Thông tuyến bảo hiểm y tế tuyến tỉnh: Người bệnh thêm lựa chọn nơi chữa trị

Diệu Linh Thứ hai, ngày 28/12/2020 04:03 AM (GMT+7)
Người có thẻ (bảo hiểm y tế (BHYT) được khám chữa bệnh “thông tuyến tỉnh” từ ngày 1/1/2021. Xung quanh quy định mới đáng chú ý này, phóng viên Báo NTNN đã trao đổi với ông Lê Văn Phúc (ảnh) - Trưởng ban thực hiện chính sách BHYT, Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Bình luận 0
Thông tuyến bảo hiểm y tế tuyến tỉnh: Người bệnh thêm lựa chọn nơi chữa trị - Ảnh 1.

Ưu tiên chữa trị người bệnh nặng

Thưa ông, người dân cần hiểu đúng thế nào về việc "thông tuyến" tỉnh khám chữa bệnh BHYT?

- Thuật ngữ "thông tuyến" không có trong Luật BHYT mà chỉ được mọi người gọi vắn tắt như vậy. Cụ thể, theo Luật BHYT từ ngày 1/1/2021, người có thẻ BHYT đi điều trị nội trú tại bất cứ bệnh viện (BV) tuyến tỉnh nào cũng đều được Quỹ BHYT chi trả trong phạm vi quyền lợi được hưởng như người khám chữa bệnh đúng tuyến. Ví dụ như người bình thường được BHYT chi trả 80% viện phí, người cận nghèo được chi trả 95%, người nghèo được chi trả 100%...

Điều này khác với trước đây, nếu đi khám ở tuyến tỉnh người có thẻ BHYT phải đăng ký khám chữa bệnh ban đầu ở BV tuyến tỉnh đó hoặc phải có giấy chuyển tuyến từ huyện lên mới được BHYT chi trả đúng theo mức hưởng. Còn từ 1/1/2021, người dân có thể đến thẳng tuyến tỉnh mà không cần thêm giấy tờ nào.

Thông tuyến bảo hiểm y tế tuyến tỉnh: Người bệnh thêm lựa chọn nơi chữa trị - Ảnh 2.

Điều trị bệnh nhân nội trú tại Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam. Ảnh: Diệu Linh

"Siết" việc chỉ định điều trị nội trú

Bộ trưởng Bộ Y tế vừa ban hành chỉ thị về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT. Chỉ thị yêu cầu Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư, thủ trưởng y tế các bộ, ngành tăng cường chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh tăng cường công tác quản lý chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế; xây dựng hướng dẫn chẩn đoán và điều trị trong đó có quy định tiêu chuẩn nhập viện điều trị nội trú phù hợp với yêu cầu chuyên môn, điều kiện trang thiết bị và nhân lực của bệnh viện tối thiểu 80% các mã bệnh phổ biến mà bệnh viện đang khám chữa bệnh, không chỉ định điều trị nội trú các trường hợp không thực sự cần thiết.

Hiện nay có có không ít người hiểu rằng "thông tuyến tỉnh" khám chữa bệnh BHYT là "mở toang" cho tất cả người bệnh. Nhưng tôi phải nhấn mạnh, quy định này chỉ dành cho người bệnh điều trị nội trú. Còn người ngoại trú vẫn phải tự thanh toán chi phí khám chữa bệnh ngoại trú.

Quy định này được áp dụng với tất cả các bệnh viện tuyến tỉnh, một số bệnh viện ngành... Còn tuyến T.Ư như BV trực thuộc Bộ Y tế (Bạch Mai, Việt Đức, Chợ Rẫy...) và BV thuộc Bộ Quốc phòng thì vẫn không áp dụng quy định này.

Vậy mục tiêu mở rộng quy định khám chữa bệnh, tăng quyền lợi cho người bệnh có thẻ BHYT khi "thông tuyến tỉnh" là gì?

- Với quy định này, người bệnh có thể đi khám chữa bệnh ở các BV tuyến tỉnh mà không bị giới hạn bởi tuyến, bởi nơi mình sinh sống, không phải xin giấy chuyển tuyến. Đây là tạo thuận lợi cho người bệnh lựa chọn BV tốt hơn, thuận tiện hơn.

Mặt khác, với quy định này, các BV tuyến tỉnh phải tự nâng cao chất lượng của mình lên, đầu tư trang thiết bị để "giữ" người bệnh lại. Tôi ví dụ người bệnh ở Phú Thọ, ở Bắc Ninh có thể điều trị nội trú tại BV đa khoa của tỉnh mình nếu các BV này tốt. Nhưng nếu không tốt họ có thể xuống BV Xanh Pôn, Thanh Nhàn của Hà Nội khám mà vẫn được BHYT chi trả như khi khám ở BV tỉnh nhà.

Như khi "thông tuyến huyện" từ năm 2016, các cơ sở y tế tuyến huyện đã có sự thay đổi rõ rệt. Cơ sở vật chất được đầu tư, trang thiết bị khám chữa bệnh tốt hơn, chất lượng điều trị hiệu quả hơn, thái độ phục vụ người bệnh tốt hơn...

Tại sao chỉ "thông tuyến tỉnh" đối với bệnh nhân điều trị nội trú mà không áp dụng với bệnh nhân ngoại trú?

- Thiết kế hệ thống y tế bao gồm tuyến xã, tuyến huyện, tuyến tỉnh, tuyến T.Ư. Tuyến xã, tuyến huyện là dành cho khám sức khỏe và chăm sóc sức khỏe ban đầu. Tức là những trường hợp khám chữa bệnh đầu tiên là người bệnh phải đến tuyến xã, tuyến huyện. Còn tuyến tỉnh là khám chữa bệnh chuyên sâu.

Đối với khám chữa bệnh ngoại trú, nếu chúng ta cũng thông tuyến tỉnh thì rõ ràng người bệnh sẽ đổ dồn lên tuyến tỉnh, kể cả các bệnh rất nhẹ như ho, sốt, sứt chân sứt tay... Điều này sẽ làm hệ thống y tế tuyến trên quá tải, tuyến dưới lại "ế". Do đó, việc "thông tuyến tỉnh" đối với người bệnh nội trú là đã "khoanh vùng" những người bệnh nặng, phải điều trị dài ngày, chuyên sâu, cần chăm sóc nhiều hơn.

Sau 1-2 tháng sẽ có điều chỉnh phù hợp

Nhiều người lo ngại việc "thông tuyến tỉnh" khám chữa bệnh BHYT đối với người bệnh nội trú sẽ làm gia tăng lạm dụng chỉ định điều trị nội trú, Quỹ BHYT sẽ bội chi?

- Đúng là hiện nay nhiều người băn khoăn về việc thực hiện "thông tuyến tỉnh" thì bệnh nhân sẽ bỏ tuyến xã, tuyến huyện lên thẳng BV tuyến tỉnh hoặc người dân ở tỉnh có điều kiện chữa bệnh chưa tốt dồn thẳng lên các BV ở tỉnh có điều kiện hơn, đặc biệt là các BV ở TP.HCM, Hà Nội... Khi BV tỉnh đông bệnh nhân sẽ tăng nhu cầu về nhân lực y bác sĩ. Lúc đó có nguy cơ một "làn sóng" các bác sĩ ở BV tuyến xã, huyện bỏ việc để lên BV tỉnh, thành phố.

Ông Lê Văn Phúc cho biết, để kiểm soát chi phí khám chữa bệnh, ngành BHYT sẽ xây dựng dự toán chi khám chữa bệnh cho mỗi tỉnh. Một tỉnh được xây dựng dự toán 1.000 tỷ đồng thì phải căn cứ vào số lượng bệnh nhân năm trước, dự báo số lượng bệnh nhân năm nay, căn cứ vào chi phí điều trị bình quân. Nếu như năm nay xây dựng dự toán, BV chỉ có 1.000 bệnh nhân điều trị nội trú, nhưng BV lại có 1.500 - 2.000 bệnh nhân, chi phí đội lên quá lớn thì BV phải giải trình xem chỉ định điều trị nội trú, chỉ định dịch vụ khám chữa bệnh có đúng không. Nếu việc giải trình không hợp lý, phát hiện sai phạm sẽ không được BHYT chi trả.

Hiện nay, việc đưa bệnh nhân nào vào điều trị nội trú thuộc thẩm quyền của các BV, dựa vào chỉ định của bác sĩ. Với quy định "thông tuyến tỉnh" có thể gia tăng chỉ định bệnh nhân điều trị nội trú không cần thiết để được BHYT chi trả, lạm dụng chỉ định kỹ thuật...

Đây chính là những bài toán lớn cần phải giải quyết khi "thông tuyến tỉnh" khám chữa bệnh BHYT.

Chúng tôi cũng dự báo năm 2021 sẽ có tình trạng bệnh nhân đổ dồn lên BV tuyến tỉnh và có thể việc chỉ định vào điều trị nội trú ở các BV tuyến tỉnh sẽ rộng rãi hơn, số lượng bệnh nhân nội trú sẽ tăng lên. Điều này phải có sự kiểm soát và đánh giá sau 1-2 tháng thực hiện "thông tuyến tỉnh". Sau đó sẽ có giải pháp để điều chỉnh cho phù hợp hơn.

Dự báo sau khi "thông tuyến tỉnh", số chi khám chữa bệnh cũng sẽ phải gia tăng hàng nghìn tỷ đồng.

Như vậy, giải pháp để giải các bài toán này là gì thưa ông?

- Giải pháp tổng thể chính là phải đầu tư, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh các tuyến ở mỗi địa phương, nâng cao niềm tin cho người dân. Nếu người dân thấy điều trị ở địa phương, ở tuyến xã, huyện cũng tốt, thậm chí huyện khám nhanh hơn tỉnh, lấy thuốc thuận tiện hơn thì họ sẽ không cần đi xa thêm lên tỉnh hoặc sang tỉnh khác làm gì.

Chúng ta cũng cần phải có chế độ đãi ngộ tốt đối với các nhân viên y tế tuyến xã, huyện để giữ chân họ ở lại. Nếu đãi ngộ thấp, họ thấy lên tỉnh lương cao, có đông bệnh nhân để khám thì họ sẽ đi hết.

Ngoài ra, để quản lý, kiểm soát bệnh nhân nội trú ngành y tế cũng đã giao chỉ tiêu về giường bệnh kế hoạch cho các BV. Một BV được giao 500 giường, có kê thêm giường cũng phải được Sở Y tế phê duyệt. Việc kê thêm giường cũng còn phải kèm theo các điều kiện như cơ sở vật chất, nhân lực y tế đáp ứng được số giường tương đương chứ không phải muốn kê thêm bao nhiêu thì kê.

Cơ quan BHXH cũng đã yêu cầu các tỉnh phải xác định được số giường bệnh thực kê, số giường theo kế hoạch, đồng thời phải đối chiếu các quy định về nhân lực, về điều kiện cơ sở vật chất...

Điều quan trọng nhất là siết chặt điều kiện chỉ định bệnh nhân vào điều trị nội trú. Tuy nhiên, đến nay Bộ Y tế chưa có quy định nào nói rõ trường hợp này được điều trị nội trú, trường hợp kia chỉ cần ngoại trú. Hiện nay bệnh nhân nội hay ngoại trú đều dựa vào chỉ định của bác sĩ. Theo tôi được biết, Bộ Y tế đang xây dựng thông tư trong đó có quy định tiêu chí chỉ định điều trị nội trú.

Ngoài ra cần tăng cường công tác giám sát để tránh tình trạng đưa bệnh nhân vào điều trị nội trú mà không có mặt bệnh nhân mà chỉ làm bệnh án rồi cho bệnh nhân đi về. Hoặc phải giám sát để phát hiện trường hợp bệnh nhẹ có thể điều trị ngoại trú nhưng BV vẫn đưa vào điều trị nội trú...

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem