Tin từ Bệnh viện đa khoa Tâm Anh cho biết, mới đây, bệnh viện đã "trả lại hạnh phúc" cho 1 bệnh nhân sau khi điều trị thành công cho một bệnh nhân bị viêm ruột mà trước đó bà bị chẩn đoán nhầm là ung thư đại tràng.
Bệnh nhân là bà Đào Thị Cài (52 tuổi, ở Thái Bình) nhập viện trong tình trạng đau bụng, đi ngoài ra máu, sụt cân và đã được bệnh viện khác chẩn đoán ung thư đại tràng.
Khai thác tiền sử bệnh, bà Cải cho biết, bà bị đau bụng, đi ngoài ra máu kéo dài gần 1 tháng. Do không ăn được trong một thời gian dài khiến bà sụt 5kg. Khi thăm khám tại bệnh viện lớn, bà có biểu hiện thiếu máu, thể trạng suy kiệt nên được chỉ định chụp cắt lớp vi tính, nội soi đại tràng.
Trên hình ảnh CT có khối sùi loét dày thành góc đại tràng, bác sĩ chẩn đoán 90% mắc ung thư trực tràng, chỉ định phẫu thuật cắt u. Sợ hãi, lo lắng, bà Cải đi khám lại tại Bệnh viện đa khoa Tâm Anh.
Bác sĩ Đào Trần Tiến, Phó khoa Tiêu hóa (Bệnh viện đa khoa Tâm Anh) cho biết, kết quả xét nghiệm máu của người bệnh cho thấy tình trạng thiếu máu nặng, chỉ số viêm tăng cao.
Do kết quả nội soi và chụp cắt lớp vi tính tại cơ sở khác nghĩ nhiều đến khối u nhưng hình ảnh ghi nhận không tương đồng với kết quả giải phẫu bệnh. Bác sĩ quyết định tiến hành nội soi lại nhằm khẳng định tính chất tổn thương.
Khi tiến hành nội soi, ở vị trí đại tràng ngang góc gan có khối sùi loét chiếm hoàn toàn chu vi của đại tràng, gây hẹp lòng đại tràng. Đây là lý do khiến người bệnh đau bụng và đi ngoài ra máu.
Quan sát kỹ tổn thương, bác sĩ thấy khối sùi loét lớn là tập hợp của rất nhiều các tổn thương nhỏ dạng giả u (tổn thương viêm có hình thái giống khối u). Các vị trí khác dọc đại tràng như hồi tràng, đại tràng ngang cũng có một số khối tổn thương nhỏ có tính chất tương tự.
Khi tiến hành nội soi phóng đại, tổn thương cấu trúc vi mạch không điển hình của khối ung thư mà gợi ý giống tổn thương liên quan đến tình trạng viêm loét.
Bác sĩ sinh thiết nhiều mảnh tại vị trí khối nghi ngờ u, kết quả giải phẫu cho thấy khối tổn thương đại tràng không có tế bào ung thư bên trong, ngược lại có rất nhiều các tế bào viêm gợi ý các bệnh lý tổn thương do viêm ruột mạn tính thâm nhiễm tạo thành khối giả u.
Người bệnh điều trị nội khoa thay vì phẫu thuật như chỉ định trước đó.
Sau 6 tháng điều trị tích cực, người bệnh không còn triệu chứng đau bụng, đi ngoài bình thường, và đã tăng 4 kg. Qua hình ảnh nội soi tái khám, các tổn thương ở đại tràng đã liền, đoạn hẹp thu nhỏ diện tích, bề mặt niêm mạc không chảy máu. Người bệnh tiếp tục được theo dõi và điều trị để đạt được sự lui bệnh hoàn toàn.
Theo bác sĩ Tiến, các tổn thương viêm ruột tạo thành khối, được gọi là viêm ruột mạn tính, bệnh dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác, nhất là các khối ung thư ở đại tràng hay tổn thương u hạt do lao, u lympho…
"Bệnh viêm ruột mạn tính tiến triển thường có mối liên quan đến tình trạng rối loạn miễn dịch của nhóm bệnh lý tự miễn. Nếu không được chẩn đoán chính xác, điều trị kịp thời, bệnh có xu hướng tiến triển ngày càng nặng, tái phát nhiều đợt.
Người bệnh cần được theo dõi, quản lý bệnh tốt để thuyên giảm triệu chứng và hạn chế tái phát", bác sĩ Tiến cho biết.
Bác sĩ Tiến khuyến cáo, với những người trên 50 tuổi, có triệu chứng nghi ngờ như đau bụng, sụt cân không rõ nguyên nhân, đi ngoài ra máu… cần đến các cơ sở y tế để được thăm khám, nội soi tầm soát, sàng lọc, xác định chẩn đoán tổn thương ung thư, viêm loét gây ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng sống.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.