Xu hướng sống và làm việc một cách năng suất đang thu hút sự chú ý của người trẻ trên mạng xã hội. Nhiều người đã đăng clip hưởng ứng trào lưu “5-9 trước 9-5” - chu trình thực hiện những thói quen lành mạnh vào buổi sáng 5-9h trước khi làm việc 9-17h.
Một số hoạt động thường thấy trong những clip về “chu trình 5-9” bao gồm tập yoga, chạy bộ, dọn dẹp nhà cửa, đọc sách, nấu nướng và chuẩn bị không gian làm việc trước khi vào giờ làm.
Tuy nhiên, trào lưu vấp phải một số cảnh báo từ các chuyên gia, theo New York Post.
Rủi ro khi tận dụng quỹ thời gian
Hashtag #5to9 hiện thu hút hơn 38,5 triệu lượt xem trên TikTok. Sự phổ biến của trào lưu "dậy sớm để thành công" này phần lớn do số lượng người làm việc ở nhà gia tăng.
Những nhân viên làm việc theo ca kíp cũng hưởng ứng trào lưu này. Gần đây, một y tá đã chia sẻ đoạn video về chu trình sáng sớm 3-7h của cô trước khi vào ca làm việc kéo dài 12 tiếng từ 7h đến 19h.
Bên cạnh những lời tán dương và bày tỏ sự ngưỡng mộ, một số người tỏ ra hoài nghi rằng liệu họ có thể thực sự duy trì một lịch trình dày đặc như vậy hàng ngày trước khi đi làm không.
Tiến sĩ Gina Cleo, nhà khoa học nghiên cứu về thói quen và chuyên gia dinh dưỡng, cho biết bà không lạ với việc khởi động một cách năng suất trước khi ngày làm việc mới bắt đầu. Tuy nhiên, bà chỉ mới biết thuật ngữ “5-9 trước 9-5” gần đây khi nó nổi lên như một xu hướng mới trên Internet.
Chuyên gia bày tỏ sự ủng hộ đối với lối sống mới này, cho rằng tập trung vào sức khỏe bản thân đồng thời duy trì những thói quen lành mạnh trước giờ làm việc có thể mang lại nhiều lợi ích.
Một TikToker chia sẻ về chu trình mỗi sáng của cô, bao gồm gấp chăn màn, nấu bữa sáng, tập thể dục và xem phim. Ảnh: @cameronkira.
Tiến sĩ Cleo khẳng định tạo một thói quen 5-9 lành mạnh trước khi bước vào ngày làm việc 9-5, cho dù đó là dành thời gian cho việc chăm sóc bản thân, phát triển cá nhân hay tối ưu hóa sức khỏe thể chất lẫn tinh thần, có thể là cách tuyệt vời để tận dụng tối đa thời gian trong ngày.
“Mỗi ngày chúng ta chỉ có 24 tiếng nhưng lại có nhiều thứ phải thực hiện. Khi sử dụng thời gian một cách hiệu quả và năng suất, nó có thể mang lại cho chúng ta cảm giác đạt thành tựu”, bà nói.
Thế nhưng, bên cạnh những lợi ích, việc thực hiện thói quen 5-9 có thể ẩn chứa một số rủi ro về sức khỏe, cũng như gây áp lực phải cân bằng giữa công việc và đời sống, theo tiến sĩ Cleo.
“Những tác hại tiềm ẩn có thể bao gồm hy sinh giấc ngủ để đạt được ‘năng suất’, cố nhồi nhét quá nhiều hoạt động trong một ngày, quá tập trung và nỗ lực hoàn thành lịch trình mà không thực sự lắng nghe nhu cầu của cơ thể”, bà chia sẻ.
Dù nhấn mạnh rằng thói quen chăm sóc sức khỏe có thể cải thiện cả thể lực lẫn năng suất làm việc cho mỗi cá nhân, bà cho biết lối sống 5-9 “hoàn toàn không dành cho mọi người”.
“Nếu bản chất bạn là một ‘cú đêm’, việc cố gắng thực hiện bất cứ điều gì vào lúc 5h hoặc thậm chí 7h sáng sẽ mang lại cảm giác vô ích”, bà nói.
Theo chuyên gia, giấc ngủ là một trong những điều quan trọng nhất đối với sức khẻo mỗi người. Do đó, với những người đã quen tỉnh dậy vừa kịp vào ngày làm việc mới, đừng cảm thấy tồi tệ vì chưa tận dụng vào khung giờ sáng.
“Những ‘cú đêm’ thường hoàn thành việc nhà, tập thể dục hay nấu nướng sau ngày làm việc chứ không phải trước đó”, bà nói. Chu trình này sẽ hữu ích hơn đối với những người đã quen dậy sớm. Khi đó, tạo một thói quen lành mạnh là cách tuyệt vời để khởi động ngày mới.
Bên cạnh đó, dù có tên là “5-9”, chuyên gia sức khỏe cho biết chu trình chăm sóc sức khỏe vào sáng sớm không nhất thiết phải bắt đầu từ 5h. Nó còn tùy thuộc vào lịch trình của mỗi người.
“Quan trọng nhất là bạn phải ngủ đủ 7-9 tiếng. Trong ngày, chúng ta đã thức khoảng 16 tiếng, bao gồm 8 tiếng làm việc, 1-2 tiếng di chuyển và 6 tiếng dành cho cuộc sống riêng. Tốt nhất, để có thể tận dụng triệt để khoảng thời gian chúng ta thức, hãy lập kế hoạch và lịch trình rõ ràng”, bà chia sẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.