Vi phạm nồng độ cồn nhiều lần, lái xe có bị tăng nặng mức phạt không?

Quang Minh Thứ sáu, ngày 01/03/2024 18:26 PM (GMT+7)
Theo luật sư, đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn lần hai trong thời gian ngắn, ngoài việc bị xử phạt không có giấy phép lái xe, tài xế còn bị xác định là vi phạm nồng độ cồn nhiều lần, tái phạm, đây được xác định là tình tiết tăng nặng…
Bình luận 0

Câu hỏi:

Bạn đọc Ngọc Quang, quận Đống Đa, TP.Hà Nội hỏi: Trong thời gian qua, lực lượng cảnh sát giao thông xử phạt nồng độ cồn nghiêm, "không có vùng cấm", nhiều người dân thay đổi ý thức "uống rượu bia không lái xe". Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn có trường hợp lái xe vi phạm nồng độ cồn nhiều lần (trong 1 tháng vi phạm 2 lần nồng độ cồn) trong thời gian ngắn. Vậy xin hỏi với trường hợp này, lái xe có bị tăng nặng mức phạt không?

Trả lời:

Luật sư Ma Văn Giang – Công ty luật TNHH Niềm tin công lý, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết: Trước và sau Tết, lực lượng chức năng làm rất nghiêm, xử lý mạnh tay đối với các trường hợp lái xe vi phạm nồng độ cồn. Cũng bởi vậy mà ý thức của người dân thay đổi, lái xe sau khi uống rượu bia đã không lái xe. Tỷ lệ các vụ tai nạn giao thông liên quan đến việc sử dụng nồng độ cồn giảm.

Theo Nghị định 100/2019 sửa đổi bởi Nghị định 123/2021 về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông thì người điều khiển xe máy khi có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililit máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở, sẽ bị phạt tiền từ 6-8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ 22-24 tháng.

Tại điểm b Khoản 1 Điều 9 Nghị định 118/2021 (quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính), quy định đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung phạt tiền được quy định đối với hành vi đó.

Vi phạm nồng độ cồn nhiều lần, lái xe có bị tăng nặng mức phạt không?- Ảnh 1.

Lực lượng chức năng kiểm tra nồng độ cồn đối với lái xe vi phạm. Ảnh: Quang Sung.

Đối với người điều khiển xe ô tô, lái xe thực hiện hành vi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng.

Như vậy, theo luật sư Giang, đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn lần hai trong thời gian ngắn, ngoài việc bị xử phạt không có giấy phép lái xe (vì lúc này giấy phép lái xe đã bị tạm giữ), thì còn bị xác định là vi phạm nồng độ cồn nhiều lần, tái phạm, đây được xác định là tình tiết tăng nặng.

"Trong trường hợp này, lái xe máy có thể sẽ bị áp dụng mức hình phạt mức kịch khung, tối đa là 8 triệu đồng; lái xe ô tô sẽ bị phạt tới 40.000.000 đồng", luật sư Giang nói.

Ngoài ra, Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 còn quy định người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây hậu quả nghiêm trọng như làm chết người; làm người khác thương tật từ 61% trở lên hay gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng trở lên sẽ bị xử lý về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.

Trường hợp người gây tai nạn không có giấy phép lái xe theo quy định hoặc trong hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, khung hình phạt theo khoản 2 Điều này có thể là phạt tù thấp nhất là 6 tháng, cao nhất là 10 năm tù.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem