Sáng nay (22.1), sau 14 ngày xét xử và nghị án, TAND Hà Nội tuyên án với ông Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh cùng 20 đồng phạm trong vụ án Cố ý làm trái và Tham ô tài sản xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC).
Sau hơn hai tiếng đọc bản án, HĐXX tuyên phạt bị cáo Đinh La Thăng án 13 năm tù và phải bồi thường 30 tỷ đồng.
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh bị phạt 14 năm tù về tội Cố ý làm trái, tù chung thân về tội Tham ô tài sản; tổng hợp hình phạt là tù chung thân. Cựu Tổng giám đốc PVN Phùng Đình Thực nhận mức án 9 năm tù.
Bị cáo Đinh La Thăng tại phiên tòa. Ảnh Zing.vn
Theo quy định pháp luật hiện hành, việc các bị can, bị cáo nộp tiền khắc phục hậu quả được xem là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Luật sư Trần Tuấn Anh – Đoàn Luật sư TP Hà Nội đã có phân tích cụ thể hơn về vấn đề này.
Trao đổi với Dân Việt, luật sư Tuấn Anh cho biết: “Đối với bản án đã tuyên, trong vòng 15 ngày sau khi tuyên án, ông Đinh La Thăng và các bị cáo khác có quyền kháng cáo. Trong trường hợp bị cáo kháng cáo, bản án sơ thẩm được coi là chưa có hiệu lực pháp luật và vụ án sẽ được xem xét lại theo trình tự phúc thẩm, ông Đinh La Thăng chưa được coi là người có tội”.
Theo điểm b, khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì việc các bị can, bị cáo nộp tiền khắc phục hậu quả là một trong những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự khi quyết định hình phạt.
“Bộ luật hình sự 2015 đã có hiệu lực từ 1.1.2018 quy định, những tình tiết nào có lợi cho bị cáo sẽ được áp dụng theo hướng có lợi. Việc nộp tiền khắc phục hậu quả là một tình tiết rất có lợi cho các bị cáo trong quá trình xét xử cũng như tác động đến Hội đồng xét xử theo hướng giảm nhẹ khi quyết định hình phạt” – luật sư Tuấn Anh cho hay.
Cụ thể hơn, trong quá trình vụ án được xem xét lại theo trình tự phúc thẩm, nếu ông Đinh La Thăng khắc phục một phần số tiền 30 tỷ bị buộc bồi thường cũng đã được xem xét là tình tiết giảm nhẹ mức án tòa sơ thẩm đã tuyên.
“Trong trường hợp ông Đinh La Thăng nộp đủ số tiền 30 tỷ thì được xem là khắc phục toàn bộ hậu quả. Việc bồi thường là căn cứ để xem xét mức án, vì vậy nếu bị cáo khắc phục toàn bộ hậu quả sẽ là căn cứ quan trọng để HĐXX phúc thẩm xem xét giảm mức án đã tuyên tại phiên sơ thẩm” – Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch phân tích.
Trong quá trình xét xử, ông Đinh La Thăng đã đề nghị được phép tại ngoại.
Trong trường hợp ông Đinh La Thăng không kháng cáo, VKS cũng không kháng nghị bản án, bản án sơ thẩm sẽ có hiệu lực pháp luật ngay. Ông Đinh La Thăng Thăng phải chấp hành bản án tòa đã tuyên, phải nộp tiền theo bản án.
“Tuy nhiên, dù bản án đã có hiệu lực pháp luật, trong quá trình thi hành án việc khắc phục hậu quả vẫn là điều kiện tiếp theo để xem xét giảm thời gian thực tế chấp hành án trong trại giam. Đây là chính sách nhân đạo, khoan hồng của Nhà nước trong quá trình bị can, bị cáo chấp hành án” – ông Tuấn Anh nói.
Khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự 2015 quy định 23 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự sau:
a) Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm;
b) Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả;
c) Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng;
d) Phạm tội trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết;
đ) Phạm tội trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội;
e) Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra;
g) Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra;
h) Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn;
i) Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng;
k) Phạm tội vì bị người khác đe doạ hoặc cưỡng bức;
l) Phạm tội trong trường hợp bị hạn chế khả năng nhận thức mà không phải do lỗi của mình gây ra;
m) Phạm tội do lạc hậu;
n) Người phạm tội là phụ nữ có thai;
o) Người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên;
p) Người phạm tội là người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng;
q) Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;
r) Người phạm tội tự thú;
s) Người phạm tội thành khẩn khai báo hoặc ăn năn hối cải;
t) Người phạm tội tích cực giúp đỡ các cơ quan có trách nhiệm phát hiện hoặc điều tra tội phạm;
u) Người phạm tội đã lập công chuộc tội;
v) Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác;
x) Người phạm tội là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ, người có công với cách mạng.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.