Liên quan đến Dự án Đầu tư xây dựng trạm bơm bổ cập nước Hồ Tây và cải thiện chất lượng nước sông Tô Lịch, trong đó có phương án lấy nước sông Hồng làm sạch sông Tô Lịch của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội (Thoát nước Hà Nội), PV Dân Việt đã có cuộc trao đổi với đại diện Công ty Thoát nước Hà Nội để làm rõ vấn đề này.
Không ảnh hưởng đến hạ lưu
Ông Bùi Ngọc Uyên - Phó Trưởng phòng Thông tin Đối ngoại, Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết, Dự án đã được Công ty Thoát nước Hà Nội trình UBND TP từ cuối năm 2018.
“Hiện TP đang xem xét thông qua các sở ngành chuyên môn, việc duyệt có thể chậm do đang tiến hành một số phương pháp mới (dùng chế phẩm Redoxy 3C của Đức, dùng công nghệ nano của Nhật Bản- PV)”, ông Uyên nói.
Trong hai ngày từ 9-10/7, Công ty Thoát nước Hà Nội xả hơn 1 triệu m3 nước từ Hồ Tây ra sông Tô Lịch. Việc "mở cửa" này do mực nước Hồ Tây đang cao hơn quy định. Việc này đồng thời biến nước sông đổi màu và đỡ hôi thối hơn trước đó.
Theo đề án này, công ty Thoát nước Hà Nội sẽ xây dựng, lắp đặt một trạm bơm chìm ở ngoài cửa khẩu An Dương với công suất cấp nước 156.000 m3 mỗi ngày đêm dẫn vào hồ Tây. Sau đó, nguồn nước hồ Tây sẽ được điều tiết bằng cửa xả trên phố Trích Sài và đường Lạc Long Quân vào sông Tô Lịch để giúp làm sạch nước sông.
Sông Tô Lịch từng là một nhánh nhỏ của sông Hồng, thông thủy với Hồ Tây. Năm 1889 người Pháp lấp một phần sông Tô Lịch để quy hoạch lại phố phường.
Ngày nay, sông Tô Lịch dài khoảng 14 km, bắt đầu từ phường Nghĩa Đô (Cầu Giấy) chảy về phía nam thành phố và ra sông Nhuệ đoạn xã Hữu Hòa (Thanh Trì). Toàn tuyến sông có hơn 280 cống xả nước thải.
|
Nếu được thông qua, phương án này sẽ giúp tăng lưu lượng nước, tạo được dòng chảy, giảm bớt mùi hôi do chất bẩn bị pha loãng, qua đó giúp con sông "hồi sinh".
"Dự án này cũng sẽ cải thiện được cảnh quan con sông, sau này có thể tận dụng sông Tô Lịch cho giao thông đường thủy, du lịch", ông Uyên nói và cho rằng đề xuất này mới dừng ở mức phương án, cần được đánh giá kỹ lưỡng. Để thẩm định được dự án này cần có hội đồng, hiện giờ công ty mới tính toán ở mức sơ bộ.
Đề cập đến việc "xả" nước sông Hồng, Hồ Tây và sông Tô Lịch, phía hạ lưu của sông Tô Lịch sẽ bị ảnh hưởng và hứng lượng nước bẩn, ông Uyên nói: “Mọi người cho rằng, khi bổ cập nước thì hạ lưu sẽ hứng nước bẩn. Bình thường không có nước sạch bổ cập vào thì nước bẩn nó vẫn chảy về dưới, giờ có nước pha loãng nước bẩn sẽ sạch hơn, đỡ ô nhiễm hơn. Đây là sự thật khách quan”.
Ông Uyên khẳng định “việc này chắc chắn không gây ô nhiễm nhiều hơn” cho hạ lưu.
“Ví dụ, bình thường nước thải vẫn chảy ra sông, nhưng từ năm 2016 TP đã triển khai, "động thổ" dự án xây dựng hệ thống cống nước thải hai bên sông để thu hết nước thải không cho ra sông rồi đưa về cuối nguồn để xử lý ở đó. Việc này TP cũng đã đang triển khai, nhưng có thể bị chậm… Theo đó, việc này giải đáp được phần người dân cứ lăn tăn là nước thải chảy ra thì vẫn bẩn.
Sau khi xả nước từ hồ Tây ra sông Tô Lịch, nước chảy xuôi về phía hạ nguồn rồi trở lại màu đen kịt, sông Tô Lịch ô nhiễm như thường lệ.
Thứ hai là việc bổ sung nước sạch, nước không ô nhiễm vào sông thì sẽ tạo ra độ hòa láng, khi chảy xuống cuối nguồn thì đương nhiên sẽ sạch hơn. Ví dụ như nước ở trên đầu nguồn sạch hơn thì ở cuối cũng phải được lợi, thoáng và sạch hơn”, ông Uyên phân tích.
“Bây giờ có hai cách khắc phục ô nhiễm sông Tô Lịch. Thứ nhất, phải xử lý triệt để là triển khai nhà máy xử lý nước thải và hệ thông thu gom toàn bộ nước thải quanh sông Tô Lịch và các sông khác rồi mới thải xuống hạ lưu (Xây dựng nhà máy xử lý nước thải Yên Xá làm sạch nguồn nước các sông Tô Lịch, Sét, Lừ và Nhuệ - PV). Hai là, dẫn nước từ các nguồn khác như từ hồ Tây vào sông Tô Lịch vì có nguồn nước chảy thì sông mới sạch được, lúc này nước thải cũng đã bị thu hết không thể chảy ra sông”, ông Uyên nhấn mạnh.
Xây dựng đập cao su ở cuối nguồn sông Tô Lịch
Nói thêm về phương án bổ cập nước sông Hồng vào sông Tô Lịch, ông Phan Hoài Minh- Phó Tổng Giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết, việc này còn hướng tới mục tiêu phát triển du lịch, vận tải thuỷ.
Theo đó, với chiều dài 14 km chạy qua 5 quận, huyện, sông Tô Lịch là tiềm năng tốt để khai thác vận tải công cộng đường thuỷ.
"Khi sông Tô Lịch hàng ngày được bổ cập nước sạch từ sông Hồng, có dòng chảy lưu thoát, tạo cảnh quan, Hà Nội có thể phát triển được một tuyến buýt đường thuỷ giúp giảm gánh nặng áp lực giao thông cho các tuyến đường trên cạn", vị này nói.
Cũng theo lãnh đạo Công ty thoát nước Hà Nội, đơn vị này cũng đề xuất TP xây dựng đập cao su ở cuối nguồn sông Tô Lịch, giúp điều tiết nước trên sông đạt độ cao nhất định, từ đó tàu thuyền và xe buýt đường thuỷ có thể lưu thông.
Trước băn khoăn về việc khi bơm nước sông Hồng giải cứu sông Tô Lịch, phía hạ nguồn và các huyện ngoại thành sẽ bị ảnh hưởng bởi nguồn nước ô nhiễm dồn về, ông Minh cho biết, trước đây, có lần xả nước từ Hồ Tây vào sông Tô Lịch, dòng nước bẩn chảy theo tới sông Nhuệ về tận Hà Nam và bị lãnh đạo tỉnh này phản ứng.
Tuy nhiên, ông Minh cũng cho rằng khi nước sông Hồng được điều tiết vào sông Tô Lịch thường xuyên thì sẽ pha loãng nguồn ô nhiễm, giảm thiểu mùi, đồng thời khi nhà máy xử lý nước thải Yên Xá vận hành và trong tương lai có hệ thống cống thu gom nước thải hai bên sông Tô Lịch thì nguồn nước ô nhiễm sẽ được kiểm soát.
GS.TS Vũ Trọng Hồng - nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi cho rằng, việc xả nước hồ Tây vào sông Tô Lịch hoàn toàn theo đúng chủ trương của Hà Nội lâu nay. Song, việc xả nước hồ Tây sẽ đẩy một phần nước ô nhiễm vốn có của sông Tô Lịch xuống hạ lưu đó là sông Nhuệ, làm con sông này ô nhiễm hơn.
Đây là điều vi phạm trong đánh giá tác động môi trường, chất ô nhiễm không được mở rộng ra, không được đưa chất thải từ nơi này đến nơi khác, mà phải xử lý tại chỗ.
Theo GS. TS Vũ Trọng Hồng, muốn hồi phục lại dòng sông có 2 phương án.
Thứ nhất phải có nguồn nước tự nhiên đủ nhiều để cấp cho sông Tô Lịch, nhiều năm trước có ý kiến cho rằng nên dẫn nước sông Hồng vào nhưng bây giờ phương pháp này không làm được.
Lý do được đưa ra vì đường dẫn nước từ sông Hồng vào Tô Lịch đã bị lấp từ nhiều năm trước khiến cho việc đào lại dòng chảy là điều không thế, sẽ tốn nhiều chi phí, kéo theo nhiều hệ lụy về môi trường, xã hội.
Hai là, nếu như nguồn nước không thể lấy từ sông Hồng thì phải “cắt” nước thải dân sinh không cho xả trực tiếp ra sông mà dẫn vào một nhà máy để xử lý, nạo vét bùn, sau đó chờ những trận mưa thì sông sẽ sạch.
|
Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá khởi công từ tháng 10/2016 (bao gồm một nhà máy có công suất 270.000 m3/ngày đêm và tuyến cống thu gom nước thải dọc sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và một phần sông Nhuệ với diện tích phục vụ khoảng 4.874 ha) với tổng mức đầu tư khoảng 800 triệu đô la, đến nay gần như… “giậm chân tại chỗ”.
Nguyên nhân chậm tiến độ được chủ đầu tư dự án cho biết, do phải thực hiện đấu thầu lại gói 3 (xây dựng hệ thống cống bao sông Lừ). Năm 2019, dự án được bố trí vốn ODA hơn 70 tỷ đồng trong khi nhu cầu vốn cho các gói thầu 2, 3 và 4 của dự án dự kiến sẽ khởi công năm 2019 khoảng 1.000 tỷ đồng.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.