Từ vụ lái xe ô tô đi ngược chiều trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, xem xét chế tài xử lý răn đe

Quang Minh - Đình Việt Thứ ba, ngày 27/08/2024 18:30 PM (GMT+7)
Theo chuyên gia, luật sư, cơ quan chức năng cần đưa ra các chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe, cảnh tỉnh lái xe để tuân thủ pháp luật, hạn chế tới mức thấp nhất các vụ tai nạn trên đường cao tốc.
Bình luận 0

Đi ngược chiều trên cao tốc có thể gây ra tai nạn thảm khốc

Liên quan đến vụ việc lái xe ô tô đi ngược chiều, lao vun vút trên cao tốc Hà Nội- Hải Phòng, Tiến sĩ Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia cho hay, cao tốc Hà Nội- Hải Phòng cho phép chạy tối đa 120km/h. Bởi vậy, các hành vi đi ngược chiều trên cao tốc là hành vi hết sức nguy hiểm, có thể gây ra các vụ tai nạn giao thông thảm khốc.

Đối với lái xe, nếu như vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, với mức phạt từ 16-18 triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ 5-7 tháng.

"Tuy nhiên, tôi cho rằng mức phạt như vậy là chưa phù hợp, chưa đủ sức răn đe. Ngoài việc phạt tiền lái xe, cần phải trừ hết 12 điểm Giấy phép lái xe. Để từ đó, lái xe phải đi học lại, thi lại để được cấp Giấy phép lái xe mới. Hành vi đi ngược chiều phải tương đương như hành vi sử dụng ma túy hay sử dụng nồng độ cồn quá mức cho phép và phải bị xử phạt nặng, thậm chí là sử xử lý hình sự", ông Tạo nói.

Lái xe ô tô đi ngược chiều trên cao tốc: Cần xử lý hình sự để tạo sự răn đe - Ảnh 1.

Hình ảnh lái xe ô tô chạy ngược chiều trên cao tốc Hà Nội- Hải Phòng. Ảnh cắt từ clip.

Theo ông Tạo, cơ quan chức năng cũng cần đưa ra các chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe, để cảnh tỉnh lái xe để họ tuân thủ pháp luật, để hạn chế tới mức thấp nhất các vụ tai nạn trên đường cao tốc.

Đồng quan điểm, ông Bùi Danh Liên, nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cũng cho rằng, hành vi đi ngược chiều hơn 1km trên cao tốc là hành vi cố tình vi phạm pháp luật.

Tại cao tốc có làn đường cho phép chạy tốc độ tối đa 120km/h, vì vậy, khi lái xe chạy ngược chiều thì mức độ, hậu quả xảy ra là cực kỳ lớn, gây ảnh hưởng nặng nề tới lái xe, gia đình, những người tham gia giao thông trên đường. 

Vì vậy, ông Liên cho rằng, cơ quan chức năng cần nghiên cứu bổ sung, sửa đổi các quy định, luật theo hướng xử lý hình sự đối với những hành vi cố tình đi vào đường cao tốc, chạy với tốc độ cao như trong vụ việc nêu trên.

Trên mạng xã hội, rất nhiều người lên án mạnh mẽ hành vi đi ngược chiều ở làn tốc độ cao ở cao tốc Hà Nội Hải Phòng. 

Sáng 27/8, đại diện Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, Đội Tuần tra kiểm soát đường bộ cao tốc số 2 (Đội 2) đã xác minh, làm rõ được tài xế điều khiển ô tô đi ngược chiều trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Đồng thời, đơn vị đã mời nam tài xế này lên trụ sở để lập biên bản vi phạm.

Qua quá trình xác minh, cảnh sát xác định, ô tô đi ngược chiều đường mang BKS 89A - 080.XX do anh L.C.M. (SN 1975, trú tại Khoái Châu, Hưng Yên) điều khiển.

Tại cơ quan công an, anh M. cho biết, đi ăn cỗ giỗ ở nhà ông ngoại của vợ tại ở huyện Văn Giang (tỉnh Hưng Yên) do đi nhầm đường nên anh lái xe vào cao tốc Hà Nội - Hải Phòng từ Km 8. Sau đó, đi ngược chiều khoảng 1km thì quay đầu lại đi đúng chiều đường và điều khiển xe rời khỏi cao tốc theo hướng về huyện Văn Giang (Hưng Yên).

Đội 2 đã tiến hành lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính với anh L.C.M. lỗi: Điều khiển xe đi ngược chiều trên đường cao tốc. Theo Nghị định 100/2019 với lỗi này, tài xế M. bị phạt tiền từ 16-18 triệu (tại điểm a khoản 8 Điều 5), tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 5 - 7 tháng (điểm đ khoản 11 Điều 5).

Dấu hiệu gây rối trật tự công cộng?

Tiến sĩ luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho hay, theo quy định của pháp luật, đường cao tốc là đường dành cho xe cơ giới, có dải phân cách chia đường cho xe chạy hai chiều riêng biệt, không giao nhau cùng mức với một hoặc các đường khác; được bố trí đầy đủ trang thiết bị phục vụ, bảo đảm giao thông liên tục, an toàn, rút ngắn thời gian hành trình và chỉ cho xe ra, vào ở những điểm nhất định.

Pháp luật quy định rất cụ thể quy tắc tham gia giao thông trên đường cao tốc, theo đó người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng trên đường cao tốc ngoài việc tuân thủ các quy tắc giao thông quy định tại Luật Giao thông đường bộ 2008 còn phải thực hiện các quy định sau đây:

Khi vào đường cao tốc phải có tín hiệu xin vào và phải nhường đường cho xe đang chạy trên đường, khi thấy an toàn mới cho xe nhập vào dòng xe ở làn đường sát mép ngoài, nếu có làn đường tăng tốc thì phải cho xe chạy trên làn đường đó trước khi vào làn đường của đường cao tốc;

Lái xe ô tô đi ngược chiều trên cao tốc: Cần xử lý hình sự để tạo sự răn đe - Ảnh 2.

Tiến sĩ luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp. Ảnh nhân vật cung cấp.

Khi ra khỏi đường cao tốc phải thực hiện chuyển dần sang làn đường phía bên phải, nếu có làn đường giảm tốc thì phải cho xe chạy trên làn đường đó trước khi rời khỏi đường cao tốc; Không được cho xe chạy ở làn dừng xe khẩn cấp và phần lề đường; Không được cho xe chạy quá tốc độ tối đa và dưới tốc độ tối thiểu ghi trên biển báo hiệu, sơn kẻ trên mặt đường.

Lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải cho xe chạy cách nhau một khoảng cách an toàn ghi trên biển báo hiệu. Chỉ được dừng xe, đỗ xe ở nơi quy định; trường hợp buộc phải dừng xe, đỗ xe không đúng nơi quy định thì người lái xe phải đưa xe ra khỏi phần đường xe chạy, nếu không thể được thì phải báo hiệu để người lái xe khác biết.

Người đi bộ, xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô và máy kéo; xe máy chuyên dùng có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 70 km/h không được đi vào đường cao tốc, trừ người, phương tiện, thiết bị phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc. 

Hành vi đi ngược chiều là hành vi vi phạm pháp luật, nếu đi ngược chiều trên đường cao tốc thì rất nguy hiểm, có thể gây ra tai nạn giao thông. Tùy vào tính chất của hành vi, tùy thuộc hậu quả có thể xảy ra mà người thực hiện hành vi có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Luật sư Cường cho biết, nếu hành vi đi ngược chiều trên đường cao tốc gây ra gây ra tai nạn nghiêm trọng hoặc có nguy cơ gây ra tai nạn đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời thì người thực hiện hành vi đi ngược chiều trên đường cao tốc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 260 Bộ luật hình sự.

Cụ thể khoản 4, Điều 260 Bộ luật hình sự quy định: "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

Luật sư Cường cho biết, hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể về khoản 4, Điều 260 Bộ luật hình sự nên những hành vi vi phạm luật giao thông nghiêm trọng, chưa gây ra hậu quả thì rất khó khăn trong việc xử lý hình sự.

Bởi vậy, ông cho rằng, để đảm bảo trật tự an toàn giao thông các cơ quan chức năng cần sớm có văn bản hướng dẫn quy định này để có hình thức xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng về giao thông đường bộ nhằm để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người tham gia giao thông, đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, tránh những vụ việc tương tự có thể xảy ra.

Ngoài ra, theo luật sư Cường, trong vụ việc lái xe chạy ngược chiều trên cao tốc Hà Nội- Hải Phòng có dấu hiệu của hành vi gây rối trật tự công cộng. Bởi hành vi này gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, gây thiệt hại cho lợi ích nhà nước, xâm phạm đến quyền và lợi ích tổ chức, cá nhân.

Hậu quả của hành vi gây rối trật tự công cộng là thiệt hại về vật chất; hoặc phi vật chất được xác định là nghiêm trọng cho xã hội. Vì vậy, cơ quan chức năng cũng cũng cần xem xét nghiên cứu các quy định của pháp luật để xử lý nghiêm đối với lái xe nhằm tạo sức răn đe.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem