Ngư dân yêu cầu bồi thường thiệt hại nằm bờ do tàu thép “67” hỏng

Dũ Tuấn Thứ năm, ngày 26/10/2017 15:35 PM (GMT+7)
Ngày 30.10 là hạn cuối cùng để doanh nghiệp đóng tàu hoàn thành khắc phục sự cố tàu 67 hư hỏng cho ngư dân Bình Định. Thế nhưng, đến nay nhiều tàu vẫn chưa được sửa chữa xong. Trong khi đó, ngư dân đang hết sức lo lắng tổn thất tiền tỷ do nằm bờ.
Bình luận 0

Khốn đốn vì tàu hư hỏng

Nhiều tháng nay, tàu vỏ thép BĐ 99567 TS của ngư dân Nguyễn Văn Mạnh (huyện Phù Mỹ, Bình Định) bị hư hỏng, vẫn chưa được khắc phục xong.

Ông Mạnh cho biết: “Hiện, tàu tôi đang được sửa chữa tại cơ sở đóng tàu Tam Quan (huyện Hoài Nhơn) nhưng mới chỉ sơn được một nước. Tôi yêu cầu đơn vị đóng tàu là Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định) phải đứng ra bồi thường thiệt hại trong thời gian tàu nằm bờ, vì đây là lỗi của đơn vị đóng tàu. Tôi đã làm đơn yêu cầu bồi thường và đang chờ phía doanh nghiệp, cơ quan chức năng mời lên làm việc”.

img

Nhiều tàu "67" đang trong quá trình khắc phục sự cố. Ảnh: D.T

Nhắc đến chuyện trở lại ngư trường, ông Mạnh nói: “Tôi tên Mạnh, con trai tôi là thuyền trưởng tên Khỏe. Cái tên này có hàm ý mong muôn sức khỏe tốt đẹp đối với người đi biển. Thế nhưng từ khi nhận con tàu hư hỏng thì cả cha và con đều không còn mạnh khỏe như cái tên vốn có” .

Để sở hữu con tàu này, ông Mạnh phải vay ngân hàng hơn 15 tỷ đồng. Thế nhưng, sau khi nhận bàn giao được một thời gian thì liên tiếp xảy ra sự cố, hư hỏng.

“Thú thật, bản thân tôi mệt mỏi quá rồi, viễn cảnh tù tội do không trả được nợ cứ quanh quẫn trong đầu. Cả đời đi biển, đối mặt với sóng dữ, tôi chẳng ngán. Nhưng giờ tàu hỏng, ngư dân nằm bờ trong khi còn quá nhiều nỗi lo”, ông Mạnh buồn bã nói.

Cùng chung cảnh ngộ, ngư dân Mai Văn Chương - Chủ tàu cá vỏ thép BĐ 99179 TS (trú xã Cát Khánh, huyện Phù Cát) cho biết: “Tôi đã đồng ý giữ lại thép Trung Quốc và yêu cầu Công ty TNHH Đại Nguyên Dương tính toán phần chênh lệch giữa thép Hàn Quốc và thép Trung Quốc, đền bù cho ngư dân nhưng đến lúc này vẫn chưa thấy. Họ hứa đúng ngày 30.10 này, tàu sẽ hoàn thành nhưng đến nay tàu tôi mới chỉ sơn được lớp thứ 2, tôi sợ không kịp thời hạn”.

Theo ông Chương, tổng thiệt hại từ khi nằm bờ đến nay đã gần 2 tỷ đồng. Tàu hư hỏng khiến cuộc sống gia đình ông đảo lộn. Nhiều tháng nay, ông phải lặn lội từ Phù Cát ra Hoài Nhơn để canh tàu, theo dõi doanh nghiệp sửa chữa.

“Trong quá trình sửa chữa, phát sinh rất nhiều vấn đề lo ngại đến chất lượng con tàu nhưng giờ lâm vào nước đường cùng rồi nên chúng tôi đành chịu. Chờ sửa chữa xong, ra khơi chạy thử thì mới biết được chất lượng con tàu ổn không, giờ vẫn còn nhiều nỗi lo lắm”, ông Chương than vãn.

img

Ngư dân Đinh Công Khánh: "Tổn thất nằm bờ của gia đình tôi lên đến gần 3 tỷ đồng". Ảnh: D.T

Yêu cầu bồi thường

Hơn 5 tháng nay, ngư dân Đinh Công Khánh (trú xã Cát Khánh, huyện Phù Cát) - Chủ tàu BĐ 99086 TS (đóng tại Công ty TNHH MTV Nam Triệu) vẫn bị chôn chân vì tàu hư hỏng.

Ông Khánh kể: “Trước khi đóng tàu vỏ thép, gia đình tôi nương nhờ vào chiếc tàu vỏ gỗ mỗi tháng kiếm khoảng 80 triệu cho đến vài trăm triệu. Từ năm 2015, tôi vay hơn 18 tỷ đồng đóng tàu 67 nhưng vừa đóng xong đi chuyến biển đầu tiên đã bị hư hỏng, liên tiếp lỗ đến 600 triệu đồng”.

Để chữa bệnh cho tàu, ngư dân Khánh phải “bấm bụng” bán con tàu vỏ gỗ với giá 1,5 tỷ đồng, tàu thu mua hải sản gần 1 tỷ đồng nhưng không đủ. Bệnh tàu vẫn chưa chữa được, trong khi đó gia đình ông Khánh lâm cảnh trắng tay, nợ nần.

“Ngân hàng cứ liên tục đòi nợ nhưng chúng tôi đành chịu vì lỗi này là do doanh nghiệp đóng tàu. Máy tàu không chính hãng khiến hư hỏng nên ngư dân phải chịu khổ. Tàu tôi hiện tại đang được doanh nghiệp sửa chữa ở Cam Ranh nhưng vẫn chưa xong. Tổng thiệt hại nằm bờ gần 3 tỷ đồng nhưng phía Công ty đóng tàu chưa nói gì. Tôi sẽ làm đơn gởi ra Trung ương, nhờ can thiệp giải quyết cho ngư dân”, ông Khánh chia sẻ.

Đến thời điểm này, ngư dân Lê Văn Thãi - Chủ tàu vỏ thép BĐ 99016 TS (đóng tại Công ty TNHH MTV Nam Triệu) vẫn đang chạy đôn chạy đáo, yêu cầu doanh nghiệp nhanh chóng sửa chữa tàu đúng thời hạn (ngày 30.10).

Ông Thãi cho biết: “Tàu đã được đưa vào Cam Ranh chờ sửa chữa nhưng hiện tại Công ty chưa có máy nên chưa thể lên đà. Cứ tình trạng này, tôi sợ đến năm 2018 mới hoàn thành việc sửa chữa. Tổng thiệt hại của gia đình tôi đã lên đến 2,8 tỷ đồng, đây là số tiền bắt buộc Công ty phải bồi thường cho chúng tôi”.

img

Nhiều ngư dân Bình Định có tàu 67 hư hỏng đối mặt với số nợ lên đến hàng chục tỷ đồng. Ảnh: D.T

Trao đổi với Dân Việt, ông Bùi Hữu Hùng - Phó Tổng giám đốc công ty TNHH MTV Nam Triệu cho biết, trong tổng số 15 tàu 67 hư hỏng đến nay Công ty đã hoàn thành việc sửa chữa và hạ thủy được 8 tàu. Còn lại 7 tàu đang được Công ty dốc sức sửa chữa và đến ngày 30.10 phải hoàn thành để ngư dân vươn khơi.

“Riêng việc đền bù tổn thất ngư dân nằm bờ, đến lúc này Công ty vẫn chưa có phương án cụ thể. Chúng tôi đang tập trung khắc phục, sửa chữa tàu cho dứt điểm nên việc đền bù sẽ chờ báo cáo sau”, ông Hùng cho hay.

Trong khi đó, tại các cuộc họp giải quyết tình trạng tàu 67 hư hỏng, ông Trần Châu - Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định liên tục đưa ra quan điểm yêu cầu 2 doanh nghiệp đóng tàu là Đại Nguyên Dương và Nam Triệu cần nhanh chóng khắc phục sự cố và đền bù thiệt hại, tổn thất cho ngư dân nằm bờ. Đồng thời, kiến nghị Bộ Công an vào cuộc và sớm có kết quả điều tra, xử lý sai phạm để lấy lại niềm tin cho ngư dân.

“Ngư dân yêu cầu trả lại kinh phí trong thời gian nằm bờ để đảm bảo thu nhập cho họ. Lỗi này là của doanh nghiệp đóng tàu, chứ không phải do ngư dân hoặc thiên tai. Vì vậy, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm”, ông Châu yêu cầu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem