Tôi vẫn cứ tưởng tất cả mọi người đều có Tết, hóa ra không phải như thế. Từ lúc có thể tự mình đi khỏi nhà, tôi đã gặp nhiều người không có Tết, hoặc họ có Tết thì lại nhờ những người khác mà có.
Ở làng tôi, có những người chẳng bao giờ có Tết. Không chỉ những người tàn tật đâu, mà ngay cả những người lành lặn, họ tươi trẻ, nhưng Tết về thì không trụ trong họ.
Đấy là người phụ nữ, đã hai mặt con rồi, nhưng Tết chẳng khác gì ngày có đám. Tất bật với mâm cơm cúng, họ lại bất bật dọn dẹp.
Người đàn ông của gia đình, cũng giống như ngày thường, đã say xỉn, sẽ nằm trên chiếc phản đã kê ở giữa nhà, sẽ nôn từ đó ra cửa, sẽ chửi từ đó đến hết đêm khuya. Thậm chí, có thể còn đủ sức sẽ túm lấy mái tóc dài của cô ấy, cuộn thành vài vòng, rồi dúi xuống.
Vẫn còn nhiều người già neo đơn cần sự chung tay của xã hội để có cái Tết ấm cúng. Ảnh minh họa, IT.
Đấy là bà cụ, đã qua tuổi 70, con cái lần lượt ra đi. Bởi ông trời đày. Bởi con người đày. Tết của người phụ nữ ấy cắm cúi trong ngôi nhà lạnh ngắt. Chỉ khi bọn trẻ được người hàng xóm dẫn sang, biếu cho đôi bánh chưng, tặng cho chậu cây cúc, đôi mắt bà cụ mới rạng một tia sáng của trời.
Đấy là đôi vợ chồng kia. Đến ngày giáp Tết mất hết của nả. Tự dưng trắng tay, tự dưng chẳng còn Tết.
Cũng may, xóm chung con lợn. Cả xóm gọi nhau dậy từ 4h00 sáng. Trong cái giá rét ấy, những ngọn đèn được sáng lên, tiếng chó sủa, tiếng lợn kêu, … thế là Tết đến.
Đến chiều, nhà đôi vợ chồng có tày giò thủ, có cái chân giò, có tiếng trẻ mừng vui. Thế là Tết đến.
Trẻ vùng cao nô đùa khi xuân về. Ảnh VOV.
Đấy là những đứa trẻ vùng cao, chẳng phải ngày xưa, mà bây giờ cũng mong chờ Tết. Khi chiếc xe ô tô chở những người bạn của chúng đến từ thành phố bấm lên tiếng còi, thế là chúng biết hôm nay Tết về.
Tết trên cành cây có treo những tấm lì xì màu đỏ. Tết trên những bộ cánh ấm áp. Tết ngọt cùng những chiếc kẹo thơm.
Đấy là lũ trẻ thành phố. Tết, bố mẹ chúng sẽ ở nhà lâu hơn. Tết, chúng sẽ được ăn cơm mẹ nấu. Có đứa lớn 10 tuổi đầu còn biết bảo: mẹ nấu khó ăn hơn cơm ở hàng. Nhưng cả năm mới có một lần Tết.
Đó là con tôi, được gói chiếc bánh chưng của mình, được ra cánh đồng hun hút gió, được cắm nén hương trước mộ các cụ, được nghe kể về chuyện của ông bà, được ra bờ ao rửa bát, được nô đùa với anh chị em họ từ bốn phương về, ….
Nếu không có người mang tặng, những con người tôi nói đến ở đây chắc chẳng cảm nhận được Tết.
Có thể khi đã trưởng thành, người ta sẽ đón Tết theo cách của riêng mình. Nhưng có những lúc, như còn trẻ thơ, nếu không được “tặng Tết”, sẽ chẳng ai biết Tết thế nào.
Hôm nay, ngày lễ tình nhân và là một ngày của Tết. Hãy tặng cho nhau đi: “Một ngày yêu thương”.
Ngọt. Mặn. Tết cũng chỉ đến 1 lần trong năm. Tặng Tết cho nhau đi, chẳng gì bằng Tết.
Những tranh luận về Tết truyền thống, Tết hiện đại vẫn chưa có hồi kết. Tết nay có khác Tết xưa nhưng hồn cốt truyền thống vẫn còn vẹn nguyên.
Có người dành trọn vẹn những ngày Tết để ở bên gia đình, cạnh nồi bánh chưng xanh, ngày làm ba mâm cỗ cúng gia tiên.
Cũng có người, sau bữa cơm Tất niên, thắp hương ngày mùng 1 là dành trọn kỳ nghỉ Tết để đi du lịch, tận hưởng thú chơi Tết.
"Ăn Tết hay Chơi Tết" là tên diễn đàn mục Bạn đọc Báo Điện tử Dân Việt mong muốn nhận được ý kiến đa chiều của độc giả về cách thưởng thức không khí Tết hiện nay.
Rất mong nhận được những ý kiến tham gia diễn đàn của độc giả khắp mọi miền cả nước. Bài viết xin gửi về địa chỉ email tiengdanntnn@gmail.com.
Trân trọng cảm ơn!
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.