Người phụ nữ miền Tây cần cù, chăm chỉ lại rất khéo tay, vì vậy các món ăn đều được chế biến công phu, tỉ mỉ. Cũng nhờ vậy mà món mắm kho tuy đơn giản, dễ làm nhưng đã qua bàn tay của người phụ nữ đảm đang thì sẽ trở thành món ăn đặc sản. Món ăn này dùng để thưởng thức trong những bữa ăn quê và cũng dùng để thiết đãi thực khách phương xa.
Tô mắm kho được xem như “sát thủ” của cơm (ảnh: Hoàng Lê)
Gần như tất cả các thực phẩm như thịt, cá, rau, củ… đều có thể đem ra kho mắm, cho vị ngọt và hương thơm của mắm hoà lẫn vào thức ăn và trở thành món ăn khoái khẩu cho người dùng. Mắm dùng để kho là mắm cá linh (còn gọi là cá trắng) do bàn tay của người phụ nữ quê giàu kinh nghiệm trong việc nêm nếm gia vị để cho ra loại mắm ngon mà mùi hương của nó có thể bay đi, lan toả. Loại mắm này ngoài việc bổ sung hương vị trong các món ăn, người ta còn dùng để ăn sống hay đem hấp cách thuỷ để dùng đều đậm đà hương vị.
Người dân quê ít khi đi chợ, quanh năm chỉ quanh quẩn bên miếng ruộng, chân vườn nên nhà nhà đều “thủ” sẵn hủ mắm cá linh để chế biến thành các món ăn dân dã phục vụ nhu cần ăn uống hằng ngày. Lâu lâu, người dân ra chợ mua ít thịt lợn, cá lóc, cà tím… mang về kho với mắm là cả gia đình đã có một bữa ăn “hoành tráng” – theo cách gọi của nhà vườn.
Tô mắm cá linh dùng để ăn kèm với rau sống, bắp chuối thái mỏng đi kèm là xem như “trúng bài” ăn uống. Những lão nông miền Tây khi lên bữa thì mang chai rượu đế, nhâm nhi vài chung rượu rồi ngân nga ca ngợi về tô mắm:
“Mắm này là mắm cá linh
Ăn vào là biết vợ mình kho đây”
Theo chia sẻ của người dân quê, mắm cá linh không chỉ là một món ăn đặc sản mà nó còn chan chứa những tình cảm dịu dàng của người phụ nữ miền Tây ẩn trong tô mắm. Đó là sự kết hợp của sự khéo léo về nấu ăn và của cả tình người đằm thắm như chính tình cảm đôn hậu, thuỷ chung của người dân quê. Có lẽ chính vì điều này mà tô mắm cá linh kho gợi lên trong lòng người dư vị đặc biệt và cũng là món hằn sâu trong tâm trí cho những kẻ xa quê những khi nhớ nhà.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.