Ngoại tệ chảy ra tiền tỷ để đổi lại những gì từ thị trường Trung Quốc? Xin thưa phần lớn đó là đồ chơi trẻ em, quần áo, giày dép, giỏ xách, thậm chí là rau củ quả. Những mặt hàng nho nhỏ này tràn vào thị trường VN, đổ đến tận “thôn cùng xóm vắng”, nơi đâu cũng tràn ngập hàng Trung Quốc.
Mỗi đơn vị hàng trị giá chỉ vài chục ngàn đồng, nhưng hàng tỷ món hàng như vậy, tiền chảy qua biên giới mỗi năm là con số khổng lồ. Không như vậy thì làm sao nhập siêu từ thị trường trung Quốc lên đến 12,7 tỷ USD?
Chúng ta có một lực lượng giáo sư, tiến sĩ hùng hậu bậc nhất khu vực. Vậy thì các kỹ sư, giáo sư, tiến sĩ thuộc lĩnh vực kỹ thuật của VN đi đâu, làm gì mà để ngành sản xuất trong nước ra nông nỗi này? Chẳng lẽ các nhà khoa học và cộng đồng doanh nghiệp trong nước không thể sản xuất được đồ chơi trẻ em, chiếc quạt máy, chiếc giỏ xách, đồ gia dụng có chất lượng và giá thành cạnh tranh được với hàng Trung Quốc?
Một nền sản xuất quá yếu, không làm nổi ngay cả những mặt hàng đơn giản như vậy thì đất nước không thể giàu mạnh và có một nền kinh tế phát triển.
Nền sản xuất không mạnh là một yếu tố, nhưng hành vi tiêu dùng của người dân là yếu tố quyết định cho sự sống còn của nền sản xuất quốc gia. Công dân VN đi mua sắm, nhưng nhiều người không nhận thức một cách mạnh mẽ rằng, hãy sử dụng hàng VN thay vì hàng Trung Quốc hay các quốc gia khác.
Người ta chỉ thích mua hàng ngoại nhập, cứ có chữ tây, chữ tàu là tốt, là hơn hàng trong nước. Thậm chí không ít người thấy sản phẩm có nhãn mác tiếng Việt là chê không thèm xem đến. Ý thức công dân như vậy thì hàng hóa sản xuất trong nước không thể cạnh tranh với hàng ngoại nhập, bởi vì nó đã bị thua ngay từ trong suy nghĩ của chính dân mình.
Đã đến lúc phải thay đổi nhận thức, suy nghĩ lại những điều mà mình đã suy nghĩ để có hành động tích cực đối với đất nước. Mỗi người, mỗi gia đình tự nhắc nhở nhau, khi đi mua sắm hãy mua hàng VN. Đó là thái độ bày tỏ lòng yêu nước, là hành động xây dựng và bảo vệ tổ quốc cụ thể nhất.
Chân Tâm
Vui lòng nhập nội dung bình luận.