Hy sinh thay bạn
Vào tuổi 90, cụ Niệm (mẹ Trung sĩ thông tin Phan Tấn Dư hy sinh tại đảo Gạc Ma) vẫn nhớ như in dịp bên con lần cuối, cách đây tròn 30 năm: “Tết năm 1988, thằng Dư về phép, nói qua Tết sẽ ra đảo. Nó nói má đừng lo, ra đảo sẽ siêng viết thư thăm mẹ, công tác xong thì con về. Vậy mà nó nằm luôn ngoài biển rồi… Nó hiền khô, chưa làm mất lòng ai bao giờ”.
Cụ Lê Thị Niệm, mẹ liệt sĩ Phan Tấn Dư.
Anh Dư mất đã lâu nhưng cụ Niệm vẫn trông chờ: “Người ta nói con tôi hy sinh. Người ta làm lễ truy điệu, nhưng tôi nghĩ chắc nó còn sống. Không nhìn thấy xác nó, tôi không tin!”.
Theo những người trong gia đình, khi đồ đạc anh Dư được gửi về từ Trường Sa, cụ Niệm cất giữ rất kỹ “để nó về thì có mặc”. Cách đây mấy năm, đồng đội anh Dư đến thăm và nói: “Không còn hy vọng nữa đâu, má ơi! Dư không còn sống nữa đâu…”. Khi đó, cụ Niệm khóc nghẹn rồi đem bala, đồ đạc của anh Dư ra đốt trước bàn thờ.
Hơn mười năm trước, sau nhiều lặn lội tìm kiếm, anh thương binh Nguyễn Văn Dũng (ở TP.Nha Trang, Khánh Hòa) mới tìm được đến nhà mẹ Niệm ở thôn Mỹ Thạnh Nam, xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa, Phú Yên. Anh Dũng và anh Dư đều là lính thông tin Trường Sa. Đầu tháng 3.1988, anh Dũng được lệnh ra đảo Gạc Ma. Tuy nhiên, thấy anh bị bệnh nên chỉ huy đã điều anh Dư ra đảo. “Khi nhận được tin từ đơn vị báo anh Dư cùng 63 người lính hải quân khác đã hy sinh, tôi nghĩ anh ấy chết thay mình. Đồng đội cũ tìm nhau đến thắp hương cho Dư, thăm nom mẹ Niệm. Cụ coi chúng tôi như con và anh em nào cũng coi bà là mẹ mình…”, anh Dũng trầm giọng.
Nhường anh đi học
Trong căn nhà nhỏ ở ngoại ô TP.Tuy Hòa (Phú Yên), ông Trương Văn Cảnh (62 tuổi, anh ruột liệt sĩ Trương Văn Thịnh) nhớ lại: “Trước 14.3.1988 ít tháng, thằng Thịnh về phép và nói với tôi: "Còn mấy tháng nữa thì ra quân, em sẽ về làm nghề hớt tóc, phụ giúp gia đình”. Sau đó, đất liền xao xác thông tin hải chiến Gạc Ma. Gia đình không ai dám nghĩ Thịnh có mặt trong trận đó. Giấy báo tử về rồi, cả nhà vẫn trông Thịnh trở về. Gia đình quyết không lập bàn thờ, chỉ cúng tưởng. Thế nhưng sự thật thì rồi cũng phải chấp nhận… Thịnh học chưa hết cấp 2 thì nghỉ, đi học nghề hớt tóc, nhường cho tôi học hết cấp 3. Cứ nghĩ đến chuyện đó là tôi không cầm lòng”.
Ông Trương Văn Cảnh bên di ảnh em trai - liệt sĩ Trương Văn Thịnh.
Theo ông Cảnh, anh Thịnh nhập ngũ năm 1985, lúc 18 tuổi, khi vừa học ra nghề hớt tóc, làm được mấy tháng. Ban đầu đóng ở đảo Trường Sa Lớn. Đầu năm 1988, sau khi trở lại Cam Ranh học khóa đào tạo Tiểu đội trưởng, anh Thịnh về phép thăm nhà, ăn Tết. Lúc anh Thịnh trở lại đơn vị, vì cha mẹ nghèo quá nên vợ chồng ông Cảnh phải gom tiền bán đậu miếng được 50 đồng để cho làm lộ phí. Vào đến Cam Ranh, anh Thịnh phải mượn thêm người anh họ 20 đồng để mua thêm đồ dùng để ra lại Trường Sa.
Kỷ niệm “Sự kiện Trường Sa”, tháng 3.2016, tại sân Trại giống xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa, Phú Yên.
“Thịnh rời nhà khoảng mươi ngày, gia đình nghe một số bạn bè nó nói anh em trên chuyến tàu đi Gạc Ma đã hy sinh hầu hết. Gia đình không tin, dò hỏi khắp nơi… Đến mấy tháng sau thì nhận được thư báo tin Thịnh mất tích. Mãi năm 1990, gia đình mới chính thức nhận giấy báo tử và bằng liệt sĩ của em nó”, ông Cảnh nói.
“Thống kê chưa đầy đủ, Phú Yên hiện có trên 500 cựu binh Trường Sa. Chúng tôi đã lập ban liên lạc được mười năm, để cùng góp tay giúp đỡ các gia đình cựu binh khó khăn, cúng giỗ 2 đồng đội hy sinh. Sau nhiều lần đề nghị, ngày 1.2.2018, Hội Cựu chiến binh Phú Yên đã có quyết định công nhận Ban liên lạc truyền thống bộ đội Trường Sa tỉnh Phú Yên. Đến nay, Ban liên lạc đã 10 lần tổ chức gặp mặt kỷ niệm hải chiến Gạc Ma, với tên gọi “Kỷ niệm Sự kiện Trường Sa”. Vì nhiều lý do, dịp gặp mặt kỷ niệm 30 năm Gạc Ma tới đây, chúng tôi sẽ không chiếu lại clip trận hải chiến 14.3.1988”, ông Huỳnh Văn Trong - Trưởng Ban liên lạc truyền thống bộ đội Trường Sa tỉnh Phú Yên cho biết.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.