Khi hỏi đến gia đình anh Nguyễn Văn Trung ở xóm 8, xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn (Ninh Bình) không ai trong làng không biết về hoàn cảnh bi đát của gia đình anh.
Anh Trung bị mắc bệnh thận hơn 20 năm nay. Cả gia đình đã cố gắng chạy chữa, điều trị hết thuốc tây đến thuốc nam nhưng bệnh tình không hề thuyên giảm. Những năm gần đây, tình trạng sức khỏe của anh ngày càng trở nên trầm trọng và giai đoạn cuối phải đi chạy thận.
Giờ đây, mọi sinh hoạt của anh vỏn vẹn trên chiếc giường với sự giúp đỡ của vợ con, ông bà. Ảnh: Cao Oanh
Anh bị suy thận độ 4 dẫn đến suy tim, tim chèn khiến tràn dịch phổi. Giờ đây, mọi sinh hoạt của anh vỏn vẹn trên chiếc giường với sự giúp đỡ của vợ con, ông bà. Mỗi tuần anh phải đi chạy thận 3 lần ở viện tỉnh.
Thế nhưng, cái éo le, bi đát không dừng lại ở đó. Khoảng 2 năm trước, con gái đầu của anh, bé Nguyễn Thị Phượng (SN 2006) được phát hiện có một khối u trong não.
Bé Nguyễn Thị Phượng (SN 2006) được phát hiện có một khối u trong não. Ảnh: Cao Oanh
“Hôm đó con đi học về, con bảo đau đầu lắm. Tôi tưởng bé đi nắng về nên bị đau đầu, cho cháu uống thuốc nhưng không đỡ. Sau đó cho cháu đi khám thì phát hiện có khối u trong đầu. Lúc bác sĩ thông báo kết quả tôi chết lặng. Cả gia đình trở nên suy sụp. Bố đang bệnh mà con gái bị bệnh nữa thì biết làm sao?” – Anh Trung nhớ lại.
Dù bệnh tật nhưng Phượng rất ham học. Cứ hết đau đầu Phượng lại cứ đòi đi học. Nhiều khi bố mẹ muốn cho em nghỉ thêm để khỏe nhưng em vẫn nằng nặc đòi đến lớp để học. Thậm chí, nhiều lúc đến trường nhưng Phượng lại chỉ nằm ở phòng y tế hay bệnh xá rồi vì quá đau đầu.
Dù bệnh tật nhưng Phượng rất ham học. Ảnh: Cao Oanh
Anh Trung cho biết, Phượng học khá. Những năm học cấp 1, Phượng luôn đạt học sinh tiên tiến. Thế nhưng, từ ngày phát hiện ra khối u và bị những cơn đau đầu hoành hành em phải nghỉ học nhiều hơn.
Anh Trung kể: “Lúc đó, tôi còn đi lại được tôi cố gắng đưa con đi hết viện tỉnh rồi viện ở Hà Nội để chạy chữa cho con. Bác sĩ bảo rằng độ tuổi này con đang phát triển xương sọ nên không thể phẫu thuật được, cứ uống thuốc ổn định thì đến năm 18 tuổi mới có thể phẫu thuật. Mỗi lần đi khám như thế cũng hết hàng chục triệu đồng”.
Những lúc khỏe mạnh, Phượng và em trai vẫn phụ giúp bố mẹ việc nhà. Ảnh: Cao Oanh
Cứ thế, con bò, đàn lợn, mảnh ruộng ông bà cho để “lấy vốn làm ăn” cũng lần lượt ra đi theo những chuyến đi viện khám và điều trị của 2 cha con. Kinh tế gia đình dựa vào sức lực của người vợ cũng suốt ngày ốm đau.
“Vợ tôi giờ làm công quét rác trên chùa Bái Đính. Mỗi ngày cũng được vài chục nghìn. Thế nhưng, vợ cũng bị trào ngược dạ dày, đau dạ dày, nay ốm mai đau nên cũng chẳng đủ được ngày công.
Cả gia đình bên nội, bên ngoại đều làm nông nghiệp. Ông bà cũng không có tiền lương nên không hỗ trợ được gì về kinh tế. Ông bà đã già vẫn phải giúp con cháu trồng ít rau cỏ, lúa ngô. Ông bà trồng được như thế nào, mình mới có để ăn chứ nhà không có ai làm được nữa” – Anh Trung buồn nói.
Đại diện báo Nông Thôn Ngày Nay/ Điện tử Dân Việt trao tặng tiền mặt, gạo và các gia vị cho gia đình anh Trung.
Ảnh: Cao Oanh
Giờ đây, mọi sinh hoạt phí của cả gia đình anh đè nặng lên đôi vai của người vợ và từ sự thương tình, giúp đỡ của hàng xóm. Cuộc sống có rau ăn rau, có cháo ăn cháo nhưng, tiền thuốc thang, chạy chữa bệnh cho 2 cha con và cả tiền học cho cậu con trai út đang tuổi ăn tuổi học sẽ như thế nào, anh Trung cũng không biết nữa.
“Tôi “đi” thì đã đành nhưng con gái còn quá nhỏ. Nó còn muốn đi học, được gặp bạn bè. Sao ông trời lại nỡ để cho con bé khổ như thế?” – không cầm nổi nước mắt, anh Trung nói.
Mọi sự giúp đỡ cho gia đình anh Nguyễn Văn Trung xin gửi về địa chỉ: Báo Nông Thôn Ngày Nay, Tòa nhà Báo Nông Thôn Ngày Nay – Lô E2, đường Dương Đình Nghệ, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Số tài khoản: 21210000524887, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV chi nhánh Tây Hồ, Hà Nội.
Chủ tài khoản: Báo Nông Thôn Ngày Nay
(Vui lòng ghi rõ: Ủng hộ gia đình anh Nguyễn Văn Trung)
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.