Tàu 67 hỏng máy “cột chân” ngư dân…
Sau khi TAND TP Tam Kỳ, Quảng Nam tuyên án phần thắng thộc về ngư dân Trần Văn Liên, chúng tôi trở lại làng biển Chan Chu (xã Bình Minh, huyện Thăng Bình) giữa mênh mông cát trắng với cái khung cảnh vắng vẻ. Trong làng, dường như chỉ còn lại những người phụ nữ và trẻ em, còn đàn ông trai tráng đã vươn khơi bám biển sau những ngày nghỉ trăng. Đó là niềm vui của các ngư dân khi được trở lại biển khơi, còn đối với lão ngư Trần Văn Liên (55 tuổi, trú xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) dù thắng kiện doanh nghiệp đóng tàu, nhưng trong tâm ông vẫn đang ôm một nỗi buồn tê tái khi 3 năm ròng rã bám víu theo chiếc tàu sắt được đóng theo NĐ 67 hỏng máy nằm bờ. Đây cũng là ngư dân đầu tiên của cả nước khởi kiện doanh nghiệp đóng tàu theo NĐ 67 ra tòa để đòi công lý.
Chiếc tàu sắt nằm bờ 2 năm do hỏng máy đến nay vẫn chưa được vươn khơi bám biển
Đây là chiếc tàu hy vọng lớn nhất của cuộc đời tôi và cả gia đình, nhưng niềm hy vọng đó đã bị “giam cầm” khi chiếc tàu vừa hạ thủy xuống chạy thử mới được một đoạn đã hư hỏng máy, thế là 3 năm nay tôi bị chùn chân mãi mãi ở nhà. Trong khi đó, hai bên liên quan là công ty đóng tàu Bảo Duy và Liên Á đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Để đòi lại công lý cho “ngôi nhà biển khơi”, tôi đã kiện ra tòa án, nhưng qua hai lần xét xử đã bị hoãn. Tàu thì hư hỏng, biển thì không đi được, chừ chỉ có cách bám theo vụ kiện đến cùng thôi…” - ngư dân Liên đau xót.
Gần 3 năm bị chùn chân ở nhà do tàu hỏng máy, ngư dân Liên phải đi làm thuê kiếm thêm thu nhập
Bà Nguyễn Thị Tám (54 tuổi) vợ của ngư dân Trần Văn Liên chia sẻ: Ở đây, người dân đa số làm nghề biển, gia đình tôi gần 30 năm theo nghề biển, lúc trước gia đình có một chiếc tàu gỗ, hằng năm giải quyết hơn 5 lao động địa phương, nhưng do chạy theo đóng tàu 67, nên anh Liên đã quyết định bán đi chiếc tàu gỗ để thêm nguồn vốn vào đóng tàu sắt lớn hơn.
“Khi anh Liên quyết định, gia đình ai cũng vui mừng và động viên chồng cố gắng, nhưng niềm vui đó dường như bị dập tắt khi chiếc tàu sắt đã bị hỏng máy 2 năm qua. Cũng từ đó anh Liên không vươn khơi bám biển được. Mình thân phụ nữ chỉ biết giúp việc gia đình và làm thuê hằng ngày ở thôn, xóm kiếm thêm thu nhập phụ giúp chồng, con. Thấy anh Liên 3 năm nay ở nhà, hằng ngày ảnh cứ dạo ra biển hướng mắt về biển khơi với ước vọng được vươn khơi để sớm quên đi nỗi nhớ biển, nhớ tàu. Tôi chỉ mong rằng, tàu sớm được thay máy mới để còn vươn khơi bám biển, trả nợ…” - bà Tám tâm sự.
“Ngư dân mà không được…vươn khơi”!
Ngày 30.8, TAND TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam đã đưa ra xét xử sơ thẩm vụ kiện của ngư dân Trần Văn Liên (trú xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) khởi kiện hai doanh nghiệp gồm: Công ty CP đóng tàu Bảo Duy (đơn vị đóng tàu) và Công ty CP Tập đoàn Liên Á (đơn vị bán máy). Và HĐXX đã tuyên phần thắng cuộc thuộc về ngư dân Trần Văn Liên và buộc Cty Bảo Duy bồi thường số tiền 2,8 tỷ đồng để mua lại máy mới lắp vào tàu.
|
Khi chiếc tàu bị hỏng máy, cả hai đơn vị đóng tàu Bảo Duy và Liên Á cố gắng giúp ngư dân Liên khắc phục sự cố để sớm bàn giao tàu. Nhưng khi tháo máy ra sửa, máy không phải bị bể lốc số mà lại bể lốc máy. Thế là hai bên lại “đùn đẩy” trách nhiệm cho nhau, cũng từ đó ngư dân Trần Văn Liên quyết kiện hai doanh nghiệp này ra TAND TP Tam Kỳ để đòi quyền lợi lại cho “cột mốc chủ quyền”. Qua nhiều lần giải quyết, kể cả các ngành chức năng của tỉnh Quảng Nam, HND tỉnh, rồi vụ việc cũng được đưa ra xét xử và công lý đã đứng về phía lão ngư Liên.
Hơn 700 ngày đi đòi công lý cho tàu 67, cuối cùng tòa án đã tuyên phần thắng thuộc về ngư dân Liên
Lão ngư Trần Văn Liên cho biết thêm: Từ khi chiếc tàu sắt hỏng máy nằm bờ, đến nay gia đình ông phải chạy vạy khắp nơi vay số tiền hơn 1 tỷ đồng để trả tiền công cho 10 người bạn mà ông đã hợp đồng khi chiếc tàu sắt vừa hạ thủy. Mỗi tháng ông tốn tầm 60 triệu đồng trả công, hợp đồng kéo dài cả năm trời đã tiêu tốn của gia đình ông khoảng 600 triệu đồng. Chưa kể đến ngư lưới cụ đã làm sẵn chỉ biết đắp chiếu chờ đợi tàu được khắc phục. Còn đối với ông, một lão ngư có thâm niên trong nghề bám biển Hoàng Sa, Trường Sa lại đi làm thuê cho tàu bạn, những lúc rảnh rỗi lại đi vá lưới thuê kiếm thêm thu nhập nuôi vợ, nuôi con…
“Gần 30 năm vươn khơi bám biển, nhưng chưa bao giờ tôi lại bị chùn chân ở nhà gần 3 năm nay. Đã là ngư dân mà không được vươn khơi, nỗi nhớ biển da diết, nhưng không biết chừng nào mới có tàu để vươn khơi trở lại, ước mơ đó chỉ còn chờ vào công lý phán xét về số phận chiếc tàu sắt thuộc lỗi của ai…” - Lão ngư Liên tâm sự đầy nước mắt.
Lão ngư Trần Văn Liên đau đáu nhớ biển sau 3 năm không được vươn khơi do tàu hỏng máy
Oong Ngô Tấn - Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam cho biết “Trước việc này, UBND tỉnh, Sở NN&PTNT tỉnh cùng Ngân hàng BIDV hỗ trợ pháp lý và Đoàn luật sư Quảng Nam đưa sự việc hỏng hóc máy thủy chính đẩy tàu giúp ngư dân Trần Văn Liên kiện ra tòa.
Sở NN tỉnh Quảng Nam cũng đã kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước khoanh khoản nợ vay, đối với trường hợp ngư dân Trần Văn Liên đã vay tại Ngân hàng BIDV Quảng Nam để đóng mới tàu cá vỏ thép, trong quá trình đóng mới bị sự cố máy thủy hỏng hóc, các bên không đứng ra chịu trách nhiệm, ông Liên kiện ra tòa với số tiền hơn 7,5 tỷ đồng từ tháng 3.2016 cho đến khi tòa xử lý cuối cùng và máy mới được lắp đặt lại trên tàu ông Liên…”.
Hàng chục hợp đồng lao động của lão ngư Liên với lao động còn hiệu lực mà không có tàu để vươn khơi bám biển
Không chỉ có ngư dân Trần Văn Liên bị “cầm chân” ở nhà 3 năm, mà nhiều chiếc tàu sắt thuộc NĐ 67 ở khu vực miền Trung cùng chung số phận, đó là hư hỏng. Và làm sao để nâng bước ngư dân bám biển đã được các Bộ, ngành Trung ương giải đáp tại Hội thảo “Sửa đội Nghị định 67 - Những vấn đề cần đặt ra” do Bộ NN&PTNT, Trung ương HND Việt Nam và Báo NTNN phối hợp tổ chức. Đây là hội thảo đã làm cầu nối để giúp ngư dân Liên nói riêng và các ngư dân khác nói chung sớm được vươn khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền thiêng liên của Tổ quốc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.