Ắt hẳn nhiều người cho rằng việc BOT Cai Lậy nổi tiếng vì tài xế đồng loạt phản ứng do trạm thu phí đặt sai vị trí. Lý thuyết là vậy nhưng đi sâu vào phân tích câu chuyện của trạm BOT này, mới thấy nó nổi tiếng là nhờ độ “chây lỳ” của các cơ quan liên quan đến cái trạm này.
Trạm BOT Cai Lậy chính thức tạm dừng thu phí theo lệnh của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Còn nhớ, ngày 31.7.2017, Sở GTVT tỉnh Tiền Giang tổ chức họp báo thông tin giá thu phí sử dụng đường bộ đoạn tránh thị xã Cai Lậy, với mức phí khá cao - đây cũng là thời điểm nhiều cơ quan báo đài nhận được thông tin từ phía các tài xế nói rằng họ sẽ không chấp nhận chuyện phải trả tiền oan - làm tuyến tránh mà lại đặt trạm thu phí trên Quốc lộ 1. Vấn đề này, phương tiện truyền thông đã trao đổi và cảnh báo với các lãnh đão tỉnh Tiền Giang và chủ đầu tư nhưng bị phớt lờ. Để rồi khi đi vào thu phí, BOT Cai Lậy liên tiếp phải xả trạm. Đến ngày 15.8, dừng hẳn thu phí, chờ ý kiến từ Bộ Giao thông vận tải.
Nhắc đến vụ việc dừng thu phí ngày 15.8.2017, không thể nhắc đến việc trước đó, ngày 14.8, ông phó tổng cục trưởng tổng cục đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) Nguyễn Mạnh Thắng vào thị sát vấn đề của trạm BOT Cai Lậy, cho rằng, trạm này làm đúng pháp luật. Lập tức, các phương tiện truyền thông có hàng loạt bài viết nêu quan điểm trực diện và mang tính đóng góp cao. Cứ ngỡ sự việc sẽ kết thúc khi báo chí đồng loạt lên tiếng, bộ GTVT sẽ nhìn ra cái chưa đúng của dự án để sửa sai nhưng thực tế không như mong đợi. Bằng chứng là cuộc họp báo của Chính phủ ngay sau đó, bộ GTVT vẫn nhất mực nói rằng BOT Cai Lậy làm đúng pháp luật. Viện cớ này, ngày 30.11 vừa qua, BOT Cai Lậy thu phí lại và kết quả là Cai Lậy thành điểm nóng về mất trật tự an ninh với việc “đấu trí” qua lại giữ giới tài xế và chủ trạm. Kết quả tạm thời, vào tối ngày 4.12, BOT Cai Lậy vẫn xả trạm…
Ở câu chuyện trên, lẽ ra ngay từ đầu các cơ quan chức năng đừng vin vào cái cớ đúng pháp luật này nọ, đã không xảy ra cơ sự lớn, gây mất niềm tin trong nhân dân. Cốt lõi của vấn đề là giải quyết theo nguyên lý chỉ thu chỗ nào làm, chỗ nào không làm đừng thu, làm ít thu ít, làm nhiều thu nhiều, cần minh bạch rõ ràng. Các nước làm BOT có vấn đề gì đâu, còn mình làm lại vướng, lại sai. BOT làm gì có quy hoạch trên quốc lộ 1, tự dưng đặt chỗ này, làm chỗ kia rồi nói đã thống nhất giữa Bộ với Tỉnh.
Kế đến, giả sử BOT Cai lậy làm đúng pháp luật như Bộ GTVT nói đi chăng nữa nhưng vì lợi ích chung, vì mục đích ban đầu của BOT là làm đường để phục vụ nhân dân mà dân không đồng tình, phải xem lại, chứ không nên đối kháng. Thực tế, chuyện sửa luật để phù hợp với nguyện vọng của nhân dân ở nước ta không phải là hiếm. Bởi ngay từ đầu nhà nước đã xác định là của dân, do dân và vì dân. Pháp luật mà không đúng nguyện vọng của dân, cũng nên sửa đổi chứ không nên vịn vào đó gây thêm bức xúc.
Đừng phân biệt thắng thua. Trong câu chuyện BOT Cai Lậy, giới tài xế và chủ đầu tư đều thua, vì muốn thắng chỉ có cách đừng để đối kháng xảy ra.
Quân Minh (Thế Giới Tiếp Thị)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.