Huyện Vị Xuyên (Hà Giang): Người trồng rừng tiêu biểu gặp khó trên chính cánh rừng tự bỏ vốn ra trồng

Văn Hoàng Thứ sáu, ngày 07/04/2023 15:05 PM (GMT+7)
Ông Đoàn Công Oánh (xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) - "người trồng rừng tiêu biểu của tỉnh" đang chịu nghịch cảnh tại chính cánh rừng do bàn tay ông gây dựng: trồng rừng nhưng bị cấm khai thác!
Bình luận 0

Báo NTNN/Điện tử Dân Việt nhận được đơn phản ánh của ông Đoàn Công Oánh (trú tại thôn Tân Đức, xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) về việc hàng chục héc-ta rừng keo do chính ông và gia đình trồng, chăm sóc đến nay đã quá tuổi khai thác nhưng chính quyền cấp huyện không cho phép khai thác.

Nghịch lý ở xã Đạo Đức (Vị Xuyên - Hà Giang): Bị cấm khai thác rừng do chính mình trồng và chăm sóc! - Ảnh 1.

Ông Đoàn Công Oánh làm việc với Phóng viên Báo điện tử Dân Việt. Ảnh: Văn Hoàng

Nhiều năm qua, ông Oánh đề nghị khai thác khu vực rừng đã trồng nhưng thủ tục vẫn chưa hoàn thành

Người trồng rừng tiêu biểu khốn khó trên chính cánh rừng tự tay trồng

Ông Đoàn Công Oánh cho biết, tháng 11/1993 ông làm đơn xin nhận rừng để bảo vệ và đất để trồng rừng. Điều này nhằm thực hiện chủ trương giao đất của xã Đạo Đức, Lâm trường Vị Xuyên, UBND huyện Vị Xuyên giao khoán toàn bộ rừng cây trồng của lâm trường cho nhân dân quản lý, bảo vệ, nơi đất trống giao cho dân để trồng rừng phát triển kinh tế. Đơn của ông Oánh được UBND xã Đạo Đức xác nhận. 

Sau đó, Lâm trường Vị Xuyên đã ký Hợp đồng Giao khoán quản lý bảo vệ và xây dựng vốn rừng số 18 với ông Đoàn Công Oánh. Hợp đồng có hiệu lực từ ngày 10/1/1994. 

UBND huyện Vị Xuyên cũng có Quyết Định giao ông Đoàn Công Oánh diện tích 45ha rừng để bảo vệ và 49,5ha đất để trồng rừng. Tuy nhiên, quyết định này không có số và ngày tháng. Đây cũng là một trong các nguồn cơn khiến ông Đoàn Công Oánh đang phải vất vả năm qua. 

Thời điểm đó, nhiều hộ dân khác ở huyện Vị Xuyên cũng được nhận rừng để bảo vệ và đất để trồng rừng.  Tuy nhiên, từ đó đến nay hầu như toàn bộ diện tích rừng được giao thời điểm đó cho những hộ dân khác đã bị chặt phá hết, chỉ rừng do ông Oánh quản lý, bảo vệ còn rừng thông và rừng tự nhiên tái sinh.

Ông Oánh cho biết, sau khi nhận diện tích kể trên, gia đình ông đã trồng rừng, trải qua hàng chục năm trồng và chăm sóc. Nhiều lần hai bố con chiến đấu với "lâm tặc", "giặc lửa" suýt bỏ mạng giữa rừng. Rừng thông được gia đình ông bảo vệ đến nay đã có rừng tự nhiên tái sinh. 

Ở phần diện tích đất trống đồi núi trọc, ông Oánh cùng gia đình trồng và có cơ quan chức năng địa phương thiết kế.

Khi cây đến kỳ thu hoạch, ông Oánh làm đơn xin khai thác nhưng không được địa phương phản hồi. Để hạn chế thiệt hại về kinh tế, ông Oánh thực hiện khai thác diện tích rừng trồng theo quy định. Đến lúc này, cơ quan chức năng địa phương lại lập biên bản đối với ông Oánh khi ông khai thác trên mảnh đất mình đã được giao trồng rừng. 

Nghịch lý ở xã Đạo Đức (Vị Xuyên - Hà Giang): Bị cấm khai thác rừng do chính mình trồng và chăm sóc! - Ảnh 2.

Một số diện tích rừng trồng ông Oánh khai thác khi được Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang chấp thuận đã được ông trồng cây mới. Ảnh: Văn Hoàng

Bức xúc trước sự việc trên ông đã làm đơn xin được đối thoại với Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang. Ngày 27/4/2022 Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn cùng các ban ngành liên quan đã đối thoại với ông Oánh. 

Sau buổi đối thoại Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang có thông báo số 75/TB-UBND ngày 10/5/2022. Bên cạnh việc biểu dương các kết quả tích cực trong công tác bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng, trồng rừng của hộ gia đình ông Đoàn Công Oánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang đã kết luận đối với diện tích rừng trồng của gia đình ông Đoàn Công Oánh. 

Theo đó, đối với diện tích rừng keo do gia đình ông Đoàn Công Oánh tự bỏ vốn trồng và chăm sóc, đã đến tuổi khai thác, thì gia đình được tự quyết định việc khai thác và hưởng toàn bộ thành phẩm.

Đối với đề nghị của công dân về khai thác diện tích rừng 661, yêu cầu UBND huyện khẩn trương thực hiện các thủ tục cho phép khai thác và công dân có nghĩa vụ nộp các khoản phí theo quy định. 

"Tôi nghe ông Chủ tịch tỉnh, tôi phấn khởi về thực hiện. Nhưng huyện vẫn chưa cho phép!" - ông Oánh bức xúc nói.

Chương trình 661 được gọi đối với các dự án trồng rừng theo Quyết định 661/QĐ-TTg ngày 29/7/1998 của Thủ tướng Chính phủ về mục tiêu, nhiệm vụ, chính sách và tổ chức thực hiện dự án trồng mới 5 triệu ha rừng.

Đến tháng 10 cùng năm, cơ quan chức năng vẫn trong quá trình xác minh hồ sơ, thủ tục liên quan đến việc khai thác rừng của ông Đoàn Công Oánh. 

Ngày 14/10/2022 (sau khi đã làm việc với Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang - PV), UBND huyện Vị Xuyên vẫn yêu cầu đình chỉ mọi hoạt động khai thác, vận chuyển, đào bới, san ủi đất rừng của ông Đoàn Công Oánh. Giữ nguyên hiện trạng cho đến khi có kết quả xác minh của các cơ quan ban ngành tỉnh. 

Trong khi đó Báo cáo số 587/BC-SNN-KL của Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hà Giang tháng 12/2022 đã đồng ý "cho khai thác diện tích rừng keo do ông Oánh tự trồng".

"Hàng chục khối gỗ đã khai thác nằm trên đồi gần năm nay, cây đến tuổi khai thác mà không được phép khai thác. Để lâu cây rỗng ruột, rồi chết đi thiệt hại tài sản của chúng tô. Tôi đã đổ mồ hôi nước mắt làm ra tài sản ấy. 

Tôi trồng rừng cả một quá trình vài chục năm, với bao nhiêu tâm huyết. Giờ đây, địa phương không cho khai thác, thiệt hại lớn như vậy ai phải chịu trách nhiệm? UBND huyện Vị Xuyên hay những cá nhân nào?" - ông Oánh đặt câu hỏi.

Nghịch lý ở xã Đạo Đức (Vị Xuyên - Hà Giang): Bị cấm khai thác rừng do chính mình trồng và chăm sóc! - Ảnh 4.

Hàng chục mét khối gỗ keo trong quá trình khai thác ông Oánh bị UBND huyện Vị Xuyên đình chỉ đến nay đang bị mục theo thời gian phơi mưa, nắng. Ảnh: Văn Hoàng

Ông Oánh hai tay ôm chồng bằng khen, giấy khen cho thành tích trồng và bảo vệ rừng của mình cất lên nóc tủ mà bùi ngùi: "Đây chính là nỗi buồn của tôi". Đó là thành quả sau 30 năm được giao khoán bảo vệ và trồng rừng. 

Tính chi ly ra, đến nay, ông Đoàn Công Oánh đã được tặng khoảng 30 bằng khen, giấy khen vì làm tốt công tác bảo vệ rừng, phát triển kinh tế tại địa phương. Ông là công an viên của xã, là điển hình làm kinh tế nông thôn ở địa phương, đi phát biểu trong nhiều hội nghị, trả lời phỏng vấn rất nhiều tờ báo và kênh truyền hình. Nhưng đến nay, ông muốn khai thác diện tích rừng do gia đình trồng, chăm sóc lại không được phép!

Ông Oánh nói: "Tội của tôi là bảo vệ được rừng, cho nên giờ nó mới còn rừng để các ông ấy làm khó, chứ người dân chặt hết rồi lấy đâu ra rừng mà lập biên bản. Người ta chặt hết sạch, trắng trơn hết thì các ông không nói, trong khi cánh rừng của tôi được giữ gìn cẩn thận, xanh tốt nhất, thì lại bị làm khó. Họ đã vi phạm quy định về lĩnh vực này!".

Kiểm lâm Hà Giang: "Rừng keo ông Oánh tự trồng thì ông ấy phải được khai thác"

Là người trực tiếp giao đất cho ông Oánh, ông Lưu Bá Định, nguyên Phó chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên (phụ trách lâm nghiệp), nguyên Giám đốc Lâm trường Vị Xuyên cho biết: "Gia đình ông Oánh nhận hơn 95ha, trong đó có trên 49ha đất trống đồi trọc để trồng rừng, số còn lại là rừng thông của lâm trường Vị Xuyên trồng từ những năm 80. Do thế, ông Oánh được phép tận dụng những khu đất trống và những nơi không có cây để trồng rừng kinh tế. Trồng rừng kinh tế thì phải được khai thác chứ!".

Nghịch lý ở xã Đạo Đức (Vị Xuyên - Hà Giang): Bị cấm khai thác rừng do chính mình trồng và chăm sóc! - Ảnh 5.

Ông Lưu Bá Định, nguyên Phó chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên (phụ trách lâm nghiệp), nguyên Giám đốc Lâm trường Vị Xuyên chia sẻ với phóng viên Dân Việt. Ảnh: Văn Hoàng

Cũng theo nguyên Giám đốc Lâm trường Vị Xuyên, theo quy định tại Thông tư 27/TT-BNNPTNT 16/11/2018 về quy định về quản lý và truy xuất nguồn gốc lâm sản: những cây mà gia đình ông Oánh tự bỏ vốn trồng, đến kỳ khai thác chỉ cần báo với xã để thẩm định là có thể khai thác. 

"Nhà ông Oánh, đã được giao bảo vệ rừng và tận dụng những khoảng đất trống đồi trọc để trồng rừng thì tôi nghĩ là việc ông khai thác rừng đó hoàn toàn hợp lý" - ông Định nói.

Người trực tiếp theo dõi, kiểm tra, tham mưu cho Chi cục Kiểm lâm (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Giang) về vụ việc liên quan đến ông Đoàn Công Oánh kể trên, ông Mã Thành Văn, cán bộ Phòng Quản lý và Sử dụng rừng (Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Giang) cũng khẳng định: "Rừng keo của ông Oánh là rừng keo ông tự trồng thì ông ấy phải được khai thác".

Đối với đơn vị quản lý chính quyền cấp xã, trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Bàng Cao Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã Đạo Đức (huyện Vị Xuyên - Hà Giang) cho rằng: "Ông Oánh trồng rừng trên diện tích được nhà nước giao đúng với quy định của pháp luật. Trên diện tích được giao khoán thì không có tranh chấp với bất cứ hộ gia đình hay cá nhân nào khác. 

Khi đến thời kỳ khai thác thì ông Oánh đã có đơn đến xã và UBND xã cũng đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn lên thẩm định. Tuy nhiên có vướng mắc về hợp đồng giao rừng không có số và ngày tháng, UBND huyện Vị Xuyên đã ra văn bản số 2014/UBND-VP ngày 14/10/2022 đình chỉ việc khai thác rừng của ông Oánh cho đến khi nào xác minh xong".

Nghịch lý ở xã Đạo Đức (Vị Xuyên - Hà Giang): Bị cấm khai thác rừng do chính mình trồng và chăm sóc! - Ảnh 6.

Rừng keo của ông Đoàn Công Oánh đã đến tuổi khai thác nhưng chưa được khai thác dẫn đến nhiều cây bị chết, rỗng ruột, thiệt hại lớn về kinh tế. Ảnh: Văn Hoàng

Tương tự, một lãnh đạo Sở NNPTNT tỉnh Hà Giang đưa ra lý do ông Oánh không được khai thác rừng là do hợp đồng giao khoán không ghi số và ngày tháng. 

Tuy nhiên theo báo cáo mới nhất do ông Hoàng Hải Lý - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Giang ký gửi UBND tỉnh Hà Giang thì "diện tích rừng tự trồng keo thuộc sở hữu cá nhân" nên "chủ rừng tự quyết định việc khai thác, sau khai thác, chủ lâm sản lập bảng kê lâm sản".

"Do vậy, ông Đoàn Công Oánh được phép khai thác đối với diện tích rừng keo do mình tự đầu tư" - Báo cáo của Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hà Giang gửi UBND tỉnh Hà Giang nêu rõ.

Nghịch lý ở xã Đạo Đức (Vị Xuyên - Hà Giang): Bị cấm khai thác rừng do chính mình trồng và chăm sóc! - Ảnh 7.

Ông Oánh cho rằng cái tội của ông là bảo vệ được rừng, được nhà nước tặng bằng khen, giấy khen nhiều nên giờ mới bị làm khó. Ảnh: Văn Hoàng

Ngay trong ngày 29/3/2023, phóng viên Báo điện tử Dân Việt đặt lịch làm việc với UBND huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Được biết, đơn vị này đã thành lập đoàn kiểm tra xác minh khu vực rừng trồng do ông Đoàn Công Oánh xin khai thác. 

Kết quả kiểm tra cho thấy toàn bộ diện tích rừng và đất rừng ông Oánh được giao quản lý, chăm sóc, bảo vệ vẫn được giữ nguyên hiện trạng so với đợt kiểm tra gần nhất. Toàn bộ 11ha diện tích rừng trồng ông Oánh xin khai thác có nguồn gốc rừng thuộc dự án chương trình 661.

Đến ngày 6/4 (sau khi Báo Điện tử Dân Việt liên hệ làm việc với UBND huyện Vị Xuyên - PV), ông Đoàn Công Oánh đã nhận được Giấy mời của Phòng TNMT huyện Vị Xuyên về việc xác định địa giới hành chính khu vực xin khai thác rừng trồng thôn Tân Đức, xã Đạo Đức.

Được biết, UBND tỉnh Hà Giang cũng đã có văn bản giao UBND huyện Vị Xuyên giải quyết dứt điểm khai thác rừng keo do ông Đoàn Công Oánh tự bỏ vốn ra trồng.

Báo điện tử Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem