Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chưa quyết định cho Thanh tra Chính phủ tăng tiền "trích lại" sau thu hồi
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chưa quyết định cho Thanh tra Chính phủ tăng tiền "trích lại" sau thu hồi
Quỳnh Nguyễn
Thứ năm, ngày 24/08/2023 15:49 PM (GMT+7)
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, với việc đề xuất tăng mức trích của Thanh tra Chính phủ, do còn có hai ý kiến khác nhau nên để bảo đảm thận trọng, sẽ tiếp tục xin ý kiến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Chủ tịch Quốc hội.
Ngày 24/8, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét dự thảo Nghị quyết của UBTVQH quy định việc các cơ quan thanh tra được trích một phần từ các khoản thu hồi phát hiện qua thanh tra sau khi nộp vào ngân sách Nhà nước.
Báo cáo tại phiên họp, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, việc ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để thực hiện khoản 3 Điều 112 Luật Thanh tra 2022 bảo đảm đầy đủ cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn, đáp ứng yêu cầu hoạt động của các cơ quan thanh tra.
Về mức trích, Chính phủ đề nghị UBTVQH cho giữ nguyên như phương án Chính phủ đã trình trước đó. Cụ thể, Thanh tra Chính phủ được trích 30% trên tổng số tiền đã nộp vào ngân sách Nhà nước đối với số nộp đến 100 tỷ đồng/năm; được trích thêm 20% trên tổng số tiền đã nộp vào ngân sách Nhà nước đối với số nộp từ trên 100 - 200 tỷ đồng/năm…
Theo Tổng Thanh tra Chính phủ, việc đề xuất tăng biên độ trích là do phần lớn khoản tiền kinh phí trích được chi cho hoạt động của cơ quan thanh tra và khen thưởng động viên tập thể, cá nhân có thành tích trong hoạt động thanh tra; việc này chịu ảnh hưởng bởi mức lương cơ sở. Bên cạnh đó, với việc tăng biên độ như dự thảo của Chính phủ đề xuất thì kinh phí trích cho cơ quan thanh tra ước tính tăng khoảng 45 tỷ đồng/năm (ngân sách trung ương tăng 27 tỷ đồng/năm, địa phương tăng 18 tỷ đồng/năm), tương ứng tăng 12%.
Trong khi đó, thực tế nguồn kinh phí trích cho cơ quan thanh tra trong những năm qua có tác dụng bù đắp cho sự thiếu hụt của cơ chế tài chính hiện hành chưa tính hết các yếu tố đặc thù của cơ quan thanh tra khi phân bổ dự toán chi thường xuyên theo biên chế…
Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách (TCNS) Lê Quang Mạnh cho biết còn hai loại ý kiến về mức trích. Đa số ý kiến đề nghị giữ nguyên mức trích tối đa và biên độ như mức các cơ quan thanh tra đang được hưởng theo quy định tại Thông tư số 327/2016/TT-BTC do quy định này đã có căn cứ thực tiễn thực hiện trong thời gian qua (số quyết toán chi hằng năm đều thấp hơn dự toán). Đồng thời, cần xác định rõ mức trích này chỉ là mức chi hỗ trợ thêm; các nhiệm vụ chi liên quan đến công tác thanh tra, tiếp công dân, tăng cường cơ sở vật chất… Ngân sách Nhà nước cần bố trí đầy đủ kinh phí cho các cơ quan thanh tra để triển khai thực hiện các hoạt động được giao theo đúng Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.
Ngoài ra, cũng có ý kiến của Ủy ban TCNS tán thành với giải trình của Chính phủ về việc cần thiết phải tăng biên độ theo đề nghị của Chính phủ.
Trên cơ sở đó, Uỷ ban TCNS đề nghị UBTVQH xem xét, quyết định theo một trong hai phương án. Phương án 1: Giữ mức trích tối đa và biên độ như quy định hiện nay cơ quan thanh tra đang được hưởng theo Thông tư số 327/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính. Đây cũng là phương án của Ủy ban TCNS. Phương án 2: Theo đề xuất của Chính phủ.
Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, cơ quan này cũng có hai loại ý kiến về nội dung này. Song ngược lại với Uỷ ban TCNS, đa số ý kiến trong Uỷ ban Pháp luật lại ủng hộ đề xuất điều chỉnh mức trích tăng khoảng 12% so với mức được trích theo quy định hiện hành.
Đồng tình với những lý do đã được Chính phủ nêu trong Tờ trình, Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng nói thêm, nếu so với năm 2012 thì thực tế hiện nay khối lượng công việc, yêu cầu và áp lực trong công tác của ngành thanh tra tăng lên rất nhiều, trong cả trong công tác thanh tra, tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo. Do đó, việc tăng mức trích thêm 12% cũng hợp lý.
Mặt khác, ông chỉ rõ, không phải toàn bộ khoản trích lại đều được sử dụng để chi cho khen thưởng, khuyến khích, động viên các tập thể và cá nhân. Số tiền này, chiếm 25% tổng kinh phí được trích. 51% tổng số kinh phí trích dùng để chi phục vụ các hoạt động thanh tra, tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng, tiêu cực; chi mua tin phục vụ việc xử lý thu hồi tiền vi phạm; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng. Ngoài ra, cơ quan thanh tra sử dụng từ nguồn kinh phí được trích để chi tăng cường cơ sở vật chất; chi nghiệp vụ đặc thù và các khoản chi khác cho công tác thanh tra, tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng, tiêu cực…
"Hiện nay bình quân một năm, các cơ quan thanh tra trong cả nước được trích lại 365 tỷ đồng, nếu tăng thêm khoảng 45 tỷ đồng thì cũng không phải mức tăng quá lớn. Do đó, có thể cân nhắc đề xuất của Chính phủ để có quy định hợp lý hơn nhằm đáp ứng tốt hơn, hỗ trợ tăng cường cho công tác thanh tra" - Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng nêu quan điểm.
Kết luận nội dung họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khẳng định, UBTVQH ủng hộ quy định việc các cơ quan thanh tra được trích một phần từ các khoản tiền thu hồi phát hiện qua thanh tra sau khi nộp vào ngân sách nhà nước; lập dự toán, quản lý, sử dụng, quyết toán nguồn kinh phí do các cơ quan thanh tra được trích.
Trên cơ sở đó, đa số thành viên Ủy viên UBTVQH tham gia biểu quyết tán thành việc thông qua Nghị quyết về mặt nguyên tắc. Tuy nhiên, với việc đề xuất tăng mức trích do còn có hai ý kiến khác nhau nên để bảo đảm thận trọng, sẽ tiếp tục xin ý kiến UBTVQH và Chủ tịch Quốc hội.
UBTVQH giao trách nhiệm cho Ủy ban TCNS phối hợp với Ủy ban Pháp luật tiếp thu và xin ý kiến Chủ tịch Quốc hội, các ủy viên UBTVQH để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trước khi trình Chủ tịch Quốc hội ký chứng thực ban hành theo quy định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.