Thủy sản - "cứu cánh" cho tăng trưởng nông nghiệp

Ths. Phạm Thị Oanh - Trường Cao đẳng Kinh tế - kỹ thuật thương mại Thứ ba, ngày 09/07/2019 13:18 PM (GMT+7)
Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, bên cạnh lâm sản, thủy sản sẽ là khu vực "bệ đỡ" cho mục tiêu tăng trưởng cũng như mục tiêu xuất khẩu (XK) toàn ngành nông nghiệp nửa cuối năm 2019.
Bình luận 0

Gặp khó thị trường, vẫn bứt phá

Theo thống kê của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), giá trị XK thủy sản tháng 6/2019 ước đạt 794 triệu USD, đưa giá trị XK thủy sản 6 tháng đầu năm 2019 ước đạt gần 4 tỷ USD, tăng 0,3% so với cùng kỳ năm 2018.

Trong bối cảnh nhu cầu nhập khẩu của các thị trường lớn như Nhật Bản, EU và Mỹ không có nhiều dấu hiệu tích cực thì con số 4 tỷ USD đã thể hiện nỗ lực lớn của ngành thủy sản. Ông Như Văn Cẩn - Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản) nêu quan điểm, nửa đầu năm, ngành tôm Việt đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ, đặc biệt về giá cả.

Điều này xuất phát từ câu chuyện trong nửa đầu năm, giá thức ăn cho tôm tăng tới 2 lần. Bên cạnh đó, giá điện được điều chỉnh tăng từ cuối tháng 3 cũng tác động tới chi phí sản xuất. Thực tế, chi phí sản xuất tôm đã tăng tới 4.000 đồng/kg. Ngoài ra, nuôi tôm vẫn chủ yếu quy mô hộ nhỏ lẻ, hệ thống liên kết chuỗi chưa tốt như cá tra, khi biến động thị trường xảy ra dễ gây bất lợi cho người sản xuất.

img

Xuất khẩu thủy sản đạt con số ấn tượng trong 6 tháng đầu năm 2019.   Ảnh:  Phạm Thị Oanh

“Thời gian tới, dự báo vẫn thấy khả năng tốt với ngành tôm khi những tháng cuối năm đã qua mùa tôm chính của thị trường đối thủ là Ấn Độ. Tuy nhiên, điểm mấu chốt nhất là toàn ngành phải nỗ lực tập trung nâng cao chất lượng, giảm giá thành sản phẩm. Điều này cần sự vào cuộc của nhiều bộ, ngành, các cấp” - ông Cẩn nói.

Với mặt hàng cá tra, ông Cẩn phân tích, các hệ thống rào cản thương mại đã được dựng lên khá nhiều, điển hình là từ thị trường lớn Mỹ. Bài toán đặt ra với cá tra Việt là phải đổi mới liên tục, nỗ lực mới đảm bảo được sức cạnh tranh trên sân chơi quốc tế minh bạch. Ngoài tôm, cá tra, ông Cẩn cho rằng, nhuyễn thể cũng là mặt hàng có tiềm năng rất lớn, đặc biệt tại các tỉnh ven biển, cần chú trọng hơn phát triển mặt hàng này.

“Trong bối cảnh khó khăn, cần đặc biệt tập trung đẩy mạnh, nhanh hơn ở những ngành hàng đang có dư địa như khai thác, nuôi trồng thủy sản. Mặc dù giá thủy sản thế giới đang không cao, nhưng vẫn còn dư địa để tập trung phát triển” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.

Từ nay đến cuối tháng 10, phải tập trung cao nhất khắc phục 4 khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) để tới đầu tháng 11 Đoàn EC sang ghi nhận Việt Nam là nước có nỗ lực tháo gỡ thẻ vàng.

Ông Nguyễn Ngọc Oai

Nỗ lực gỡ "thẻ vàng"

Tổng cục Thủy sản nhận định, nửa cuối năm 2019 đã xuất hiện một số yếu tố thuận lợi cho XK thủy sản, điển hình như tăng trưởng XK tại một số thị trường sau khi Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực.

Ngoài ra, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) vừa ký kết cũng có tác động mở ra thêm nhiều cơ hội cho thủy sản XK. Gần đây Chính phủ Mỹ đã áp thuế 25% lên các mặt hàng thủy sản từ Trung Quốc, đặc biệt là trong phân khúc các sản phẩm thủy sản chế biến có giá trị gia tăng cao vốn là thế mạnh của nước này. Tuy nhiên, đây sẽ trở thành cơ hội cho các quốc gia khác đẩy mạnh XK thủy sản vào thị trường Mỹ, trong đó có Việt Nam.

Trong khi sản phẩm tôm từ một số công ty của Việt Nam đã được Chính phủ Mỹ gỡ áp thuế chống phá giá, thì sản phẩm cá tra lại bị tăng lên. Do đó, về ngắn hạn, các  doanh  nghiệp  nên  đẩy  mạnh  XK  tôm  sang  thị  trường  này,  tăng cường mở rộng XK cá tra sang các thị trường truyền thống khác như Trung Quốc, EU và ASEAN.

Để đạt được mục tiêu đề ra, Tổng cục Thủy sản sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để tháo gỡ các rào cản thương mại, mở rộng thị trường XK, bao gồm thị trường Mỹ, EU, Trung Đông; tăng cường xúc tiến thương mại quảng bá về các ngành hàng XK chủ lực của Việt Nam; tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong khai thác và bảo quản sản phẩm sau thu hoạch trên tàu cá, đặc biệt là công tác bảo quản sản phẩm thủy sản trên tàu cá, gia tăng giá trị sản phẩm thủy sản XK từ khai thác...

Ông Nguyễn Ngọc Oai -  quyền Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản nhấn mạnh: “Gỡ thẻ vàng cho hải sản XK sang thị trường EU được coi là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng bởi không gỡ thẻ vàng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự ngành thủy sản trên trường quốc tế, đến đời sống của bà con nhân dân”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem