Hỗn chiến, truy sát trong bệnh viện
Tại nhiều bệnh viện trên khắp cả nước đã từng có không ít những vụ việc nghiêm trọng xảy ra mà không hề có sự can thiệp kịp thời của lực lượng bảo vệ sở tại cũng như sự phối hợp của lực lượng chuyên nghiệp như cảnh sát trật tự, 113... khiến cho tâm lý bệnh nhân, người nhà bệnh nhân cũng như nhân viên y tế hết sức lo lắng, hoang mang.
|
Cảnh chen chúc tại bệnh viện thường ngày là cơ hội cho kẻ xấu ra tay. |
Có thể kể tới sự việc điển hình như vụ hỗn chiến kinh hoàng bằng đoản đao, mã tấu giữa 20 thanh niên xảy ra trong khu vực cấp cứu của BV Hữu nghị Việt -- Tiệp (TP.Hải Phòng) xảy ra vào tháng 4.2011. Vụ hỗn chiến này kéo dài hơn 20 phút ngay trong khuôn viên BV, được ghi lại bằng camera giám sát, nhưng ngoài những ánh mắt bất lực và tuyệt vọng của một số nhân viên y tế, người ta chẳng hề thấy có sự can thiệp của lực lượng chức năng.
Luật sư làm việc với BV Phụ sản T.Ư
Ngày 6.11, thông tin từ phía gia đình sản phụ Trần Thị Thơm (có con bị bắt cóc ngày 3.11), cho biết: Sáng 7.11, gia đình chị và luật sư sẽ có buổi làm việc với lãnh đạo BV Phụ sản T.Ư để làm rõ trách nhiệm của các bên trong việc để mất cháu bé. Nếu không được giải quyết thỏa đáng, gia đình có thể khởi kiện BV. Hiện gia đình đã hoàn tất các thủ tục đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc tìm kiếm cháu bé. Cũng theo kiến nghị của gia đình chị Thơm, cần phải điều tra làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm tập thể lãnh đạo, các bộ, y bác sĩ BV Phụ sản T.Ư theo đúng quy định của pháp luật vì đã thiếu trách nhiệm gây ra hậu quả nghiêm trọng. (Minh Nguyệt)
Hàng loạt các vụ truy sát nạn nhân vào tận trong bệnh viện, có vụ gây tử vong như vụ truy sát tại BV Củ Chi (TP.HCM) vào tháng 10.2011 khiến 1 người chết, vụ dùng súng truy sát bệnh nhân ngay tại cổng BV Nam Thăng Long (Hà Nội) cũng trong tháng 10.2011. Đau xót hơn cả là vụ người nhà bệnh nhân đâm chết 1 bác sĩ và làm bị thương 1 số bác sĩ, y tá khác ngay trong khuôn viên BV Đa khoa Vũ Thư (Thái Bình) tháng 8.2011...
Tất cả những vụ việc nghiêm trọng này đều cho thấy, vấn đề an ninh ở BV ở Việt Nam chưa hề được quan tâm đúng mực dù BV là một khu vực hết sức nhạy cảm, nơi tập trung đông người ở mọi tầng lớp, nơi rất dễ làm nảy sinh nhiều tệ nạn và sự vụ phức tạp.
Quay trở lại vụ việc trẻ sơ sinh bị bắt cóc ngay tại BV Phụ sản T.Ư ở trung tâm thủ đô ngày 3.11, trả lời phóng viên Báo Dân Việt, chính Giám đốc BV Phụ sản T.Ư – TS Nguyễn Viết Tiến cũng thừa nhận: “Việc quản lý giám sát an ninh là rất khó. Chuyện mất cắp, người lạ đột nhập là không thể tránh khỏi”.
TS Tiến cũng thừa nhận sự thiếu sót trong khâu quản lý an ninh của BV. Ngay sau đó, BV cũng đã tăng cường an ninh, kiểm tra gắt gao tất cả đối tượng ra vào bệnh viện, nhất là tại các khoa Đẻ, khoa Sơ sinh.
Bác sĩ Nguyễn Huy Bạo - Giám đốc BV Phụ sản Hà Nội cho rằng: “Đây là một bài học lớn để các BV sản khoa rút kinh nghiệm. Cần phải tăng cường cảnh giác vì tội phạm có thể là bất kỳ ai, gây tội ác ở bất kỳ chỗ nào”.
An ninh quá lỏng lẻo
Ghi nhận của PV tại một số khoa sản của các BV ở Hà Nội: Phụ sản T.Ư, Phụ sản Hà Nội, E, Xanhpôn… cho thấy, tình trạng an ninh rất lỏng lẻo. Dù đã quy định giờ vào thăm bệnh nhân, nhưng bằng nhiều cách, những người lạ mặt vẫn có thể luồn lách tiếp cận được với bệnh nhân. Tình trạng mất cắp tài sản, nhất là tiền bạc, đồ đạc giá trị của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân xảy ra thường xuyên tại các BV lớn, nhưng hầu như tình hình an ninh BV ít chuyển biến.
Chị Nguyễn Thị Hà (Hải Hậu, Nam Định) nằm chờ đẻ tại BV Phụ sản T.Ư từng là nạn nhân của tội phạm. “Trong một lần đi khám thai, tôi đã bị kẻ gian rạch túi lấy mất 10 triệu đồng và lấy sạch giấy tờ. BV chật chội, bệnh nhân đến khám đông chen chúc nên khó mà phát hiện. BV có nhân viên an ninh nhưng chủ yếu là để trông xe, canh ngoài cổng. Camera giám sát trong BV cũng ít quá”.
Việc kẻ xấu lợi dụng để ra tay tại các BV là hết sức phổ biến. Ghi nhận tại BV Bạch Mai, vào thời gian mở cửa BV để người nhà vào thăm bệnh nhân (từ 11 - 13 giờ 30 hàng ngày), tất cả mọi người đều có thể ra vào một cách dễ dàng mà không có một sự ngăn cản hay kiểm tra giấy tờ tùy thân nào. Kẻ gian cũng có thể lợi dụng những lúc chen lấn mua thuốc, nộp viện phí… để chen lấn rồi rình cơ hội trộm cắp.
Anh Phạm Minh Hương (Phú Thọ) vừa bị móc mất số tiền 2 triệu đồng tại BV Phụ sản T.Ư nhưng vẫn xuýt xoa với PV là “may quá” vì sau đó, anh đã được một nhân viên vệ sinh trả lại một số giấy tờ quan trọng của anh bị kẻ gian bỏ lại trong thùng rác BV.
Bảo vệ làm chưa hết chức năng
Sau khi vụ một trẻ sơ sinh nghi bị bắt cóc tại Bệnh viện Phụ sản T.Ư, một cán bộ cảnh sát điều tra Công an Hà Nội (xin được giấu tên) cũng hết sức lo ngại về vấn đề an ninh tại các bệnh viện. Theo cán bộ này, việc đảm bảo an ninh trật tự chung tại các bệnh viện trên địa bàn thì do công an các phường, xã, quận huyện, thành phố đảm trách. Nhưng riêng trong các bệnh viện, để đảm bảo an ninh cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhận khi vào chăm sóc, thăm nom là do các bệnh viện chịu trách nhiệm.
Về vụ bắt cóc cháu Trường (con sản phụ Thơm), theo cán bộ điều tra, công an đang thu thập những thông tin, dấu vết liên quan, nỗ lực hết sức để truy tìm đối tượng nhưng không dễ để tìm được. “Vụ việc này cho thấy các bảo vệ của bệnh viện chưa làm tròn chức năng của mình. Nhìn rộng ra, nói chung tình hình an ninh tại các bệnh viện đang là vấn đề đáng báo động" - ông này khẳng định. (Thắng Quang)
Minh Nguyệt - Đức Chiến
Vui lòng nhập nội dung bình luận.