Buôn cây cảnh, chổi đót và những cách làm giàu đặc biệt của "quan"

Bảo Uyên (tổng hợp) Thứ năm, ngày 22/11/2018 11:33 AM (GMT+7)
Những câu chuyện về cách làm giàu của bằng cách bán cây cảnh, bán chổi đót hay chạy xe ôm… của một số quan chức khiến cho người dân không khỏi ngỡ ngàng.
Bình luận 0

Buôn cây cảnh mua đồng hồ hơn 1 tỷ đồng

Cựu tướng Phan Văn Vĩnh khai trước Hội đồng xét xử Tòa án Nhân dân tỉnh Phú Thọ: chiếc đồng hồ trị giá 1,1 tỷ đồng có được là nhờ bán cây cảnh.

Cụ thể, ngày 19.11, vừa qua phiên tòa xét xử cựu tướng Phan Văn Vĩnh tiếp tục diễn ra tại Tòa án Nhân dân tỉnh Phú Thọ. Tại phiên tòa bị cáo Vĩnh được hỏi về việc được bị cáo Dương cho một số tiền và tài sản, vật chất ông Vĩnh khẳng định không có chuyện đó, chỉ có một lọ thuốc bổ gan và 1 chiếc áo sơ mi.

img

Trong phiên xét xử chiều 19.11 tại TAND tỉnh Phú Thọ, bị cáo Phan Văn Vĩnh bước lên bục khai báo. Ảnh: Dân Việt

Khi nhắc tới chiếc đồng hồ trị giá 1,1 tỷ đồng bị cáo Phan Văn Vĩnh cho biết chiếc đồng hồ bị cáo đã trả tiền, với số tiền là 1,1 tỷ đồng. Giải thích cho số tiền để mua chiếc đồng hồ này khi mức lương chỉ khoảng 20 triệu đồng/tháng và lương của vợ khoảng 8 triệu đồng/ tháng, bị cáo Phan Văn Vĩnh nói rằng đã "lấy tiền bán cây cảnh ra mua đồng hồ, không lấy lương".

Buôn chổi đót xây biệt phủ

Câu chuyện kê khai tài sản và lời giải trình về khối tài sản "khủng" của ông Phạm Sỹ Quý -  nguyên Giám đốc Sở TN&MT Yên Bái trở thành tâm điểm của dư luận vào hồi tháng 10.2017.

Theo bản kê khai của ông Quý, gia đình ông sở hữu ngôi nhà tại tổ 51 phường Minh Tân (công trình cấp 3) có diện tích xây dựng 600 m2; nhà tạm diện tích xây dựng 150 m2, giá trị 200 triệu đồng.

Ông Quý cũng kê khai sở hữu mảnh đất 1 ha trị giá 500 triệu đồng tại tổ 51; trang trại diện tích 2 ha giá trị 1 tỷ đồng và một ôtô Toyota Camry. Tại Hà Nội, ông Quý có một căn hộ chung cư Mandarin Garden (đường Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy, Hà Nội) rộng trên 130 m2 với giá trị tại thời điểm xây dựng là 2,5 tỷ đồng.

img

Biệt phủ của gia đình ông Phạm Sỹ Quý. Ảnh: Dân trí

Tuy nhiên, Thanh tra Chính Phủ xác định ông Quý đã kê khai thiếu: 7.905 m2 đất ở; hơn 27.500 m2 đất nông nghiệp do vợ đứng tên; 1 căn nhà diện tích xây dựng 600 m2; tiền vay ngân hàng hơn 9,1 tỷ đồng và nợ bạn bè 60 cây vàng.

Giải thích về nguồn gốc tài sản "không lồ" trên, chiều 29.6.2017 trả lời với báo chí ông Phạm Sỹ Quý - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái cho biết, khu dinh thự được xây dựng từ tiền vay ngân hàng 20 tỷ đồng, mượn của nhiều bạn bè và “kết quả của cả một quá trình tôi lam lũ đi làm từ thời trẻ, nỗ lực vươn lên làm đủ thứ nghề”.

"Quá trình thời thanh niên tôi đi mua chổi đót, lá chít từ trên này xuống Hà Nội, đã có những lúc tôi lạc trong rừng, ngủ trong rừng. Từ ngày xửa xưa tôi còn làm men nấu rượu, làm bánh kẹo, làm giá đỗ, tôi chả thiếu nghề gì trên đời"  - Ông Quý trả lời trên báo Tuổi trẻ Online ngày 29.6.2017.

Chạy xe ôm góp tiền xây biệt thự

Chạy xe ôm thời trẻ tích góp tiền là "cách làm giàu" của ông Nguyễn Sỹ Kỷ (Phó Ban Nội chính Tỉnh ủy Đắk Lắk) để xây dựng nên một biệt thự tổng diện tích khoảng 200m2, khu nhà bếp và nhà ăn 91m2, nhà chòi xây trên hồ nước tổng diện tích 19m2, một hồ bơi rộng 152m2.  Sự việc được phát hiện vào cuối tháng 3 đầu tháng 4. 2017 vì biệt thự của ông Kỷ lại được xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp.

Phường Ea Tam (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) đã lập biên bản hành chính và báo cáo lên UBND TP Buôn Ma Thuột về công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp của gia đình ông Nguyễn Sỹ Kỷ - phó Ban nội chính Tỉnh ủy Đắk Lắk.

Trao đổi với báo Người lao động ông Kỷ cho biết ngôi nhà là tài sản cả đời tích góp của vợ chồng ông. Vợ ông kinh doanh nhiều mặt hàng, còn ông ngoài làm cán bộ nhà nước, lúc trẻ sau giờ làm việc phải chạy xe ôm thâu đêm để tích góp.

Lao động đến thối cả móng tay

Để có được biệt thự ở Tp Hồ Chí Minh và Bến Tre, ông Trần Văn Truyền - nguyên Tổng Thanh tra Chính cho biết đã phải "lao động đến thối cả móng tay".

Câu chuyện về khối tài sản "siêu khủng" của ông Truyền được phát hiện vào cuối năm 2014.  Cụ thể, ông Truyền sở hữu ngôi dinh thự tại ấp 3, xã Sơn Đông, Bến Tre xây cất trên diện tích xây dựng hơn 16.000 m2 trong tổng diện tích chung lên đến 30.000 m2. Trong khuôn viên dinh thự này còn có một số gian nhà cổ làm bằng gỗ sưa là một loại gỗ quý hiếm, ngoài ra về kiến trúc thì Cổng chính đi vào dinh thự và dự án gia đình có màu sắc sơn son thếp vàng.

img

Một biệt thự của ông Truyền tại Bến Tre. Ảnh: Kiến thức

Ngoài ra, ông còn có 3 cơ ngơi ở TP HCM tại phường Thảo Điền (Quận 2), Quận 5 và khu đô thị Phú Mỹ Hưng do người thân đang quản lý, sử dụng. 

Lý giải trên báo chí về nguồn gốc tài sản trên, ông Truyền nói ngôi dinh thự tại ấp 3, xã Sơn Đông, TP Bến Tre là nhà của mình nhưng xây cất trên diện tích đất của người con trai. Ông Truyền cho hay con trai ông đã bỏ tiền ra mua phần đất này từ trước đó.

Ông Truyền khẳng định tiền xây dựng nên ngôi nhà này, một phần là tiền của tích cóp của gia đình ông bấy lâu nay, một phần từ sự giúp đỡ của nhiều người bạn cho đá, cho gạch… Trong đó có một cô em nuôi ở quận 9, TP.HCM, có hỗ trợ tiền bạc khi thiếu hụt.

 “Khi đã nghỉ hưu, tôi cũng về làm vườn, lao động đến thối cả móng tay, cực nhọc lắm chứ đâu bở” - ông Truyền nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem