'Lùm xùm' bổ nhiệm cán bộ, Tổng cục Đường bộ nhận thiếu sót

Vinh Hải Thứ ba, ngày 27/11/2018 10:07 AM (GMT+7)
Liên quan tới những nội dung Dân Việt phản ánh trong công tác bổ nhiệm nhân sự tại Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải), đơn vị này đã có những phản hồi tới báo.
Bình luận 0

Lý giải việc bổ nhiệm, thu hồi rồi… lại bổ nhiệm

Như Dân Việt đã phản ánh trong bài viết “Lùm xùm tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ ở Tổng cục Đường bộ VN”, ngày 15.10.2014, ông Nguyễn Văn Huyện – Tổng cục trưởng TC ĐBVN ký Quyết định số 2429/QĐ-TCĐBVN, tiếp nhận, bổ nhiệm ông Nguyễn Mạnh Hùng - Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư phát triển và Xây dựng giao thông 208, giữ chức vụ Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý, bảo trì đường bộ. Đến năm 2017, có đơn tố cáo liên quan tới ông này, TC ĐBVN đã vào cuộc xác minh.

Theo TC ĐBVN, Quyết định số 2429/QĐ-TCĐBVN về tiếp nhận bổ nhiệm ông Hùng được ký ngày 15.10.2014. Còn Quyết định tuyển dụng ông Hùng vào công chức của Bộ GTVT 9 ngày sau mới được ký.

Tiếp đó, sau khoảng 2 tháng rút quyết định tiếp nhận, bổ nhiệm kể trên, tháng 11.2017 ông Nguyễn Văn Huyện tiếp tục ký bổ nhiệm ông Hùng vào chức vụ vừa bị rút trước đó. Thời điểm đó ông Hùng đang là chuyên viên Vụ Quản lý, bảo trì đường bộ.

img

Trụ sở Tổng cục đường bộ Việt Nam.

Lý giải cho việc làm này, trả lời Dân Việt, đại diện Phòng Tổ chức, Hành chính Tổng cục đường bộ Việt Nam cho biết, lần bổ nhiệm đầu tiên đối với ông Hùng do bộ phận tham mưu của Tổng cục hiểu chưa đầy đủ nội dung văn bản của Bộ Nội vụ. Do đó, Tổng cục ĐBVN đã thu hồi quyết định tiếp nhận, bổ nhiệm ông Nguyễn Mạnh Hùng. Cùng với đó, cơ quan này đã kiểm điểm trách nhiệm bộ phận tham mưu ban hành văn bản.

Với việc tiếp tục bổ nhiệm chuyên viên Nguyễn Mạnh Hùng vào đúng vị trí đã bị thu hồi quyết định trước đó 2 tháng, Tổng cục ĐBVN lý giải từ ngày 1.1.2017, Vụ Quản lý bảo trì đường bộ có 1 Phó Vụ trưởng nghỉ hưu, để đảm bảo công tác điều hành, theo đề nghị của Vụ Quản lý bảo trì đường bộ, sau khi đối chiếu với quy định, ông Hùng đáp ứng điều kiện tiêu chuẩn, được 100% công chức vụ Quản lý bảo trì đường bộ giới thiệu.

Trên cơ sở này, ông Hùng được “trở lại” chức Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý bảo trì đường bộ vào ngày 9.11.2017 bằng quyết định 3661/QĐ- TCĐBVN.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, ngày 24.7.2017, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa đã ký quyết định 2143/QĐ-BGTVT về việc sửa đổi Khoản 1, Điều 6 Quy định trình tự, thủ tục bổ nhiệm, bổ nhiệm lại… đối với chức danh lãnh đạo, quản lý các đơn vị thuộc Bộ GTVT. Đối với các chức danh, phải “bảo đảm các điều kiện, tiêu chuẩn chức danh theo quy định của Bộ GTVT và các quy định của pháp luật có liên quan đối với chức danh cụ thể”.

Sau đó, văn bản 10496/BGTVT-TCCB của Bộ GTVT nhấn mạnh “Tuyệt đối không được lợi dụng việc điều động nhân sự giữa các tổ chức cho đủ số lượng biên chế để bổ sung số lượng cấp phó tại tổ chức đó”.

Trên thực tế, ở thời điểm Vụ Quản lý bảo trì đường bộ thiếu người do 1 Vụ phó nghỉ hưu, lúc này Vụ vận tải và Vụ Khoa học Công nghệ đều có 4 vụ phó. Dư luận đặt ra câu hỏi tại sao không tiến hành điều động mà vẫn tiếp tục bổ nhiệm ông Hùng vừa được thu hồi quyết định bổ nhiệm 2 tháng trước đó? 

Vụ Phó chưa đủ tiêu chuẩn

Với trường hợp ông Nguyễn Hoàng Linh như Dân Việt đã phản ánh, ông Linh được Tổng Cục trưởng TC ĐBVN Nguyễn Văn Huyện biệt phái từ Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải, sang Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra kể từ ngày 1.1.2018.

Đại diện Tổng cục ĐBVN cho biết, thời điểm tháng 12.2017, Vụ Vận tải có 4 Phó Vụ trưởng, Vụ Pháp chế - Thanh tra có 3 Phó Vụ trưởng. Phương án của TC ĐBVN là luân chuyển 1 Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra đủ điều kiện, tiêu chuẩn sang giữ vị trí Phó Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ, đồng thời đưa ông Linh sang thay thế. Việc biệt phái ông Nguyễn Hoàng Linh về Vụ Pháp chế - Thanh tra là thực hiện theo đúng phương án xử lý cấp phó.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, tại thời điểm được biệt phái, đối chiếu với quyết định 2143 của Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa, ông Linh chưa đủ các tiêu chuẩn. Cụ thể, ông Linh thời điểm được biệt phái chưa có chuyên ngành thanh tra.

Theo quy định, các cá nhân phải qua lớp đào tạo về thanh tra, trải qua quá trình thi, đáp ứng điều kiện sau đó mới được công nhận là công chức thanh tra. Với chức danh Vụ phó Vụ Pháp chế Thanh tra, ông Linh trước đó phải học thêm lớp chuyên ngành thanh tra viên, đủ 2 tiêu chuẩn này, ông Linh với đáp ứng được yêu cầu của chức danh Vụ phó.

"Liên khúc" nhận thiếu sót, rút kinh nghiệm

Trước những tồn tại như Dân Việt đã phản ánh, việc xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân thuộc diện Tcục ĐBVN quản lý, đơn vị này cho biết các đơn vị như Cục Quản lý xây dựng đường bộ, Cục Quản lý đường bộ I, II, III, IV, Trường TC GTVT miền Bắc, miền Nam, Vụ Tổ chức cán bộ đã nghiêm túc rút kinh nghiệm trong công tác tổ chức cán bộ.

Đối với tập thể, cá nhân thuộc diện đơn vị quản lý, 8 đơn vị được nêu tên đã thực hiện nhận khuyết điểm, rút kinh nghiệm; nhận thiết sót, rút kinh nghiệm gồm: Cục Quản lý xây dựng đường bộ, các Cục Quản lý đường bộ (I, II, III, IV), trường TC GTVT miền Bắc, trường TC GTVT miền Nam, Vụ Tổ chức cán bộ.

"Để xảy ra những tồn tại, hạn chế về công tác cán bộ đã nêu trong kết luận kiểm tra là do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân khách quan là sự thay đổi về tổ chức của Tổng cục theo Quyết định số 60/2013/QĐ-TTg ngày 21.10.2013 của Thủ tướng Chính phủ, thời điểm năm 2013 công tác cán bộ chủ yếu là sắp xếp lại nhân sự từ các khu quản lý đường bộ sang Cục Quản lý đường bộ cho phù hợp với tổ chức mới.

Về nguyên nhân chủ quan, chủ yếu là do tổ chức tham mưu về công tác cán bộ còn chưa tham mưu đầy đủ, việc thẩm duyệt hồ sơ bổ nhiệm vào công chức qua thi tuyển và công tác đôn đốc, nhắc nhở các đơn vị chưa sâu sát" - lãnh đạo Phòng Tổ chức Hành chính cho hay.

Tuy nhiên, theo Tổng cục ĐBVN, những tồn tại này “không phải do lỗi quản lý của lãnh đạo Tổng cục”.

Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc sự việc này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem