Anh Tuấn "cá sấu" chia sẻ: "Thấy tôi lao vào việc làm bảo tàng. Nhiều anh em chân tình khuyên can, lo lắng, "liệu có kinh doanh được không?", "bán vé thì ăn thua gì ....". Cảm ơn những người anh em đã nghĩ cho nhau". Anh Tuấn Cá sấu khẳng định mình không hề có ý định kinh doanh bảo tàng.
Anh Cao Văn Tuấn (Hải Phòng) nổi tiếng vì là người đầu tiên đưa cá sấu từ miền Nam ra Bắc gây nuôi, nghiên cứu và phát triển thành công, được gọi là "Vua cá sấu". Ngoài ra anh còn được biết đến là một người yêu văn hóa. Anh sở hữu 2 bộ sưu tập đáng giá: Bộ đĩa, bát, thạp, bình cổ từ 2.000 năm trước đến thời Nguyễn cùng các loại đèn dầu, đèn Hoa Kỳ như lưu giữ dấu ấn văn minh người Pháp đưa vào Việt Nam. Tuấn "cá sấu" sở hữu bộ sưu tập 300 bức tranh của các danh họa Mỹ thuật Đông Dương và nhiều họa sĩ đương đại nổi tiếng Việt Nam. Bằng hai bộ sưu tập này, cùng niềm đam mê văn chương, nghệ thuật, chịu học và đọc không ngừng, anh giao du với nhiều nghệ sĩ, nhà khoa học danh tiếng.
Chia sẻ về lý do xây dựng Bảo tàng Văn hóa – Nghệ thuật Đông Dương "Vua cá sấu" cho biết: "Thử hỏi những ai yêu văn hoá Việt, khi bạn sưu tập được một hiện vật hay các tác phẩm nghệ thuật đã tốn nhiều công sức và tiền bạc rồi. Nhưng để đưa ra trưng bày được cho công chúng xem thì còn tốn kém hơn rất nhiều lần. Như họa sỹ triển lãm tranh vậy. Trong đời họa sỹ, vẽ thì nhiều nhưng triển lãm được bao nhiêu lần? Vây kinh doanh bảo tàng ư? Không. Tôi không kinh doanh."
Theo như anh Cao Văn Tuấn, Việt Nam có trên 100 bảo tàng nhưng rất ít bảo tàng có chất lượng và lôi cuốn được công chúng. Sức hấp dẫn của các bảo tàng đối với công chúng hiện nay không tăng lên bởi vì số bảo tàng mới ra đời nhưng lại không mới và không đáp ứng nhiều lắm sự mong đợi của xã hội. Ở Mỹ, Úc, Châu Âu ... Cuối tuần có thể nhìn thấy hình ảnh dân chúng xếp hàng dài vào thăm bảo tàng. Nhưng ở ta thì ... mơ".
Đại gia Tuấn "cá sấu" cũng cho biết mình không phải nhà văn hoá, hay nghiên cứu, càng không phải chuyên gia bảo tàng. Anh tự nhận mình chỉ là người yêu văn hoá Việt. Anh có thể nghèo đi về vật chất, thậm chí phá sản vì làm bảo tàng. Nhưng anh vẫn làm, vì đam mê và yêu văn hoá Việt. Anh trọng tài năng và yêu nhà văn, nhà thơ, nhạc sỹ, họa sỹ và những người làm nghệ thuật và luôn dặn mình phải đối xử tử tế với họ. Anh xem tác phẩm và tôn trọng họ.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Tuấn cho biết: "Tôi muốn lưu giữ những giá trị văn hoá bằng trí tuệ thực sự của họ trong lao động, dĩ nhiên cả sự tử tế ... Mà sự tử tế thì không để trưng bày vào bảo tàng. Tôi muốn nó lan tỏa. Đó là lý do chính tôi thành lập: Bảo tàng Văn hóa – Nghệ thuật Đông Dương". Về cái tên "Đông Dương" anh Tuấn Cá sấu cho biết bảo tàng quay về hướng Đông, anh thì tuổi "hoàng hôn" nhưng rất thích mỗi sáng bình minh nên đặt là tên bảo tàng là Đông Dương.
Bảo tàng Văn hóa – Nghệ thuật Đông Dương hiện đã được UBND thành phố Hải Phòng cấp phép hoạt động với hình thức bảo tàng ngoài công lập dưới sự quản lý của Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hải Phòng và chính quyền địa phương.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.