Vì sao ở đây ngày càng nhiều người nuôi loài chuột nứa đẻ sòn sòn?

Chủ nhật, ngày 03/05/2020 13:11 PM (GMT+7)
Hiện nay, nhiều thanh niên ở xã Cư Lễ, huyện Na Rì (tỉnh Bắc Kạn) mạnh dạn phát triển kinh tế từ mô hình nuôi dúi tự nhiên. Đây được xem là nghề mới, hiệu quả kinh tế cao, có nhiều triển vọng làm giàu.
Bình luận 0

Dúi là động vật gặm nhấm, sống nhiều ở các khu rừng nhiều tre nứa. Trong tự nhiên, dúi thường ăn các loại củ quả, măng tre, rễ cây rừng, do vậy thịt rất thơm ngon và được xem là đặc sản, bán rất được giá.

Tuy nhiên, dúi rừng ngày càng ít dần do săn bắt. Trước nhu cầu của thị trường, dúi đang được nhiều thanh niên ở xã Cư Lễ đưa vào nuôi, bước đầu mang lại nguồn thu nhập khá cho gia đình.

img

Với 150 ô nuôi, anh Nông Văn Thiết ở thôn Khau Pần, xã Cư Lễ, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn thường xuyên có hàng trăm con dúi trong chuồng.

Anh Nông Văn Nghĩa- Bí thư Đoàn xã Cư Lễ cho biết: Từ mô hình nuôi dúi đầu tiên thành công của đoàn viên Đặng Văn Hiệu ở thôn Khuổi Quân, đến nay đã có nhiều thanh niên học tập để phát triển nhân rộng. Đặng Văn Hiệu là hộ nuôi nhiều nhất ở xã Cư Lễ nói riêng, huyện Na Rì nói chung, với quy mô vài trăm con.

Nuôi dúi mang lại hiệu quả kinh tế nhanh nên nhiều người đã tìm đến anh để học hỏi kinh nghiệm. Với kinh nghiệm của mình đã có, anh sẵn sàng chia sẻ cho những bạn trẻ ở địa phương cùng tham gia phát triển kinh tế từ mô hình nuôi dúi.

Anh Nông Văn Thiết, đoàn viên chi đoàn thôn Khau Pần cho biết: Hiện anh đã có 150 ô nuôi, mỗi ô có từ 2-5 con. Anh tham gia nuôi từ năm 2017, ban đầu khi chưa có vốn, anh tự vào rừng tìm, đào được con nào anh để nuôi con đó, vừa nuôi lấy giống vừa học hỏi kinh nghiệm nuôi dúi người đi trước.

Sau một thời gian nuôi thử, anh Thiết nhận thấy dúi là một con vật khá hiền lành, dễ nuôi, vốn ban đầu không quá tốn kém. Chỉ cần một gian nhà rộng chừng 50m2 là đã có thể xây dựng được khoảng 100 ô chuồng nuôi dúi với diện tích khoảng 0,5m2/một ô nuôi, mỗi ô cao khoảng 50 cm, láng xi măng hoặc ốp gạch, nền bê tông, lát gạch. Thức ăn chính của dúi đơn giản, dễ kiếm, chủ yếu là các cây thuộc họ nhà tre, mía...

Dúi sinh sản nhanh, một năm khoảng 4 lứa, mỗi lứa khoảng 3 đến 6 con. Khi đã có kinh nghiệm, anh đã mua thêm con giống về nuôi. Đến nay gia đình thường xuyên có dúi giống, dúi thương phẩm bán, hiện tại có hàng trăm con dúi trong chuồng.

Còn anh Nông Văn Dũng, đoàn viên chi đoàn thôn Cạm Mjầu cũng là người mạnh dạn phát triển kinh tế. Năm 2017, anh tập trung trồng nấm, sau đó chuyển sang nuôi hàng trăm con thỏ. Đến năm 2018, thấy giá trị kinh tế từ nuôi dúi đặc sản anh đã tham gia nuôi. Hiện nay gia đình anh có hơn 100 ô nuôi dúi sinh sản và dúi thương phẩm, góp phần ổn định kinh tế.

Được biết, nuôi dúi vòng xoay vốn nhanh, ít rủi ro. Thịt dúi được xếp vào loại thức ăn đặc sản, thịt ngon, mát, giàu đạm, lợi ích kinh tế cao. Mỗi năm dúi đẻ 4 lứa, mỗi lứa 2-5 con. Một cặp dúi, từ khi đẻ ra hơn 1 tháng tách mẹ (cân nặng khoảng 0,3kg) đã bán được 300.000 đồng.

Sau đó, dúi nuôi tiếp khoảng 5 tháng nữa là đến thời kỳ cặp dúi giống này sinh sản. Nếu cặp giống cân nặng khoảng 1kg, có giá 1,5 triệu đồng/cặp. Dúi thịt có giá 400 nghìn đồng/kg. Như vậy, tính bình quân mỗi năm, một hộ nuôi khoảng 100 con dúi thịt, mỗi con nặng khoảng 2 kg, đã có thể cho thu nhập gần trăm triệu đồng.

Kinh nghiệm nuôi dúi, khi đến kỳ sinh sản chú ý nên cho dúi ăn đầy đủ và đúng khẩu phần trước, trong và sau khi sinh. Bệnh thường gặp của dúi khi nuôi trong môi trường nhân tạo là tiêu chảy, nên phải hằng ngày theo dõi phân dúi. Tuy nhiên, nuôi ở nông thôn, thức ăn chủ yếu toàn là thức ăn tự nhiên từ tre và các loại hạt, củ, quả, mía... nên rất hiếm khi dúi bị tiêu chảy.

Trao đổi với chúng tôi, anh Nông Văn Thiết cho biết: Khi tham gia nuôi dúi, anh đã làm thủ tục đăng ký với Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Kạn. Khi bán ra thị trường có giấy tờ chứng thực nguồn gốc cho người mua, để họ trình báo với cơ quan chức năng trên đường vận chuyển.

Mong muốn của anh Thiết, anh Dũng cũng như những đoàn viên thanh niên ở Cư Lễ là được cấp trên quan tâm, tạo điều kiện tham gia học tập kinh nghiệm ở trong và ngoài tỉnh về nuôi dúi nói riêng và mô hình phát triển kinh tế hiệu quả nói chung để áp dụng vào thực tế, đi đầu trong xóa đói giảm nghèo./.

Tùng Vân (Báo Bắc Kạn)
Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem