Trao đổi với PV, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ - Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết đã nhận được báo cáo của các đơn vị liên quan về Trạm thu giá BOT Cai Lậy.
"Việc đếm xe đã hoàn thành, Tổng cục Đường bộ cũng đã có phương án, còn số liệu đếm xe chỉ nhằm phục vụ tính toán cho các phương án sắp tới nên chưa thể công bố được. Đây chỉ là một trong nhiều dữ liệu để tìm ra phương án xử lý cho BOT Cai Lậy. Cuối tháng Bộ GTVT và Chính phủ sẽ xem xét, cân nhắc là dùng phương án nào" - ông Huyện nói.
Các cơ quan chức năng đã hoàn tất việc kiểm đếm xe ô tô lưu thông qua trạm BOT Cai Lậy. (Ảnh: I.T)
Ông Trần Thanh Nam - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đường bộ IV.3 (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, đơn vị đã tiến hành kiểm đếm ô tô lưu thông qua trạm BOT Cai Lậy từ ngày 7 đến ngày 10.12 và tổng hợp và báo cáo số liệu cụ thể về Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
Trước đó, Bộ GTVT đã yêu cầu Công ty TNHH Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang (chủ đầu tư), Ban Quản lý Dự án 8 phối hợp với các đơn vị tư vấn (Tổng Công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải, Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng công trình 625) tổng hợp số liệu lưu lượng xe, tính toán, dự báo lưu lượng xe qua trạm, kinh phí xây dựng trạm tại vị trí mới và phương án tài chính dự án, báo cáo Tổng cục Đường bộ trước ngày 12.12.
Ngay sau đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện đếm xe đợt 1 trong 4 ngày để tổng hợp số liệu về lưu lượng xe.
Từ liệu được kiểm đếm và các phương án đã đề xuất trước đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ báo cáo Bộ GTVT phương án giải quyết vấn đề tại trạm thu phí này.
“Tinh thần Bộ GTVT giao Tổng cục thực hiện việc đánh giá toàn diện về trạm thu phí BOT Cai Lậy và báo cáo Bộ trước ngày 17.12.2017, sau đó, Bộ sẽ báo cáo Chính phủ trước 22.12.2017. Với tiến độ này, Tổng cục đang triển khai đúng tiến độ” – ông Huyện cho biết.
Theo lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, trước đó Bộ GTVT nêu 3 phương án giải quyết BOT Cai Lậy gồm: Một là giữ nguyên trạm như hiện nay và có biện pháp bổ sung nếu cần thiết để đảm bảo việc thu phí.
Phương án hai sẽ xây dựng thêm trạm trên tuyến tránh, thu phí hoàn vốn đầu tư cho cả tuyến tránh và phần đầu tư trên quốc lộ 1 hiện hữu.
Phương án ba là di dời trạm BOT Cai Lậy vào tuyến tránh, Nhà nước hoàn trả phần kinh phí đầu tư trên quốc lộ 1 hiện hữu và có hướng điều tiết phân luồng giao thông.
Tổng cục Đường bộ đề xuất phương án thứ 4 là giữ nguyên trạm thu phí như hiện tại, sau khi dự án thu hồi đủ vốn tăng cường mặt đường 300 tỷ đồng rồi sẽ dời vào tuyến tránh.
Đánh giá về 4 phương án đã được đề xuất để giải quyết trạm thu phí Cai Lậy, ông Nguyễn Văn Huyện cho hay, Bộ GTVT sẽ nghiên cứu thẩm định kỹ từng phương án. Vì mỗi phương án đều có ưu điểm, nhược điểm.
Ngoài ra, các phương án sẽ được phân tích trên cơ sở tính toán của nhà đầu tư và ngân hàng tài trợ vốn để đảm bảo phương án tài chính cho dự án, đồng thời cũng phải đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và nhà nước.
Về các giải pháp đảm bảo an toàn trật tự tại các trạm thu phí BOT, đặc biệt là việc chống ùn tắc, người đứng đầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam thông tin: Tới đây, Tổng cục sẽ chỉ đạo tất cả các trạm BOT sẽ phải phân luồng theo hướng một làn đi và một làn về tại mỗi trạm, đồng thời áp dụng thu phí tự động không dừng tại các làn này.
Cụ thể, các làn xe này sẽ được ưu tiên các xe đã nộp phí trước (xe mua vé quý, vé tháng, xe ưu tiên như cứu thương, cảnh sát…). Giải pháp này sẽ giảm được nguy cơ ùn tắc tại các trạm thu phí...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.