Ngư dân Bình Định sát vai nhau khai thác, bảo vệ ngư trường trên biển. Ảnh: D.T
Ra ngư trường như ở nhà
Ông Bùi Thanh Ninh (trú xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn) quản lý đội tàu mang tên Sáu Ninh 16 chiếc với tổng công suất 8.000CV, chủ yếu hành nghề lưới vây và đánh bắt cá ngừ đại dương tại: Hoàng Sa, Trường Sa. Hiện tại, 14 tàu vào bờ, còn lại 2 tàu đang đánh bắt trên biển.
Trước thông tin khoảng 18.000 tàu cá Trung Quốc dự kiến sẽ từ tỉnh Hải Nam tràn xuống biển Đông, ông Ninh bảo: “Việc Trung Quốc cấm biển, rồi tàu rượt đuổi chúng tôi quá quen rồi. Chẳng việc gì phải sợ cả, vì phía sau ngư dân còn có lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư, cứu hộ,… chúng tôi không đơn độc. Ngư dân chúng tôi ra khơi đánh bắt tại ngư trường truyền thống thuộc lãnh thổ của Việt Nam, khai thác đúng với luật pháp thì chẳng sợ ai”.
Đội tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân Bình Định rất hùng hậu. Ảnh: D.T
Để quản lý đội tàu trên biển, ông Ninh trang bị bản đồ, theo dõi và điều hành qua Internet, máy Icom, radio,… kết nối trực tiếp với từng thuyền trưởng trên 16 tàu đang hoạt động ngoài khơi. Khi có sự cố, các thuyền trưởng báo ngay về bờ, ông chủ động nhờ cơ quan chức năng hỗ trợ.
“Năm 2015, trong đội tàu của tôi, thuyền trưởng Nguyễn Sinh (trú xã Tam Quan Bắc, Hoài Nhơn) điều khiển tàu cá BĐ 96617 TS cùng 13 ngư dân trên tàu đã bị tàu sắt nước ngoài tấn công gây hư hỏng nặng. Dù các thuyền viên hô to và ra hiệu tàu đang đánh bắt trên vùng biển Việt Nam nhưng tàu kia vẫn không ngừng đâm va. Tôi yêu cầu thuyền trưởng Sinh trấn an tinh thần các thuyền viên trên tàu, và sau đó báo với cơ quan chức năng yêu cầu hỗ trợ. Tàu BĐ 96617 TS đã cập bến an toàn và sau sửa chữa lại tiếp tục vươn khơi, chẳng ai tỏ ra sợ hãi” - ông Ninh nhớ lại.
Với kinh nghiệm đi biển của mình, ông Ninh chia sẻ: “Chuyện tàu bị phía tàu Trung Quốc rượt đuổi, quấy phá thì thường xuyên nhưng ngư dân vẫn ra khơi. Đơn giản ngư trường đối với chúng tôi nhà, mà đã là ngôi nhà thì chúng ta phải bảo vệ, giữ lấy”.
Phía sau ngư dân còn có lực lượng bảo vệ!
Tại xã Hoài Hương (huyện Hoài Nhơn), cũng giống như bao ngư dân khác, ông Nguyễn Văn Việt - Chủ tàu BĐ 91189 TS, 900 CV, đã nghe được thông tin khoảng 18.000 tàu cá Trung Quốc dự kiến sẽ tràn xuống biển Đông trong thời gian tới. Tuy nhiên, ngư dân này không hề tỏ ra nao núng.
Theo ông Việt, tàu ông chuyên đánh bắt bằng nghề câu cá ngừ đại dương và lưới chụp tại ngư trường Trường Sa. Chuyến vừa rồi có thu nhập khoảng 300 triệu đồng, chia đều cho 6 thuyền viên.
Mỗi chuyến biển, ngư dân mang về rất nhiều "lộc", cải thiện được kinh tế gia đình. Ảnh: D.T
“Thực tế, nếu 18.000 tàu Trung Quốc tràn xuống biển Đông sẽ khiến ngư dân gặp khó khăn trong đánh bắt. Tuy nhiên, ngư dân luôn tin rằng, trong cuộc mưu sinh này, chúng tôi không đơn độc vì còn có lực lượng bảo vệ. Bên cạnh đó, tàu tôi đã được bố trí các thiết bị nhận dạng tàu, máy Icom, bộ đàm,… đầy đủ hết nên chúng tôi rất yên tâm. Nếu họ có ý đồ xấu với chúng tôi, thì ngư dân sẽ có bằng chứng để tố cáo, buộc tội. Vì thế, chẳng có gì ngăn cản nổi ngư dân đâu” - ông Việt chia sẻ.
Đưa sản phẩm vào bờ sau chuyến đi biển dài ngày. Ảnh: D.T
Trưa nay (5.9), trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Võ Thiên Lăng - Phó Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam cho rằng: “Hành vi quấy phá của Trung Quốc trên biển càng ngày càng trắng trợn, hằng năm họ dùng lực lượng ngăn cản hoạt động khai thác của ngư dân trên ngay ngư trường của Việt Nam. Hiện ở trên biển, các lực lượng chấp pháp, bảo vệ trên vùng biển của nước ta như kiểm ngư, cảnh sát biển… luôn sẵn sàng hỗ trợ, nên ngư dân cứ yên tâm đi khai thác, để phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền biển, đảo”.
Theo ông Lăng, nếu chẳng may gặp sự cố trên biển, ngư dân cần phải báo ngay cho lực lượng chức năng để ứng cứu kịp thời.
“Không có vấn đề gì ghê gớm mà ngư dân phải sợ cả, vì bên cạnh ngư dân vẫn có lực lượng bảo vệ. Thời gian qua, Trung ương Hội nghề cá Việt Nam thông qua Bộ Ngoại giao đã kịch liệt phản đối hành động Trung Quốc xâm phạm vùng biển nước ta, gây ảnh hưởng đến việc khai thác của ngư dân” - ông Lăng cho hay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.