Xuất khẩu thủy sản Việt Nam xếp thứ 3 thế giới, thế mà không có khoa nào đào tạo đấu giá

Công Tâm Thứ năm, ngày 24/09/2020 21:39 PM (GMT+7)
Năm 2019 thủy sản Việt Nam chiếm 6,2% tổng sản lượng thủy sản châu Á; 4,4% tổng sản lượng và 5,5% giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản toàn cầu. Về giá trị kim ngạch xuất khẩu, thủy sản Việt Nam đứng thứ 3 thế giới.
Bình luận 0

Chiều 24/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức hội nghị sơ kết chương trình mục tiêu phát triển kinh tế thủy sản bền vững giai đoạn 2016 - 2020 và lấy ý kiến xây dựng chiến lược phát triển thủy sản năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Lãnh đạo Tổng cục Thủy sản cho biết, thực hiện Quyết định số 1434 QĐ –TT của Chính phủ về lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng trong giai đoạn 2016 - 2020, cả nước đã thực hiện đầu tư hoàn thành đối với 148 dự án. Trong đó, Bộ NN&PTNT triển khai 30 dự án và UBND các tỉnh, thành phố 118 dự án.

Kim ngạch xuất khẩu, thủy sản Việt Nam đứng thứ 3 thế giới - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu tại hội nghị

Theo Tổng cục Thủy sản, mặc dù nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực thủy sản giai đoạn 2016 - 2020 còn nhiều hạn chế. Nhưng kết quả thực hiện đầu tư cơ bản đã đạt được các mục tiêu của chương trình đã đề ra.

Cụ thể, năm 2019, tổng sản lượng thủy sản đạt 8,15 triệu tấn (trong đó, sản lượng khai thác thủy sản đạt 3,77 triệu tấn, nuôi trồng thủy sản đạt 4,38 triệu tấn);  giá trị xuất khẩu thủy sản năm 2019 đạt 8,6 tỷ USD; công suất cảng cá tăng thêm khoảng 352.000 tấn hàng qua cảng/năm và công suất neo đậu tăng thêm khoảng 24.900 tàu.

Các cơ sở đã chủ động sản xuất giống sạch bệnh trong nước đối với các đối tượng thủy sản chủ lực, giống tôm sú, tôm chân trắng, cá tra. Các vùng nuôi tập trung thâm canh các đối tượng nuôi chủ lực đạt chứng nhận VietGAP hoặc chứng nhận tương đương (GlobalGAP, ASC.BAP).

Bên cạnh những thuận lợi thì ngành thủy sản đang gặp khó khăn, vùng neo đậu, luồng lạch bồi lắng không đảm bảo yêu cầu neo đậu an toàn, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; thiếu hệ thống xử lý môi trường, hạ tầng không đồng bộ; công nghệ bốc dỡ, vận chuyển, bảo quản, chế biến sản phẩm khai thác tại các cảng lạc hậu, tổn thất sau thu hoạch.

Kim ngạch xuất khẩu, thủy sản Việt Nam đứng thứ 3 thế giới - Ảnh 2.

Lãnh đạo Bộ NN&PTNT thăm quan mô hình nuôi cá biển tại huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa)

Góp ý tại hội nghị, ông Võ Thiên Lăng – Chủ tịch Hội nghề cá Khánh Hoà cho biết, tổng cục thủy sản nên phối hợp với các doanh nghiệp để tổ chức hội nghị nhằm đảm bảo đầu ra và nâng cao chất lượng cho cá ngừ đại dương.

Theo ông Lăng, đã là cảng cá thì phải có trung tâm đấu giá, ở các nước trên thế giới đã có trung tâm đấu giá. Tuy nhiên, ở Việt Nam không thấy khoa nào đào tạo vấn đề đấu giá. Đề nghị bổ sung vào, bố trí trường đào tạo cho phù hợp.

Đại diện Trường Đại học Nha Trang cho biết, trong những năm vừa qua trường đã đào tạo các nguồn nhân lực trong lĩnh vực chế biến, khai thác, nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, thực trạng thu hút các sinh viên trong lĩnh vực này rất khó.

Ông Kim Văn Tiêu – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết, tiếp tục đưa khoa học công nghệ vẫn là hàng đầu trong nuôi trồng. Vấn đề hiện nay lo nhất là đầu ra của sản phẩm, giải pháp thị trường, tiếp thị, quảng bá, giới thiệu là khâu rất quan trọng. Chứ kỹ thuật nuôi tôm, cá về mặt khuyến ngư, ông cho rằng không có vấn đề gì.

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, sau 10 năm thực hiện chiến lược, ngành thủy sản đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, luôn thuộc nhóm các nước đứng đầu thế giới về giá trị xuất khẩu, đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế Việt Nam.

Kim ngạch xuất khẩu, thủy sản Việt Nam đứng thứ 3 thế giới - Ảnh 3.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến (giữa) thăm quan mô hình nuôi cá biển của bà con ngư dân.

Cụ thể, năm 2019 thủy sản Việt Nam chiếm 6,2% tổng sản lượng thủy sản châu Á; 4,4% tổng sản lượng và 5,5% giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản toàn cầu. Về giá trị kim ngạch xuất khẩu, thủy sản Việt Nam đứng thứ 3 thế giới. Ngành thủy sản góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 3,9 triệu lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghệp, nông thôn.

Tại hội nghị lần này, Bộ sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp của bộ ngành, trung ương, địa phương để hoàn thiện chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 - Thứ trưởng Tiến cho biết thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem