K’Pan là một chiếc ghế độc mộc, làm bằng gỗ nguyên khối, 2 bên đầu ghế hơi cong lên giống như mũi con thuyền. Mỗi chiếc ghế có sức chứa hàng chục người và đặc biệt là chỉ người giàu có trong làng mới có điều kiện để sở hữu những chiếc ghế này.
Ghế K’Pan của cố NSND Y Moan được trưng bày ở Làng Văn hoá các dân tộc Việt Nam. (ảnh: S.N)
Theo già làng Ay Lê, ở thôn 6, xã Cư Pui, huyện Krông Bông, Đăk Lăk, ghế K’Pan được kê vào đúng vị trí dọc theo vách phía Tây tại gian tiếp khách (gian chính) sát với cột. Ghế được dùng tiếp khách quý và cho các nghệ nhân diễn tấu cồng chiêng để gửi gắm những tâm tư nguyện vọng với Yang.
Để làm ghế K’Pan phải chọn được loại cây rừng lâu năm, cao to, thẳng, gỗ tốt. “Có chiều dài từ 9 – 15m, vừa dày vừa chắc nên một hộ không thể làm nổi mà cần hợp sức của buôn làng lại trong cả tuần mới hoàn thành. Trong buôn, cũng chỉ có 1 – 2 nhà có K’Pan. K’Pan tượng trưng cho sự giàu có của gia đình và là niềm tự hào của cả buôn làng. Vì thế, làm K’Pan được xem là sự kiện của cả cộng đồng” – già Ay Lê cho hay.
Ghế K’Pan làm xong cũng không được đưa vào nhà ngay mà phải làm lễ rước K’Pan, còn gọi là “hội mừng công của toàn thể cộng đồng”. Lễ rước K’Pan được tổ chức hết sức long trọng, kéo dài từ trưa đến hết đêm. Người chủ không chỉ phải lo đủ trâu, lợn, gà, rượu, gạo phục vụ bà con trong những ngày làm K’Pan, mà theo tục lệ còn phải là người đã tổ chức được các lễ hiến sinh, cầu sức khỏe có nhiều cuộc khoản đãi cộng đồng và có nhiều chiêng ché.
Tất cả mọi người trong buôn đều tham gia rước K’Pan, nam nữ thanh niên vừa đi vừa nhảy múa, các nghệ nhân vừa đi vừa tấu nhạc cụ. Khi thầy cúng thực hiện xong các nghi lễ, họ rước ghế vào nhà và cả buôn làng lại quây quần bên nhau để ăn tiệc, uống rượu cần và nhảy múa. Tiếng chiêng, những điệu múa nhịp nhàng ngân mãi, ngân mãi cho đến khi rượu nhạt thì buổi lễ mới chấm dứt.
Lễ rước K’Pan là nghi lễ đặc trưng, mang tính sinh hoạt cộng đồng cao, thể hiện được sự đoàn kết của đồng bào Ê Đê. Hiện nay, do sự tách hộ của những ngôi nhà dài nên việc làm ghế K’pan còn rất ít. Nhưng người già như ông Ay Lê vẫn kể cho con cháu nghe về những đêm ở nhà dài, ngồi trên K’Pan diễn tấu cồng chiêng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.