Từ phát biểu 90% người Việt ăn gạo "bẩn": Doanh nghiệp ảnh hưởng có thể khiếu nại, khởi kiện
Thông tin sai sự thật 90% người Việt ăn gạo "bẩn": Doanh nghiệp, nông dân bị ảnh hưởng có thể khiếu nại, khởi kiện
Hiếu Đam
Chủ nhật, ngày 06/09/2020 06:46 AM (GMT+7)
Theo luật sư, nếu thấy phát ngôn "90% người Việt ăn gạo bẩn" của ông Bình gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc kinh doanh của doanh nghiệp,… thì họ hoàn toàn có quyền khiếu nại, khởi kiện ông Phạm Thái Bình ra cơ quan chức năng để giải quyết.
Mới đây, dư luận xã hội bức xúc về việc ông Phạm Thái Bình - Tổng giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Công ty Trung An) khi cho rằng 90% người Việt Nam ăn gạo "bẩn".
"Tôi xin khẳng định, 90% người Việt Nam ăn gạo bẩn, có khi 90% là khiêm tốn... Rất nhiều người nghĩ ăn gạo bẩn không chết, mà thực tế thì Việt Nam hay thế giới ăn gạo bẩn cũng không ai chết ngay cả.
Tuy nhiên nhiều năm trở lại đây tỷ lệ người bị ung thư, tiểu đường… ngày càng tăng, mà nguyên nhân có sự góp phần của gạo bẩn, của thuốc bảo vệ thực vật tích tụ trong gạo" - lời ông Bình được đăng tải trên một số cơ quan báo chí.
Trước những thông tin này, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) khẳng định đây là những thông tin hoàn toàn sai sự thật.
Bên cạnh đó, TS Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cũng thông tin rằng, lúa gạo là một trong những ngành hàng nông sản đạt được nhiều thành công trong thời gian qua, nhận định 90% người Việt đang phải dùng gạo "bẩn" là không thỏa đáng.
"Tôi cho rằng đây là một nhận xét không thỏa đáng, không có căn cứ và không công bằng cho gạo Việt. Trong bối cảnh chúng ta đang cạnh tranh gay gắt, những thông tin như thế sẽ làm tổn hại đến uy tín mặt hàng gạo xuất khẩu chúng ta đã gây dựng trong nhiều năm qua", ông Sơn nói.
Doanh nghiệp có thể khiếu nại, khởi kiện
Liên quan đến vấn đề này, luật sư Bùi Quốc Tuấn - Đoàn luật sư Tp Hồ Chí Minh cho biết, việc ông Bình phát biểu như trên có nhiều vấn đề gây dư luận và ảnh hưởng không tốt.
Thứ nhất, về mặt khoa học cần phải có cơ sở chứng minh, không thể quy chụp dẫn đến ảnh hưởng các ban, ngành quản lý an ninh lương thực của chúng ta.
Về ngành lương thực, trước đó Thủ tướng Chính Phủ đã có quyết định số 706/QĐ-TTg năm 2015 phê duyệt đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam từ 2015 đến 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Theo đó xây dựng được các vùng sản xuất lúa gạo xuất khẩu ổn định, hiệu quả và bền vững, đưa gạo Việt Nam trở thành thương hiệu hàng đầu thế giới về chất lượng, an toàn thực phẩm. Việc ông Bình phát biểu như trên cần phải xem xét lại.
Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với Bộ Công Thương, cơ quan, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp liên quan xây dựng và quản lý thương hiệu gạo quốc gia.
"Việt Nam đang đẩy mạnh xuất khẩu gạo khi gia nhập vào các thị trường chung của thế giới thông qua các hiệp định đã ký kết, nếu chúng ta sản xuất lương thực kém chất lượng, thì sao xuất khẩu đượcđược?
Nếu cho rằng đến 90% chúng ta ăn gạo bẩn, thì ai tạo ra sản phẩm đó, chẳng lẽ đổ lỗi cho người nông dân? Vậy cơ quan quản lý như thế nào, trách nhiệm ra sao?", luật sư Tuấn nói.
Cũng theo vị luật sư, nếu phát biểu của ông Bình là sự ngộ nhận và không đúng, trường hợp này các tổ chức liên quan phải lên tiếng mạnh mẽ. Các doanh xuất khẩu gạo cũng yêu cầu ông Phạm Thái Bình giải trình dựa trên cơ sở nào để có lời nhận xét trên.
"Nếu thấy phát ngôn của ông Bình gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc kinh doanh của doanh nghiệp,... thì họ có quyền khiếu nại, khởi kiện ông Phạm Thái Bình ra cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết vụ việc, cũng như chuẩn bị các tài liệu chứng cứ cho việc chứng minh quyền lợi mình bị ảnh hưởng để có cơ sở xử lý, bồi thường theo quy định của pháp luật hiện hành", vị luật sư phân tích.
Có thể xử phạt
Đồng quan điểm, luật sư Đặng Văn Cương - Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết, đây là một phát ngôn đầy cảm tính và có thể ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp cũng như thị trường tiêu thụ, xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Nếu có kết luận “90% người dân Việt Nam ăn gạo bẩn”, ông Bình phải tiến hành khảo sát đánh giá lấy ý kiến, mẫu gạo, kiểm định trên toàn quốc xem chất lượng gạo họ sử dụng như thế nào, loại gạo như thế nào thì được xác định là gạo bẩn.
Còn nếu phát biểu như vậy chỉ trên cơ sở nhận thức, phán đoán một cách chủ quan thì đây là phát biểu hết sức hồ đồ, cảm tính và có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động xuất khẩu gạo (một loại nông sản chủ lực và có lợi thế trên thị trường quốc tế) cũng như tiêu thụ gạo trên thị trường trong nước.
Thông tin này được đăng tải công khai, rộng rãi, thiếu sự kiểm soát cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam, ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của nền kinh tế.
"Theo quan điểm của cá nhân tôi, phát ngôn của ông Bình hoàn toàn không chính xác bởi không dựa trên một cơ sở pháp lý khoa học nào cả, không điều tra, khảo sát, đánh giá, không đưa ra tiêu chuẩn, tiêu chí nào.
Đồng thời, cũng không có thẩm quyền phát ngôn để đánh giá chất lượng gạo của Việt Nam. Bởi vậy phát biểu của ông Bình hoàn toàn không thể là một phát ngôn chính thức về chất lượng gạo Việt Nam.
Cơ quan chức năng cần phải có những đánh giá về tác động của phát ngôn này, đồng thời làm rõ động cơ mục đích của người phát ngôn để có hình thức xử lý phù hợp với quy định của pháp luật.
Nếu phát ngôn của ông này có ý đồ cá nhân gây ảnh hưởng đến hoạt động suất khẩu gạo, ảnh hưởng đến khả năng tiêu thụ gạo Việt Nam trong nước, ảnh hưởng xấu đến dư luận hoàn toàn có thể xử phạt vi phạm hành chính về hành vi đưa tin sai sự thật", luật sư Cường nhận định.
Nếu hành vi đưa tin sai sự thật trên mạng điện tử, mạng viễn thông, mạng internet thì sẽ bị xử phạt hành chính theo nghị định số 15/2020/NĐ/CP. Cụ thể, tại điều 101, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định mức xử phạt đối với hành vi “Vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội”.
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:
a) Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.
Nếu việc thông tin sai sự thật không phải thực hiện trên mạng xã hội, mạng viễn thông, mạng internet, không sử dụng phương tiện điện tử để vi phạm thì hành vi thông tin sai sự thật với cơ quan có thẩm quyền vẫn có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại điều 5, Nghị định 167/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Điều 5, Nghị định 167 quy định: “2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Đánh nhau hoặc xúi giục người khác đánh nhau;
b) Báo thông tin giả đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.