Tăng lượng lớn việc làm cho lao động làm ngành bán dẫn
Theo Tổng cục Thống kê, tình hình lao động việc làm năm 2024 đã quay trở lại theo xu hướng phát triển bình thường như thời kỳ trước dịch Covid-19. Tính chung 9 tháng đầu năm, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 52,5 triệu người.
Bên cạnh đó, lao động có việc làm là 51,4 triệu người, tăng 212.000 người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 2,38%, giảm 0,17% so với cùng kỳ. Tỷ lệ lao động qua đào tạo chiếm 68,7%, trong đó, tỷ lệ lao động có bằng, chứng chỉ đạt 28,1%.
Tiền lương của khu vực nhà nước và khu vực tư nhân cũng tăng trưởng không ngừng. Năm 2024, tiền lương khu vực công tăng 30%; tiền lương khu vực tư tăng hơn 6%. Điều này cho thấy những tín hiệu lạc quan về thị trường lao động. Việc làm được duy trì ổn định, thu nhập có sự tăng trưởng.
Đặc biệt, Việt Nam được xem là điểm đến mới nổi để các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư, nhất là trong ngành công nghiệp bán dẫn. Đây vừa là cơ hội, nhưng cũng vừa thách thức với thị trường lao động khi mà Việt Nam đang thiếu khá nhiều lao động kỹ thuật, nhất là lao động làm công nghệ bán dẫn.
Theo dự báo thị phần sản xuất, lắp ráp, sử dụng công nghệ bán dẫn tại tại Việt Nam sẽ chiếm 1% năm 2022 và tăng lên khoảng 8% năm 2032. Thị phần công nghệ bán dẫn tăng đồng nghĩa với việc nhu cầu tuyển dụng, sử dụng lao động tăng cao. Điều này đòi hỏi cần một lực lượng lớn lao động làm ngành này.
Theo tính toán, lao động làm trong ngành này có thể nhận mức lương khá cao, từ 1.000 USD cho tới 3.000 USD tùy theo trình độ, số năm kinh nghiệm.
Ngoài công nghệ bán dẫn, thì một loạt các ngành nghề liên quan tới công nghệ thông tin, vận chuyển kho vận; dịch vụ thương mại... cũng được sự báo phát triển tốt qua đó mang lại nhiều triển vọng về tạo việc làm cho lao động.
Không chỉ tăng số việc làm qua các kênh trong nước, tạo việc làm cho lao động thông qua kênh đi làm việc ở nước ngoài cũng có những bước tiền quan trọng.
Năm 2024, Việt Nam đã vượt mục tiêu đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài vượt mục tiêu. Mới tính 10 tháng đầu năm Việt Nam đã đưa hơn 130 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài (đạt hơn 104%) kế hoạch. Dự báo năm 2025, con số này sẽ còn tiếp tục tăng trưởng cao hơn nữa.
Ngành lao động khẳng định quyết tâm "Không để đứt gãy thị trường lao động"
Mới đây trong Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024, phương hướng nhiệm vụ của Cục Việc làm trong năm 2025, một lần nữa Bộ LĐTBXH khẳng định quyết tâm phát triển thị trường lao động và chủ động đề xuất các chính sách điều tiết thị trường này trong năm 2025.
Báo cáo của Cục Việc làm cho thấy, năm qua đơn vị đã tham mưu các giải pháp phục hồi và phát triển thị trường lao động. Những giải pháp này đã mang lại những kết quả tích cực, giúp các khu công nghiệp, khu chế xuất, các vùng kinh tế trọng điểm cơ bản duy trì được lực lượng lao động ổn định.
Ông Lê Văn Thanh - Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho biết, Cục Việc làm đã thể hiện vai trò lớn, nhất là trong lĩnh vực lao động, việc làm.
Thứ trưởng nhắc lại từ thời điểm ảnh hưởng của dịch Covid-19, Cục Việc làm giữ vai trò chủ chốt, chủ trì đề xuất các chính sách hỗ trợ cho người lao động, chủ sử dụng lao động để đảm bảo chuỗi cung ứng, điều tiết cung - cầu lao động, đảm bảo nguồn nhân lực.
Bên cạnh đó, chính sách bảo hiểm thất nghiệp là bà đỡ, lưới an sinh quan trọng. Từ khi có bảo hiểm thất nghiệp, đời sống của người lao động được cải thiện khi không may mất việc làm và giúp họ nhanh chóng quay lại thị trường lao động.
Nhìn chung năm 2024 có nhiều thuận lợi, thể hiện qua việc doanh nghiệp thành lập mới, số lượng việc làm tăng lên và tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống. Song, thị trường lao động vẫn còn tiềm ẩn nhiều bấp bênh.
Lãnh đạo ngành lao động cũng cho rằng dự án Luật Việc làm sửa đổi được tiếp thu, chỉnh lý thống nhất những vấn đề cơ bản. Dự Luật dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 9, song nhiều cơ quan đề xuất có thể thông qua sớm hơn để phù hợp với tình hình thực tiễn.
Nhiệm vụ trọng tâm của ngành lao động trong năm 2025 là xây dựng các thông tư, nghị định hướng dẫn khi dự Luật Việc làm được thông qua.
Để làm được điều đó, Thứ trưởng đề nghị Cục Việc làm phân công cụ thể nhiệm vụ từng cá nhân, từng việc, thời hạn, tránh chồng chéo công việc trong xây dựng thể chế.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục quan tâm, phát triển thị trường lao động. Theo Thứ trưởng, mục tiêu tăng trưởng của năm 2025 cao, vì vậy, sản xuất phải đẩy mạnh hơn và nhu cầu lao động nhiều hơn.
Thứ trưởng Thanh nhấn mạnh: "Cần quan tâm đến thị trường lao động để không bị thiếu lao động. Muốn vậy, cần phải chủ động đề xuất các chính sách điều tiết, tuyệt đối không để thiếu lao động, đặc biệt là đứt gãy thị trường cục bộ".
Nhìn nhận về triển vọng của thị trường lao động trong năm 2025, bà Nguyễn Thị Lan Hương - Chuyên gia lao động cũng cho rằng, thị trường lao động sẽ có sự khởi sắc. Lý do là bởi kinh tế phát triển, nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài tăng lên, thì đương nhiên nhu cầu tuyển dụng lao động cũng tăng theo.
Tuy vậy, bên cạnh thời cơ, bà Hương cũng nhấn mạnh sẽ có khá nhiều thách thức. "Sẽ có nhiều cơ hội việc làm cho người lao động, nhưng là công việc đòi hỏi chuyên môn kỹ thuật cao. Muốn đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp lao động phải có tay nghề, có trình độ, chuyên môn kỹ thuật, thậm chí còn cần có cả kinh nghiệm", bà Hương nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.