Yêu cầu Chùa Bồ Đề tạm dừng tiếp nhận trẻ bị bỏ rơi

Thứ ba, ngày 05/08/2014 12:08 PM (GMT+7)
Năm 2013, Đoàn kiểm tra do Sở LĐ-TB&XH phối hợp với các cơ quan trên địa bàn đã yêu cầu Chùa Bồ Đề tạm dừng tiếp nhận những em bị bỏ rơi, trẻ mồ côi, tin từ ông Tô Đức – Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội.
Bình luận 0

Liên quan đến vụ mua bán trẻ em ở chùa Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội khiến dư luận bức xúc, PV đã có cuộc trao đổi với ông Tô Đức – Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội (thuộc Bộ LĐ-TB&XH) để làm rõ hơn về hành vi mua bán trẻ em của “bảo mẫu” Trang cũng như việc nhận nuôi trẻ mồ côi ở chùa Bồ Đề có đúng với quy định của pháp luật hay không?.

img

Ông Tô Đức -Phó Cục Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội (thuộc Bộ LĐ-TB&XH) trao đổi với PV.

Ông Tô Đức cho biết: “Đến lúc này, có nhiều tổ chức tôn giáo, từ thiện đã tham gia tốt công tác chăm sóc trẻ em bị bỏ rơi. Nhưng vẫn còn đó một số cơ sở thực hiện hoạt động này một cách tự phát, chưa tuân thủ quy định tại Nghị định 68 và các văn bản hướng dẫn của Bộ LĐ-TB&XH về việc thành lập các cơ sở bảo trợ xã hội đối với trường hợp cơ sở tôn giáo nuôi từ 10 đối tượng trở lên”.

Nói về hành vi mua bán trẻ em ở chùa Bồ Đề của bảo mẫu Trang, vì sao đến lúc này cơ quan chức năng mới phát hiện, ông Đức giải thích: “Có những vụ việc, sự việc, trường hợp chỉ được làm rõ khi cơ quan điều tra vào cuộc bởi tính chất phức tạp, khó khăn trong việc điều tra, xác minh, thu thập chứng cứ, bằng chứng chứng minh hành vi vi phạm pháp luật. Sở đã thành lập Trung tâm công tác xã hội là đơn vị trực tiếp tiếp nhận, thu thập thông tin về các trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, cơ nhỡ. Nếu người dân đến chùa phát hiện ra các trường hợp có dấu hiệu bất thường như ở chùa Bồ Đề có thể báo ngay cho Sở LĐ-TB&XH Hà Nội".

img

Cụ ông (trong ảnh) cho biết, tôi ở đây gần 10 năm, nhưng đến lúc này mới có tình trạng đóng cửa khu vực trẻ nuôi trẻ em, khiến ông đi tắm không vào được phải nhờ người khác mang khóa ra mở cửa để vào.

Ông Đức cũng khẳng định: “Những khoản phí thu ngoài quy định của pháp luật trong việc nhận con nuôi đều là hành vi sai trái, vi phạm pháp luật, cần phải xác minh, làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”.

Theo ông Đức, để tránh xảy ra trường hợp tương tự như ở chùa Bồ Đề, Bộ sẽ phối hợp với Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng các cơ quan liên quan rà soát các cơ sở tôn giáo chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội.

Bên cạnh đó, Bộ cũng phố hợp với các tổ chức tôn giáo hướng dẫn, thực hiện các biện pháp chấn chỉnh; chỉ đạo chính quyền cơ sở nắm bắt tình hình, kịp thời chấn chỉnh, báo cáo cũng như hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, nâng cao năng lực, nhận thức”.

img

Trẻ em ở khu nuôi dưỡng ở chùa Bồ Đề vui chơi cùng người ngoài qua khe cửa hẹp.

Theo ông Đức, Sở đã có các văn bản đôn đốc, yêu cầu Chùa Bồ Đề thành lập cơ sở bảo trợ xã hội trong chùa, nhưng đến nay nhà chùa vẫn chưa thực hiện.

Từ năm 2013, Sở đã tổ chức các đoàn kiểm tra, phối hợp với UBND quận Long Biên, UBND phường Bồ Đề làm việc với nhà chùa và đã có kết luận ban đầu về việc nhận con nuôi vi phạm pháp luật của nhà chùa. Đoàn kiểm tra đã yêu cầu nhà chùa tạm dừng tiếp nhận những em bị bỏ rơi, trẻ mồ côi.

Không chỉ có vậy, Sở đã chỉ đạo UBND quận Long Biên rà soát, lập danh sách và phối hợp với Sở LĐ-TB&XH lập kế hoạch để đưa những trường hợp trẻ em bị bỏ rơi về gia đình nếu tìm được người thân hoặc gia đình của trẻ, hoặc gửi tới các cơ sở bảo trợ xã hội của Hà Nội để chăm sóc, nuôi dưỡng.

(Theo Kiến thức)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem