Vay tiền bằng CCCD - chỉ là điều kiện cần
Gõ từ khóa "Vay tiền bằng CMND" trên Google, hiện ra gần 60 nghìn kết quả tìm kiếm. Tương tự, với từ khoá là "Vay tiền bằng căn cước công dân" là hơn 220.000 kết quả. Điều này chứng tỏ nhu cầu vay tiêu dùng, vay cá nhân là rất lớn. Nó cũng phản ánh thực trạng khó khăn của hầu hết những người lao động phổ thông thời gian gần đây.
Nhu cầu vay lớn nhưng số lượng người vay được không nhiều. Lý do là bởi hầu hết người lao động phổ thông không có các tài sản như ô tô hay nhà đất để đảm bảo cho khoản vay. Chính vì thế, vay tín chấp dường như là giải pháp vay duy nhất. Vay tín chấp không yêu cầu phải có tài sản đảm bảo nhưng hạn mức vay thấp, tối đa cũng chỉ 50 triệu đồng; lãi suất cao, dao động trong khoảng 20% - 50%/năm và thời gian vay ngắn, tối đa là 5 năm so với thời gian vay thế chấp lên đến 25 năm. Ngoài ra, hình thức vay này yêu cầu người vay phải chứng minh rất nhiều vấn đề liên quan để các tổ chức tín dụng xác định mức độ uy tín rồi lấy đó làm căn cứ duyệt vay. Trong số đó, nhân thân là vấn đề quan trọng nhất mà để chứng minh nhân thân thì bắt buộc phải có CCCD hoặc CMND. Đây còn là loại giấy tờ giúp tổ chức tín dụng xác định khách hàng có đủ năng lực pháp lý và năng lực hành vi để thực hiện việc vay tiền hay không. Do đó, CCCD hay CMND là loại giấy tờ nền tảng, căn bản nhất để khởi tạo khoản vay.
Nhưng đây mới chỉ là điều kiện cần, còn thêm các điều kiện đủ. Với ngân hàng và công ty tài chính là chứng minh thu nhập ổn định và không bị ghi nhận nợ xấu cấp độ 3 trở lên. Với các chuỗi cầm đồ như F88 là phải có tài sản chính chủ để cầm cố trong thời gian vay. Dù là ngân hàng, công ty tài chính hay chuỗi cửa hàng cầm đồ thì họ đều là các tổ chức tín dụng hợp pháp, được nhà nước cấp phép, quản lý nên người vay có thể yên tâm về các vấn đề như hạn mức vay, thời gian vay và đặc biệt là lãi suất cho vay nằm trong khuôn khổ quy định.
Vay tiền chỉ bằng CCCD - coi chừng "tiền mất tật mang"
Hiện nay, có nhiều cá nhân không được cấp phép vẫn đứng ra cho vay tiền nhưng lại tính lãi suất cao vượt mức quy định nhiều lần và khi người vay chậm trả thì áp dụng các hình thức đòi nợ kiểu giang hồ, đẩy nhiều khách hàng vào bước đường cùng. Những đối tượng đó là tín dụng đen và là vấn đề gây nhức nhối trong xã hội.
Thủ đoạn của các đối tượng là dán quảng cáo ở khắp nơi, từ cột điện đến bờ tường với những lời "đường mật" như cho vay không thế chấp, chỉ cần CCCD, không thẩm định, không xét nợ xấu, không gặp mặt, giải ngân trong "một nốt nhạc". Điều này đánh đúng tâm lý ngại làm hồ sơ, thủ tục của người muốn vay và trên thực tế, nhiều người đã cả tin vay tiền các "ngân hàng cột điện" này.
Anh Kh., 35 tuổi là công nhân trọ tại quận Thanh Xuân (Hà Nội), một nạn nhân của tín dụng đen, đã đề nghị vay 8 triệu đồng. Quả thật, sau khi bàn giao CCCD, chỉ vài phút là anh hận được tiền nhưng chỉ có 7 triệu đồng. Số tiền 1 triệu đồng thiếu kia được các đối tượng giải thích là lãi suất trả trước. Do đang cần tiền nên anh cũng đồng ý. Đến hạn trả góp, chúng lại yêu cầu anh trả thêm một số khoản phí mà anh chưa từng biết tới. Anh không đồng ý, chúng lập tức trở mặt giang hồ, gọi điện nhắn tin đe doạ anh và gia đình, thậm chí còn cho người tới công ty và xóm trọ dằn mặt anh. Quá sợ hãi, anh phải đi vay nợ bạn bè, gia đình để tất toán khoản vay nhưng khi đó, tổng số tiền anh phải trả đã lên con số hàng chục triệu đồng, chỉ trong vòng hơn một tháng.
Theo một số chuyên gia, những khó khăn khi tiếp cận khoản vay từ các tổ chức tín dụng hợp pháp như ngân hàng, công ty tài chính hay các chuỗi cầm đồ là có thật. Tuy nhiên, hiện nay các đơn vị này cũng đang nỗ lực tinh giản bớt thủ tục trong khả năng có thể nhằm hỗ trợ người lao động dễ dàng vay vốn hơn. Ngoài ra, về phía người lao động, các chuyên gia cũng đưa ra lời khuyên nên chi tiêu tiết kiệm và "chỉ vay khi thực sự cần", đảm bảo phải tỉnh táo lựa chọn đơn vị cho vay hợp pháp, có uy tín nhằm tránh cảnh "tiền mất, tật mang".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.