"Mộ Đom Đóm" đời thực: Sự tàn khốc của chiến tranh Nhật Bản

Thứ năm, ngày 13/06/2019 19:32 PM (GMT+7)
Cậu bé đứng đó, cõng đứa em trai đã chết trên lưng, ánh mắt kiên định, môi mím chặt và ngẩng cao đầu, không dám bật khóc như chính tinh thần bất diệt của nước Nhật Bản.
Bình luận 0

Chiến tranh luôn mang đến những mất mát đau thương cho những quốc gia, dân tộc, vùng miền mà nó càn quét qua. Rất nhiều gia đình vô tội phải lâm vào cảnh li tán, nhà tan cửa nát vì bom đạn trong những cuộc chiến. Là một phóng viên ảnh, Joe O'Donnell chịu trách nhiệm mang đến những cái nhìn chân thật nhất về sự khốc liệt trong chiến tranh. Trong số đó, có những bức ảnh và câu chuyện khiến ông phải ám ảnh cả cuộc đời.

img

Phóng viên ảnh - nhiếp ảnh gia Joe O'Donnell.

Tác phẩm nổi tiếng nhất của Joe O'Donnell là ghi lại hình ảnh ngay sau vụ nổ bom nguyên tử tại Nagasaki và Hiroshima, Nhật Bản, vào năm 1945 và 1946. Từ tháng 9/1945, ông đã đi dọc vùng phía Tây của Nhật Bản, chụp lại được những khoảnh khắc đau thương của các nạn nhân chiến tranh: những người chết, những người bị thương và cả đám trẻ mồ côi.

Thời loạn ngập tràn tang thương và chết chóc ai cũng biết, nhưng những đứa trẻ đôi khi còn quá nhỏ để có thể thấu hiểu được nỗi đau mà nó mang lại. Tiếng đạn bom ầm ầm bên tai, tiếng người ta la hét khóc lóc, hoảng loạn bỏ chạy đôi khi không thể diễn tả được hết sự đau đớn bằng ánh mắt vô hồn, lạc lõng giữa đống đổ nát của những đứa trẻ con.

Trong một bức hình được chụp tại Nagasaki, Joe O'Donnell đã bắt gặp khoảnh khắc hai đứa trẻ; một đứa lớn đang cõng đứa bé trên vai. Đau lòng thay, đứa em nhỏ trên vai đã qua đời và chuẩn bị lên giàn hỏa thiêu. Cậu bé trai đứng im, tay xuôi xuống quần, ánh mắt kiên định, môi mím chặt và ngẩng cao đầu, không dám bật khóc như chính tinh thần bất diệt của nước Nhật Bản.

img

Hình ảnh đứa trẻ Nhật Bản cõng em trai đã qua đời trên lưng như một phần phản ảnh hiện thực khốc liệt của xứ Phù Tang những năm 1945.

Cậu bé không hề khóc, vẫn cố nhẫn nhịn mím chặt môi cho đến lúc rời đi. Không ai biết được trong lòng em đang nghĩ gì, nhưng tất cả những người nhìn thấy bức ảnh này, nghĩ về khoảnh khắc đau đớn khi mất đi người thân trong chiến tranh mà một cậu bé tuổi còn nhỏ đã phải chịu đựng, chắc hẳn ai cũng phải rơi nước mắt.

Trong một cuộc phỏng vấn nhiều năm về sau, Joe O'Donnell vẫn còn nhớ mãi đến hình ảnh cậu bé năm nào:

"Tôi thấy một cậu bé khoảng 10 tuổi đi qua. Trên vai em là một đứa nhỏ khác. Giai đoạn đấy ở Nhật Bản, tôi hay bắt gặp hình ảnh những đứa trẻ đang chơi đùa với em mình trên vai. Nhưng với cậu bé này, câu chuyện hoàn toàn khác. Em không có giày với khuôn mặt đầy căng thẳng, còn đứa nhỏ trên vai em dường như đang ngủ rất sâu. Cậu bé cứ đứng đó chừng 5 hay 10 phút.

Một lúc sau, người đàn ông đeo khẩu trang trắng tiến về phía em, cởi dây và đỡ lấy đứa bé. Đó là lúc tôi nhận ra em đã chết. Người đàn ông giữ lấy đứa nhỏ và đặt trên giàn hỏa thiêu. Người anh cứ đứng đó, trân trân nhìn ngọn lửa đang cháy. Nó cắn môi dưới của mình thật đến nỗi tôi thấy máu tóe ra ngoài.

Khi ngọn lửa cháy rụi, cậu bé quay đầu lại và bỏ đi trong im lặng".

Bên cạnh đó, bức ảnh gây nên sự xúc động sâu sắc và thức tỉnh người xem về sự đau đớn, nghiệt ngã của chiến tranh này cũng được xem là phiên bản đời thực của bộ phim hoạt hình "Mộ Đom Đóm"(Grave of the Fireflies) do hãng Ghibli sản xuất. Câu chuyện cảm động kể về hai anh em Seita và Setsuko trong chiến tranh thế giới thứ II. Một cái kết buồn nhưng đầy ám ảnh khi Setsuko qua đời vì thiếu ăn đã lấy đi nước mắt của bao người xem.

CHAN (Trí Thức Trẻ)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem