Giá heo hơi hôm nay 27/9: Miền Bắc, miền Nam cùng tăng giá, chợ lợn Hà Nam sôi động
Theo ghi nhận của PV Dân Việt, giá heo hơi hôm nay 27/9 tiếp tục có sự điều chỉnh khi Công ty CP chăn nuôi C.P chi nhánh miền Nam đã tăng giá bán heo hơi tại trại thêm 1.000 đồng/kg.
Cụ thể, thông tin từ các chủ trang trại liên kết chăn nuôi với C.P cho biết, giá heo hơi 3 máu cái xuất bán tại các trại ở Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Long An đạt 45.000 đồng/kg; heo hơi 2 máu cái ở mức 44.500 đồng/kg; 2 máu đực là 42.500 đồng/kg.
Động thái tăng giá của doanh nghiệp lớn nhất ngành chăn nuôi của Việt Nam đã kéo giá heo hơi tại nhiều địa phương khởi sắc.
Đơn cử như tại Vĩnh Long, giá heo hơi hiện đã tăng 2.000 đồng/kg lên 39.000 đồng/kg so với trước đó 3 ngày. Các tỉnh Hậu Giang, Kiên Giang, Cà Mau cùng tăng 1.000 đồng/kg lên lần lượt 41.000 đồng/kg, 39.000 đồng/kg và 37.000 đồng/kg.
Giá heo hơi hôm nay 27/9 cả miền Bắc và miền Nam cùng có biến động khi "đại gia" trong ngành chăn nuôi lợn của cả nước là C.P tăng giá bán tại miền Nam thêm 1.000 đồng/kg. Ảnh minh hoạ: Thương lái thu mua heo hơi tại chợ gia súc - gia cầm Hà Nam. T.Q
Giá heo hơi tại miền Bắc khoảng 1 tháng qua không có biến động đáng chú ý, một số nơi tăng hoặc giảm nhẹ nhưng chỉ xê dịch từ 1.000 - 2.000 đồng/kg nên mặt bằng giá lợn hơi tại các tỉnh miền Bắc hiện vẫn dao động từ 46.000 - 50.000 đồng/kg.
Đáng chú ý, thời gian gần đây, chợ đầu mối gia súc, gia cầm lớn nhất miền Bắc tại xã Bối Cầu (Bình Lục, Hà Nam) hoạt động khá tấp nập. Phần lớn các ô chuồng tại chợ đều có lợn được thương lái đưa từ các nơi về bán, khác hẳn với không khí ảm đạm như hồi tháng 4-5 khi dịch tả lợn châu Phi mới xuất hiện tại địa bàn.
Ban quản lý chợ đã bố trí thêm 2 khu chuồng mới phía bên ngoài để nhốt lợn. Hằng ngày, xe ô tô về xếp hàng dài chờ mua lợn đến từ các tỉnh: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên…
Theo Ban quản lý chợ, mỗi ngày trung bình số lượng lợn được giao dịch tại chợ khoảng 1.500 con, có ngày cao điểm, thương lái thu mua tới 2.000 con, trong khi cách đó 2-3 tháng, chợ chỉ giao dịch khoảng 500 con/ngày. Giá lợn hơi bình quân tại chợ này hiện đạt 46.000 đồng/kg, lợn ngon có giá 48.000 đồng/kg.
Tuy nhiên theo tìm hiểu, lượng lợn đưa ra bán tại chợ chủ yếu đến từ các tỉnh lân cận và từ miền Nam chở ra, lợn nuôi trong dân tại địa phương ngày càng ít đi do hiện nay nhiều hộ chưa dám chăn nuôi trở lại, thậm chí nhiều hộ đã bỏ nghề vì bị thiệt hại quá lớn bởi dịch tả lợn châu Phi.
Dự báo giá heo hơi thời gian tới sẽ tiếp tục tăng do nguồn cung ngày càng giảm. Ảnh: I.T
Công ty nghiên cứu thị trường Ipsos Business Consulting ước tính, Việt Nam có thể thiếu hụt 500.000 tấn thịt heo (tương đương ~20% tổng nhu cầu thị trường) trước Tết Nguyên đán do nguồn cung chưa hồi phục, khả năng tái đàn của người chăn nuôi thấp, trong khi nhu cầu tiêu thụ quy mô lớn tăng trở lại (các trường học bắt đầu năm học mới từ tháng 9 và dịp Tết Nguyên đán cuối tháng 01/2020).
Một thông tin đáng chú ý là trong báo cáo đánh giá diễn biến giá lợn hơi và mức độ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp chăn nuôi đang niêm yết trên sàn chứng khoán mới đây, Công ty chứng khoán VNDirect cho rằng, sau một thời gian giá lợn hơi giảm xuống đáy vì thông tin xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, từ tháng 7 giá lợn hơi tại miền Bắc bắt đầu tăng, và xu hướng này sẽ duy trì cho tới đầu năm 2020, nhờ đó các hộ chăn nuôi quy mô lớn và chưa nhiễm bệnh sẽ được hưởng lợi.
Theo phân tích của VNDIRECT, trong số các doanh nghiệp chăn nuôi niêm yết, Tập đoàn Dabaco Việt Nam (DBC) chịu ảnh hưởng từ biến động giá lợn hơi nhiều nhất do 30% doanh thu năm 2018 của công ty này đến từ phân khúc lợn giống và lợn thịt.
Đó là chưa kể phần doanh thu của Dabaco từ thức ăn chăn nuôi cho lợn, với sản lượng cho lợn chiếm trên 50% tổng sản lượng thức ăn chăn nuôi cả năm.
Sở dĩ có nhận định này là do phần lớn trang trại lớn của DBC nằm ở các tỉnh phía Bắc (Bắc Ninh, Hà Tĩnh, Tuyên Quang...) - là khu vực dịch tả lợn bùng phát sớm hơn và hiện tại số lượng các ổ dịch mới đã giảm. Trong khi đó, giá lợn hơi ở miền Bắc đã hồi phục nhanh hơn ở miền Nam, hiện đang đạt trung bình 46.000 - 48.000 đồng/kg.
Trong khi đó, tỷ trọng doanh thu từ mảng chăn nuôi trong doanh thu thuần các công ty khác như Vilico (VLC), Hòa Phát (HPG) chỉ ở mức thấp, tương ứng 2,0% và 8,2%. Với Masan Meatlife (MML), công ty mới tham gia thị trường chăn nuôi và chế biến thịt kể từ năm 2018 nên mảng này chưa có đóng góp nhiều vào kết quả kinh doanh của đơn vị.
Trung Quốc dự tính mua 100.000 tấn thịt lợn Mỹ
Hãng tin Bloomberg mới đây thông tin doanh nghiệp Trung Quốc đang lên kế hoạch nhập một khối lượng lớn thịt lợn Mỹ. Một phần trong số này nhằm bù đắp thiếu hụt cho người dân và một phần để bổ sung vào kho đông lạnh chiến lược quốc gia.
Cụ thể, theo nguồn tin của Bloomberg, doanh nghiệp Trung Quốc đang tham khảo giá thịt lợn của các nhà xuất khẩu Mỹ, gồm Smithfield Foods và Tyson Foods. Khối lượng giao dịch chưa được chốt, nhưng có thể vào khoảng 100.000 tấn.
Thịt lợn là nguyên liệu chính trong chế độ ăn của người Trung Quốc. Trung bình mỗi người tiêu thụ 54,4 kg/năm. Sản lượng tiêu thụ thịt lợn ở Trung Quốc chiếm tới một nửa của thế giới. Điều đó có nghĩa, việc khan hiếm thịt lợn do dịch tả lợn châu Phi đang gây ra có ảnh hưởng không nhỏ tới sự ổn định xã hội.
Mới đây, ít nhất 4 tỉnh thành ở Trung Quốc đã phải xả kho dự trữ thịt lợn đông lạnh để ổn định thị trường, đặc biệt trong thời điểm tiêu thụ tăng mạnh trong ngày lễ kỷ niệm 70 năm Quốc khánh Trung Quốc đầu tháng tới.
Một số địa phương, thậm chí đã áp dụng phát hành tem phiếu chiết khấu để hỗ trợ người dân trong bối cảnh giá thịt leo thang, có nơi đã lên tới hơn 30 nhân dân tệ/kg (tương đương hơn 100.000 đồng/kg).
Trung Quốc đã công bố nhiều biện pháp khuyến khích người chăn nuôi và nhà sản xuất gia tăng đàn heo sau khi bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch tả lợn châu Phi. Các biện pháp bao gồm trợ cấp cho các trang trại và các gia đình do giá thịt lợn tăng cao.
Theo số liệu từ Agromonitor, tính đến ngày 15/9, giá lợn hơi ở mức trung bình 45.000 – 50.000 đồng/kg miền Bắc (tăng 60% so với thấp nhất trong tháng 5) và 36.000 – 45.000 đồng/kg ở miền Nam (tăng 42% từ tháng 5).
Nguyên nhân do nguồn cung sụt giảm mạnh với việc 4,5 triệu con lợn (10 – 12% nguồn cung) đã bị tiêu hủy cho tới cuối tháng 8 trong khi người dân vẫn còn do dự về việc tái đàn.
Sản lượng lợn tại Việt Nam cả năm 2019 được dự báo có thể giảm 15 – 19% so với cùng kỳ và giá có thể tiếp tục tăng khi nhu cầu thịt lợn tăng dần về cuối năm.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.