“Vọng phu sống” trên đảo Lý Sơn

Thứ hai, ngày 25/07/2011 12:35 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Lý Sơn - nơi gắn với uy danh Hùng binh Hoàng Sa năm nào và lớp lớp những ngư dân từ bao đời nay vẫn ra khơi làm ăn và khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Bình luận 0

Nhưng cuộc sống của họ là một chuỗi dài những khó khăn, nguy hiểm. Có nhiều câu chuyện xúc động về những gia đình ngư dân ở đó...

Năm 2007: Bị nước ngoài bắt; ở tù 1 năm; tàu thuyền bị thu sạch. Năm 2008: Đã "buộc tay chung" trên biển, đã "xém chết" trên vùng biển Trường Sa khi tàu bị phá nước. Năm 2009: Mái nhà tranh bị bão bầm cho giập nát. Năm 2010 bị Trung Quốc bắt, bị tịch thu tài sản, bị đánh đập và bị giam trên đảo Phú Lâm. Năm 2011, trong chuyến hải trình định mệnh, chỉ để "kiếm cho mẹ con nó cái tết", ông đã mãi không trở về...

Bạn hỏi tôi đang nói về ai ư? Thì đó là về ông Nguyễn Đảng, lão ngư 70 tuổi tóc trắng như sóng bạc đầu, mới ngày nào được tung hô như người anh hùng. Mà đó cũng có thể là một ngư dân bất kỳ nào đó ở Lý Sơn.

img
Mẹ con bà Xí sẽ chẳng còn cơ hội gặp chồng, chờ cha nữa.

Một cái nan tre

Đã quá trưa, hai mẹ con bà Xí - vợ goá của ngư phủ Nguyễn Đảng, vẫn chưa thấy đụng chuyện ăn uống. Sau ngày làm mộ gió cho chồng, người đàn bà can trường đó vẫn ráng sống nuôi con. Đứa bé mới lên 7, quá nhỏ để hiểu sự nghiệt ngã của biển cả, nhưng dường như đã đủ lớn để biết người cha đã ra biển và mãi mãi không còn về. Đủ lớn để bắt đầu quen với cái dáng ngồi dựa cửa của người mẹ, như bất cứ người phụ nữ nào trên cù lao.

Ngày 22.11.2010, ông Đảng đi bạn trên con thuyền QNg 66912 của thuyền trưởng Phạm Minh Tân. Đây là chuyến đi biển đầu tiên (trở lại), tại chính ngư trường mà ông đã bị bắt trước đó chỉ 3- 4 tháng: Hoàng Sa. Tại sao ông vẫn đi Hoàng Sa mà không phải là một vùng biển khác? Người đàn bà làng chài đáp một cách giản dị, như bất cứ một người Lý Sơn nào khác, rằng đó là nơi cha ông họ bao đời này vẫn đến đó đánh bắt. Đó là nơi mà những đứa con của biển đã thuộc đến từng rặng san hô, từng lạch nước. Đến ngày 12.1.2011, sắp tết, bà nhận được cú điện thoại cuối cùng. Ông thông báo trời động miết, sóng dữ lắm, có lẽ sẽ phải ăn tết ngoài Hoàng Sa...

Sau cú điện thoại của chồng ngày 12.1.2011, đêm đó bà Xí không ngủ được. Linh cảm đàn bà nói với bà có điều gì đó đang xảy ra. Cái cảm giác bất an đã không lừa bà. Ông Đảng đã đi mãi, gửi thân nơi Hoàng Sa. Người Lý Sơn có câu rằng: Ngày xưa, ngư dân cách ngư phủ một cái nan tre. Và giờ cũng chỉ cách ngư phủ một cái be ghe (đáy thuyền). Biết thế. Cha ông ngày xưa cũng biết thế. Nhưng nào có còn cách lựa chọn nào khác.

Cuối tháng 7, Lý Sơn trời trong vắt, nước trong vắt. Đang là mùa thuận hoà để đi biển. Nhưng dường như có bão trong đôi mắt những người đàn bà Lý Sơn. Trong những đôi mắt đó, chỉ thấy toàn là sự khắc khoải. Khắc khoải đến u uẩn.

Vọng phu sống

Ngôi nhà dựa lưng vào núi Thới Lới, bé nhỏ, mong manh, trống trước trống sau với mái hiên và một bậu cửa nhỏ. Nếu phải tìm một hình ảnh về những người phụ nữ miệt biển, về những người đàn bà Lý Sơn, có lẽ không gì tiêu biểu hơn hình ảnh họ ngồi đó với đôi mắt khắc khoải dõi ra ngoài trùng khơi.

Ở Lý Sơn, phụ nữ không được ra biển. "Mình họ bẩn nên không được lên thuyền"- ông Võ Đắc Danh, thủ toạ Âm linh tự bảo vậy. Công việc chính của họ là ngồi tựa cửa và khi chồng về thì cố gắng có chửa và sinh được những đứa con trai, để nối nghiệp cha. Hàng ngàn năm nay vẫn vậy.

Nhưng cái cách mà họ ngồi chờ chồng, và chung thuỷ, sự can đảm và cái tâm thế chấp nhận những người đàn ông có thể một ngày không trở về có lẽ cũng là một thứ truyền thống ngàn năm sinh ra từ sự nghiệt ngã và tàn độc nơi biển cả.

Đàn ông Lý Sơn nói biển là biển bạc. Biển bạc hôm nay cho họ cá tôm, ngày mai sẵn sàng lấy của họ thứ quý giá nhất là mạng sống. Đàn bà Lý Sơn nói biển là biển giả. Biển cho họ miếng ăn nhưng biển một ngày nào đó cướp đi của họ tất cả. Có người phụ nữ nào còn muốn sống khi biển cướp đi của họ cả cha, cả chồng, và những đứa con trai.

Hôm chúng tôi xuống nhà, con dâu (với đời chồng trước) của bà Xí, một phụ nữ 25 tuổi, cũng ngồi với cái dáng tựa cửa. Sau khi làm mộ gió cho dượng, chồng cô - ngư dân 25 tuổi tên Nhiều, để vợ con ở nhà để tiếp tục ra khơi. Thế là nhà lại có thêm một người đàn bà tựa cửa. Thêm một nỗi khắc khoải.

Sau khi ông Đảng mất, hai mẹ con bà Xí không tiền tuất, không bảo hiểm, chỉ còn lại một khoản nợ cả chục triệu đã đến ngày đáo hạn. Bà lo, không có tiền trả, sợ ngôi nhà tình nghĩa mới được dựng lên lại bị siết nợ. Giờ, hàng ngày bà Xí theo con nước cọn. Bà nuôi con 2 bữa cơm bằng cách ngày ngày ra biển bòn rong kiếm 15.000 đồng mỗi ngày. Chưa đủ để khỏi đói. Cuộc sống long đong chìm nổi từ đận ông bị nước ngoài bắt, giờ đã xuống đến đáy.

Về thân phận những phụ nữ làng chài, chúng tôi được TS Nguyễn Đăng Vũ - nhà nghiên cứu văn hoá dân gian, đọc tặng mấy câu ca dao ông sưu tầm ở Lý Sơn: Ngó lên trên trời, trời cao lồng lộng - Ngó ra ngoài biển, biển động thinh thinh - Ngó vô trong dạ buồn tình - Đêm nằm nước mắt nhỏ như bình trà nghiêng - Đêm nằm nước mắt rơi nghiêng - Áo em năm vạt ướt liền cả năm.

Trong sân nhà ông Đảng, năm nay mướp vẫn trổ hoa. Nhưng những quả mướp năm nay bị thui, còi cọc đến lạ. Bà Xí nói đầy tâm trạng, là bởi năm nay hoa mướp thiếu ong về thụ phấn.

(Còn nữa)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem