập. Chưa cần cô giáo phải “phân luồng”, tôi đã chủ động hỏi cô về một số trường THPT dân lập trên địa bàn, sau đó tìm hiểu quy trình để nộp hồ sơ.
Khoảng cuối tháng 4/2023, rất nhiều trường THPT dân lập trên địa bàn TP tiến hành thu hồ sơ tuyển sinh lớp 10. Bên cạnh những phụ huynh chọn lớp 10 trường tư là phương án dự phòng thì không ít bố mẹ coi đó là lựa chọn chính thức của con.
“Tôi quyết định chọn Trường THPT dân lập gần nhà để nộp hồ sơ để con đỡ áp lực ôn tập và thi cử. Sức học con đến đâu thì cha mẹ là người biết rõ nên không bắt con phải làm những việc vượt khả năng. Giờ có nhiều con đường, nhiều loại hình trường để học, không nhất thiết phải học lớp 10 trường công”- chị Nguyễn Thu Hoài cho biết.
Ngoài việc nộp hồ sơ vào các trường THPT dân lập, có khá nhiều cha mẹ, sau khi nghiên cứu và nhờ thầy cô tư vấn đã chọn cho con theo học các trường nghề.
Chị Lưu Thị Hà Phương, trú tại quận Thanh Xuân bộc bạch: “Con tôi học các môn văn hóa không tốt nhưng lại rất thích nghề làm tóc. Từ ngày con học lớp 8, gia đình đã thống nhất lựa chọn trường nghề nếu quá trình học tập lớp 9 của con không tiến bộ. Nhìn bảng điểm lớp 9 của con và xin ý kiến tham vấn của thầy cô, gia đình chắc chắn về việc cho con học trường nghề là đúng. Con cũng đồng ý với phương án bố mẹ đưa ra”.
Theo hiệu trưởng một trường THCS thuộc quận Nam Từ Liêm, sau buổi nói chuyện tư vấn hướng nghiệp đối với phụ huynh lớp 9, điện thoại của cô liên tục nhận được lời cảm ơn của phụ huynh và nhờ cô tư vấn xem con nên chọn trường nghề nào.
“Với những trường nghề nhận được phản hồi tốt của phụ huynh và học sinh khóa trước, tôi sẽ giới thiệu để phụ huynh tham khảo, sau đó tự liên hệ gửi hồ sơ. Các bố mẹ đều rất thoải mái vì con vừa được học nghề, vừa được học chương trình THPT trong 3 năm học tới. Thầy cô, phụ huynh đều xác định, mỗi học sinh là một tài sản quý và mỗi con sẽ có một điểm mạnh khác nhau. Tất cả đều mong rằng, sau khi hoàn thành chương trình tại trường nghề, các con sẽ vững vàng hành trang để bước vào đời” - hiệu trưởng này chia sẻ.
Không chủ quan
Năm học 2023 - 2024, trên 40% học sinh sẽ theo học các loại hình trường dân lập, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và trường nghề.
Thời điểm này, các trường THCS đã nộp phiếu đăng ký dự tuyển lớp 10 công lập năm học 2023 - 2024 của học sinh lên Phòng GD&DT. Với những học sinh lực học khá, giỏi, việc đỗ lớp 10 công lập (thuộc một trong 3 nguyện vọng) là việc khá hiển nhiên. Còn lại, với nhóm học sinh có lực học trung bình thì phụ huynh cũng nên chủ động tìm giải pháp an toàn nhất bởi trong số học sinh này sẽ có em không đỗ lớp 10 công lập hoặc nếu đỗ thì phải đi học trường cách nhà đến vài chục cây số.
“Dù con có lực học không tốt nhưng vì tham dự kỳ thi lớp 10 là quyền lợi và cũng là dịp thử sức, để tăng cơ hội nên gia đình thống nhất nộp hồ sơ dự tuyển lớp 10 cho con. Một mặt bố mẹ nhờ thầy cô kèm cặp, thúc giục và động viên con cố gắng ôn tập, mặt khác mẹ cũng làm hồ sơ dự phòng cho con vào một trường tư” - chị Mai Hà Lương, trú tại quận Tây Hồ cho biết.
Ngày 10 - 11/6, kỳ thi vào lớp 10 công lập sẽ diễn ra. Khoảng nửa cuối tháng 6 đến đầu tháng 7, thí sinh sẽ biết điểm thi và điểm chuẩn vào trường đăng ký nguyện vọng. Trong khi đó, các trường tư, trung tâm giáo dục thường xuyên - giáo dục nghề nghiệp, trường nghề bắt đầu thu hồ sơ từ 20/4.
Với những trường tốt, lượng hồ sơ nộp vào thường cao hơn chỉ tiêu xét tuyển; trường xét điểm học bạ từ cao xuống thấp. Do đó, muốn con có chắc suất học vào trường mong muốn, phụ huynh cần sớm có phương án phù hợp theo kế hoạch tuyển sinh của từng trường.
“Tôi được biết, có không ít học sinh lực học được đánh giá không tốt vẫn thi đỗ vào các trường công lập có điểm chuẩn vừa phải. Tôi không chờ đợi đến ngày con thi và biết điểm thi mà đã nộp hồ sơ cho con vào một trường tư cho chắc chắn” - phụ huynh Nguyễn Thu Hà, trú tại quận Hà Đông nói.
Nhiều năm trở lại đây, điểm chuẩn của các trường THPT trên địa bàn TP có độ chênh lệch lớn. Trong khi các trường thuộc quận Thanh Xuân, Cầu Giấy, Tây Hồ, Đống Đa… có điểm chuẩn cao thì tại các trường THPT ngoại thành có điểm chuẩn thấp.
Đã tìm hiểu kỹ về phổ điểm chuẩn của các trường, anh Nguyễn Ngọc Hải, trú tại quận Đống Đa chia sẻ: “Con tôi có khả năng đạt dưới 6 điểm/môn. Nếu tính toán tốt, điểm chuẩn này con có thể đỗ nguyện vọng vào trường THPT ngoại thành thuộc các huyện: Chương Mỹ, Ba Vì, Mỹ Đức, Ứng Hòa… nhưng do nhà ở nội thành nên tôi quyết định đăng ký lớp 10 trường tư thục gần nhà cho con. Tôi cho con tham dự kỳ thi lớp 10 công lập chỉ để thử sức”.
Không phải nhà có điều kiện hay ở khu vực nội thành mới ý thức được điều này, chị Hán Ngọc Lan, trú tại huyện Quốc Oai cho hay: “Vợ chồng tôi quanh năm hết làm ruộng lại chạy chợ bán rau, không biết nhiều về quy tắc đăng ký nguyện vọng. Biết con có lực học đuối, thi trường công khó đỗ và đi học trường nghề thì đỡ áp lực nên tôi đồng ý cho con đi học nghề. Về phía con, cháu thích đi làm sớm nên khi nghe đến việc học trường nghề, con đồng ý ngay”.
Tại văn bản mới đây, Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định: Công tác phân luồng sau cấp THCS, các nhà trường phải định hướng cho học sinh rõ để có sự lựa chọn phù hợp, không mang tính ép buộc.
Học tập, đăng ký nguyện vọng tuyển sinh vào các trường THPT là quyền, nhu cầu của học sinh và cha mẹ học sinh. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, điều quan trọng hơn cả với học sinh và các gia đình không nằm ở việc thi hay không thi mà là việc chọn con đường nào phù hợp nhất với năng lực, khả năng, sở trường của từng học sinh. Điều này cần có sự lắng nghe, thấu hiểu, đồng hành của cả nhà trường, gia đình và chính các em.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.