Vụ 6 doanh nghiệp ở Cát Bà bị biến công thành tội: Tháo dỡ công trình du lịch sinh thái trăm tỷ để trồng cây?!
Vụ 6 doanh nghiệp ở Cát Bà bị biến công thành tội: Tháo dỡ công trình du lịch sinh thái trăm tỷ để trồng cây?!
Vũ Thị Hải
Thứ ba, ngày 29/12/2020 09:39 AM (GMT+7)
UBND TP.Hải Phòng cho rằng việc xây dựng các công trình để kinh doanh du lịch tại Vườn Quốc gia Cát Bà không phù hợp với quy hoạch. Còn doanh nghiệp lại cho rằng đó là mô hình du lịch sinh thái thí điểm thành công, làm tiền đề để TP.Hải Phòng phê duyệt Đề án phát triển du lịch sinh thái Vườn quốc gia Cát Bà.
Sau chỉ đạo lần thứ 2 của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, UBND thành phố Hải Phòng đã triệu tập cuộc họp để giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp ở Cát Bà. Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng chủ trì cuộc họp cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương.
Đại diện 7 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh du lịch tại Vườn quốc gia Cát Bà gồm: Công ty TNHH Du lịch dịch vụ thuỷ sản thương mại Thuỳ Trang, Công ty Cổ phần Thương mại Tùng Long, Công ty Cổ phần dịch vụ du lịch Đảo Cát Dứa, Công ty Cổ phần Khu du lịch Đảo Cát Bà, Công ty Cổ phần đầu tư thương mại và Dịch vụ Đông Kinh, Công ty Cổ phần Thương mại Thanh Bình, Công ty TNHH Đảo Cát cũng có đã tham dự đối thoại với UBND TP.Hải Phòng.
Chưa được cấp có thẩm quyền chấp thuận?
Dự thảo báo cáo trả lời doanh nghiệp nêu rằng, Trung tâm Dịch vụ du lịch và Giáo dục môi trường thuộc Vườn Quốc gia Cát Bà đã sai phạm trong việc ký các hợp đồng liên doanh liên kết với 7 doanh nghiệp trên khi chưa được cấp có thẩm quyền chấp thuận theo quy định.
7 doanh nghiệp đã có các vi phạm như: đầu tư xây dựng các công trình khi chưa được cấp có thẩm quyền chấp thuận đầu tư dự án, không có hồ sơ pháp lý về đầu tư xây dựng, không có giấy phép xây dựng và không đủ điều kiện để cấp phép xây dựng, không lập, trình phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, không có các thủ tục về phòng cháy chữa cháy, không có giấy phép kinh doanh dịch vụ du lịch lữ hành, dịch vụ lưu trú….
Việc đầu tư xây dựng các công trình để kinh doanh du lịch tại Vườn Quốc gia Cát Bà là vi phạm quy định pháp luật và không phù hợp với quy hoạch, vì vậy thành phố không xem xét kiến nghị được tiếp tục đầu tư kinh doanh của các doanh nghiệp. Thành phố cũng khẳng định không có lợi ích nhóm trong việc chấm dứt hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.
Việc xử lý các vi phạm trên không phải để lấy đất giao cho bất cứ doanh nghiệp nào khác mà chỉ để trồng cây, trả lại diện tích rừng tự nhiên, môi trường sinh thái và bảo tồn đa dạng sinh học cho Vườn Quốc gia Cát Bà, khu dự trữ sinh quyển thế giới và đặc biệt là khu vực Vịnh Lan Hạ.
Các cá nhân thuộc Vườn Quốc gia Cát Bà đã vi phạm khi ký các hợp đồng liên doanh, liên kết với 7 doanh nghiệp, vì vậy thành phố sẽ chỉ đạo việc bồi thường (nếu có) theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước sau khi có phán quyết của Toà án.
Đại diện các sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Tư pháp… cơ bản nhất trí với nội dung trình bày nói trên.
Doanh nghiệp cho rằng đây là mô hình thí điểm du lịch sinh thái thành công
Trong khi đó, đại diện các doanh nghiệp, ông Trịnh Phúc Mãn, Công ty CPDV du lịch Đảo Cát Dứa trình bày quan điểm khẳng định các doanh nghiệp liên doanh liên kết với Vườn Quốc gia Cát Bà là những doanh nghiệp tiên phong mở đường cho du lịch Cát Bà, nhất là những điểm du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái tại những hòn đảo hoang trên Vịnh Lan Hạ.
Ông Mãn đặt câu hỏi: "Việc dỡ bỏ các công trình nói trên là để trồng cây, trả lại cảnh quan môi trường, vậy đề nghị lãnh đạo thành phố cho biết, các công trình này vi phạm gì đến các quy định về bảo vệ môi trường? Đã có tổ chức trong nước và quốc tế nào đưa ra đánh giá và khuyến cáo về tác động xấu của các công trình du lịch sinh thái nói trên tới môi trường Vịnh Lan Hạ và Vườn Quốc gia Cát Bà hay chưa?".
Ngược lại với quan điểm của TP.Hải Phòng, ông Mãn và các doanh nghiệp cho rằng, đó là những mô hình du lịch sinh thái thực hiện thí điểm thành công, làm tiền đề để thành phố ban hành quyết định phê duyệt Đề án phát triển du lịch sinh thái Vườn quốc gia Cát Bà.
Cụ thể là Quyết định số 2119/QĐ-UBND ngày 4/12/2012 do Chủ tịch UBND thành phố Dương Anh Điền ký, đến nay quyết định này vẫn còn nguyên giá trị, chưa bị hủy bỏ. Trong đề án nói trên, các cơ sở du lịch sinh thái của các doanh nghiệp đều có tên trong danh sách các điểm du lịch được qui hoạch trong đề án.
Cũng từ những thành công bước đầu của mô hình thí điểm du lịch sinh thái nói trên, UBND thành phố Hải Phòng đã cho phép VQG Cát Bà (tại văn bản số 1254/UBND-NN ngày 27/2/2013) là đầu mối, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức triển khai thực hiện đề án thí điểm về tăng nguồn thu từ hoạt động dịch vụ môi trường ở Vườn quốc gia Cát Bà.
Tiếp đó, UBND thành phố lại giao cho Vườn Quốc gia Cát Bà xây dựng đề án cho thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái kết hợp bảo tồn thiên nhiên. Sau nhiều năm xây dựng, được các ngành chức năng thẩm định, Đề án nói trên đã được UBND TP.Hải Phòng phê duyệt tại Quyết định số 2360 ngày 11/9/2017 do Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Văn Tùng ký.
Trong đó cho phép các doanh nghiệp được đầu tư du lịch sinh thái kết hợp bảo tồn thiên nhiên tại Vườn Quốc gia Cát Bà, thời hạn cho thuê 50 năm, mỗi chu kỳ 10 năm. Thành phố cũng đã có quy định về giá thuê môi trường rừng Vườn Quốc gia Cát Bà tại Quyết định số 33/QĐ-UB ngày 19/12/2017.
Đại diện các doanh nghiệp cho rằng, việc đầu tư các công trình du lịch của các doanh nghiệp kéo dài nhiều năm, giữa thanh thiên bạch nhật, có sự chỉ đạo, chấp thuận của các sở, ban, ngành hữu quan và của lãnh đạo thành phố. Hiệu quả của mô hình đã được cơ quan chức năng của thành phố ghi nhận bằng việc VQG Cát Bà liên tục nhiều năm liền (từ 2010- 2016) đạt danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc, được nhận bằng khen, cờ thi đua xuất sắc của UBND TP.Hải Phòng.
Trong suốt quá trình mấy chục năm làm du lịch sinh thái nói trên, các doanh nghiệp không nhận được bất cứ ý kiến phản hồi tiêu cực nào từ các cơ quan quản lý nhà nước trong các lĩnh vực xây dựng, môi trường, an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy về các hoạt động du lịch sinh thái tại Vườn Quốc gia.
Khi xây dựng công trình, các doanh nghiệp được Vườn Quốc gia Cát Bà là đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý rừng giám sát, kiểm tra, hướng dẫn cụ thể; các doanh nghiệp đã tuân thủ đầy đủ sự hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lãnh đạo Vườn quốc gia và của các cơ quan chức năng của TP.Hải Phòng, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường, không có hành vi phá rừng.
Về các vi phạm mà các sở, ban ngành của thành phố nêu ra, đại diện các doanh nghiệp cho rằng họ không vi phạm.
Bởi đó là những mô hình được phép thực hiện thí điểm, mặt khác, rừng quốc gia được quản lý theo quy chế riêng, các cơ sở du lịch đã tuân thủ đúng các quy định của Vườn Quốc gia Cát Bà (đơn vị được giao quản lý rừng), thực hiện đầy đủ quy chế quản lý rừng, không phá rừng, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường chứ không phải dự án cho thuê đất nên không phải tuân thủ luật đầu tư, luật xây dựng như các dự án khác.
Các DN có nguyện vọng tiếp tục đầu tư bài bản, phù hợp với định hướng phát triển du lịch của Cát Bà, đề nghị các ngành hướng dẫn để các DN tuân thủ đúng các qui định của pháp luật về công tác PCCC, ANTT, môi trường...
Nếu được phép thuê đất thì hướng dẫn để các DN thực hiện các trình tự để được thuê đất hoặc thuê môi trường rừng với thời hạn 50 năm để yên tâm đầu tư dài hơi.
Ông Nguyễn An Bình - Giám đốc Công ty CPTM Thanh Bình nêu quan điểm cho rằng, việc thành phố yêu cầu các doanh nghiệp phá dỡ các công trình du lịch sinh thái chỉ để trồng cây là rất vô lý vì nhiều năm qua, các công trình du lịch này đã góp phần quảng bá hình ảnh du lịch của Cát Bà nói riêng, thành phố Hải Phòng nói chung.
"Các doanh nghiệp đang là người có công, bỗng chốc thành người có tội, trong khi suốt nhiều năm liền không có ai nhắc nhở họ vi phạm điều gì của pháp luật, cũng chưa có tổ chức trong nước hay quốc tế nào khẳng định các công trình du lịch sinh thái nói trên phá vỡ cảnh quan thiên nhiên, hủy hoại môi trường" - ông Bình phát biểu.
Cũng trên quan điểm đó, ông Bình đề xuất thành phố, nếu việc thành phố quyết tâm tháo dỡ các công trình du lịch sinh thái chỉ để trồng cây, thì đề nghị lãnh đạo thành phố cho phép các doanh nghiệp được lùi thời điểm thực hiện 2 năm để các doanh nghiệp mời các nhà khoa học, các chuyên gia, các tổ chức có uy tín trong nước cũng như quốc tế đến để khảo sát, đánh giá một cách khoa học, khách quan tác động của các công trình nói trên đối với môi trường sinh thái đảo Cát Bà.
"Nếu sau khảo sát, hội thảo, các chuyên gia, các nhà khoa học đánh giá các công trình du lịch của chúng tôi hủy hoại môi trường sinh thái của đảo Cát Bà, các doanh nghiệp sẽ tự nguyện thực hiện theo chỉ đạo của UBND thành phố.
Ngược lại, nếu các công trình của chúng tôi có tác động tích cực, không ảnh hưởng tới môi trường rừng thì đề nghị UBND thành phố cho phép chúng tôi tiếp tục được đầu tư khai thác các công trình du lịch nói trên"- ông Bình phát biểu.
Ý kiến này cũng được ông Nguyễn Hoàng Việt- đại diện Công ty CPTM Tùng Long nhấn mạnh thêm, đồng thời cũng đề xuất với Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng xem xét.
Vẫn sẽ tháo dỡ?
Sau khi nghe ý kiến của các doanh nghiệp và các sở ngành, đơn vị liên quan, ông Nguyễn Văn Tùng kết luận: Đây là vụ việc được Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng xác định là vụ việc phức tạp và đã giao thành phố Hải Phòng chỉ đạo xử lý dứt điểm, điều tra, khởi tố vụ án theo quy định.
Thành phố tiếp tục chỉ đạo các doanh nghiệp khẩn trương tháo dỡ các công trình sai phạm, khắc phục hậu quả. Nếu các doanh nghiệp không tự tháo dỡ, thành phố sẽ chỉ đạo tổ chức thi hành cưỡng chế.
Vườn Quốc gia Cát Bà cải tạo lại các khu vực trên để trồng cây, trả lại diện tích rừng tự nhiên, môi trường sinh thái và bảo tồn đa dạng sinh học. Công an thành phố khẩn trương hoàn thành thủ tục khởi tố các bị can có liên quan đến các sai phạm.
Đối với các trường hợp vi phạm chưa đến mức phải xử lý trách nhiệm hình sự, cơ quan chức năng xem xét xử lý theo quy định. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng và địa phương tuyệt đối không để phát sinh các trường hợp tương tự.
Về câu hỏi của ông Trịnh Phúc Mãn và đề nghị của các ông Nguyễn An Bình, ông Nguyễn Hoàng Việt về việc Thành phố cho phép các doanh nghiệp lùi thời hạn 2 năm để các doanh nghiệp mời các chuyên gia, các nhà khoa học, các tổ chức uy tín trong nước và quốc tế đánh giá tác động thực tế của các công trình du lịch sinh thái nói trên có tác động như thế nào, tiêu cực hay tích cực đối với môi trường sinh thái và bảo tồn đa dạng sinh học đã không được Chủ tịch UBND thành phố trả lời, xem xét.
Kết thúc cuộc họp, đại diện các doanh nghiệp bày tỏ sự thất vọng với cách giải quyết của lãnh đạo thành phố Hải Phòng và cho biết họ sẽ tiếp tục kiến nghị lên cấp cao hơn.
"Kết luận của thành phố như vậy vẫn là áp đặt. Đã là mô hình thí điểm thì có đúng có sai, cần tổng kết để rút kinh nghiệm, cái nào đúng thì phát huy, cái nào sai thì sửa, chúng tôi đã đổ ra cả đống tiền đầu tư, không thể nói dỡ là dỡ" - ông Trịnh Phúc Mãn nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.