Đưa cam sành Hà Giang về Thủ đô
Giám đốc Trung tâm Trợ giúp nông dân Hà Nội Tô Hải Long cho biết, đây là phiên giao dịch nông sản an toàn thứ 2 của năm 2019. Thông qua các phiên giao dịch, nông dân và doanh nghiệp có cơ hội kết nối cung ứng, tiêu thụ nông sản, góp phần chung tay đưa nông sản an toàn tới tay người tiêu dùng Thủ đô.
Người tiêu dùng chọn mua sản phẩm tại Phiên giao dịch, giới thiệu nông sản an toàn. Ảnh: Thu Hà
Theo ông Long, điểm khác biệt của phiên giao dịch lần này là ngoài việc quảng bá, giới thiệu tới người tiêu dùng gần 30 loại nông sản an toàn tiêu biểu của nhiều địa phương trên địa bàn thành phố thì Trung tâm Trợ giúp nông dân Hà Nội còn phối hợp Hội ND huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang giới thiệu, tiêu thụ hơn 4 tấn cam sành VietGAP cho các thành viên của Tổ sản xuất cam VietGAP thôn Sơn Lam, xã Hương Sơn.
Tất bật đóng gói, bán cam cho khách, ông Nguyễn Đức Nghĩa - Phó Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp xã Hương Sơn, Tổ trưởng Tổ sản xuất cam VietGAP thôn Sơn Nam cho biết: “Cam sành là cây ăn quả đặc sản của Hà Giang được trồng tập trung tại 3 huyện Bắc Quang, Quang Bình và vị Xuyên. Nhằm không ngừng nâng cao năng suất, giá trị của thứ quả “đặc sản” - cam sành, 45 hộ trồng cam ở thôn Sơn Nam, xã Hương Sơn, huyện Quang Bình đã liên kết trồng hơn 180ha cam theo quy trình VietGAP. Tham gia tổ sản xuất, các hộ dân được cán bộ khuyến nông hướng dẫn chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho cây cam theo đúng quy trình kỹ thuật tiêu chuẩn VietGAP. Tháng 12.2016, sản phẩm của tổ sản xuất đã được cấp chứng nhận VietGAP. Hiện, sản phẩm cam của tổ sản xuất đưa ra thị trường có mẫu mã đẹp, đồng đều, được đóng thùng 10kg, có địa chỉ, mã vạch rõ ràng”.
Ông Nghĩa cho hay, trong niên vụ cam 2018 - 2019, cam sành Hà Giang được mùa nhưng giá giảm và tiêu thụ chậm. Hiện các thành viên trong Tổ sản xuất cam VietGAP thôn Sơn Nam, xã Hương Sơn đã tiêu thụ được khoảng 70% sản lượng cam sành; còn 30% sản lượng cam (khoảng 800 tấn) chưa tiêu thụ được.
“Mặc dù, các ngành chức năng của tỉnh đã làm tốt công tác quảng bá và xúc tiến thương mại đối với sản phẩm cam sành nhưng cam sành năm nay vẫn tiêu thụ chậm và giảm giá. Ngoài các nguyên nhân chủ quan thì cam sành Hà Giang được mùa với sản lượng lớn nhất từ trước đến nay nhưng cam Hòa Bình, cam Vinh, cam Hàm Yên (Tuyên Quang)… cũng được mùa nên nguồn cung vượt quá nhu cầu tiêu dùng của người dân tại các tỉnh, thành” - ông Nghĩa cho biết.
Đánh giá cao việc hoạt động phối hợp của Trung tâm Trợ giúp nông dân Hà Nội và Hội ND huyện Quang Bình, ông Nghĩa khẳng định: “Đây là lần đầu tiên, Tổ sản xuất cam VietGAP thôn Sơn Nam tham gia phiên giao dịch của Trung tâm Trợ giúp nông dân Hà Nội. Qua phiên giao dịch, chúng tôi có cơ hội giới thiệu quy trình trồng, quảng bá sản phẩm cam Hà Giang đến trực tiếp người tiêu dùng Thủ đô. Tôi cũng mong muốn sau phiên giao dịch sẽ kết nối được nhiều với các doanh nghiệp nhằm ký kết tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên trong tổ”.
Đây là lần đầu tiên Tổ sản xuất cam VietGAP thôn Sơn Nam tham gia phiên giao dịch của Trung tâm Trợ giúp nông dân Hà Nội. Qua phiên giao dịch, chúng tôi có cơ hội giới thiệu quy trình trồng, quảng bá sản phẩm cam Hà Giang đến trực tiếp người tiêu dùng Thủ đô”.
ông Nguyễn Đức Nghĩa
|
Đẩy mạnh hỗ trợ tiêu thụ nông sản
Được biết, đây là một trong những hoạt động trọng tâm của Trung tâm trợ giúp nông dân Hà Nội được duy trì từ năm 2015 nhằm tăng cường quảng bá cho các sản phẩm nông sản an toàn, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Từ đó xây dựng thành thương hiệu mạnh cho các sản phẩm do Hội ND làm chủ nhãn hiệu, góp phần nâng cao giá trị cũng như chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm của nông sản Thủ đô.
“Năm 2018, bằng việc tổ chức 8 phiên giao dịch, chúng tôi đã kết nối giúp nông dân tiêu thụ hơn 10 tấn nông sản các loại. Đặc biệt, tổ chức giới thiệu, kết nối với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp kịp thời tiêu thụ cho nông dân gần 10 tấn củ cải, hơn 20 tấn thịt lợn trong đợt giải cứu nông sản. Nối tiếp thành công của năm 2018, năm nay, Trung tâm phấn đấu đạt mục tiêu tổ chức được 12 phiên (1 phiên/tháng) nhằm giới thiệu được nhiều sản phẩm hơn với người tiêu dùng” - ông Tô Hải Long cho hay.
Theo Phó Chủ tịch Hội ND TP.Hà Nội Lê Ngọc Thắng, mới đây, Hội ND TP.Hà Nội tổ chức ký kết chương trình phối hợp giữa Hội ND TP.Hà Nội với Hội ND các tỉnh, thành giai đoạn 2019 - 2023. Theo chương trình phối hợp, Hội ND Hà Nội và Hội ND 18 tỉnh, thành sẽ đẩy mạnh phối hợp, giới thiệu liên kết sản xuất, kết nối tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Với sự tham gia luân phiên của Hội ND các huyện trên địa bàn thành phố và Hội ND 18 tỉnh, thành trên cả nước, phiên giao dịch đã và đang trở thành kênh quảng bá hiệu quả giúp các sản phẩm của nông dân được thị trường biết đến rộng rãi và đón nhận tích cực.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.