Theo tìm hiểu của phóng viên, trong khoảng 10km trên dòng sông Đáy đã có 4 cây cầu phao nối hai huyện Mỹ Đức và Ứng Hòa (Hà Nội): cầu chợ Tía, cầu Kênh Đào, cầu Áng, cầu Lai Thụ.
Các cây cầu phao này có chiều dài khoảng 50-60m, chiều rộng từ 1-2m. Trụ cầu được làm bằng các thuyền xi măng gắn với khung sắt. Sàn cầu được tạo thành bởi những miếng gỗ, thanh sắt ghép lại.
Qua thời gian, những cây cầu này đã bị xuống cấp dù vẫn được trùng tu, sửa chữa. Cầu Lai Thụ là một ví dụ. Theo quan sát của PV, mặt cầu bằng sắt đã hoen gỉ, bung gãy, nhiều đoạn lan can cầu đã biến mất.
Ông Hoàng Văn Vân, chủ cầu Áng (xã Lê Thanh, Mỹ Đức) cho biết, các xã ở hai bên đầu cầu cho tư nhân đấu thầu xây dựng và nộp tiền cho xã hằng năm. Sau đó chủ cầu thu phí của người dân qua lại. Mức phí trung bình với xe máy là 3.000 đồng/lượt, xe đạp, người đi bộ là 1.000 đồng/lượt.
Theo ông Vân, hầu hết những cây cầu này được làm từ những năm 80 – 90 của thế kỷ trước. Những cây cầu này giúp người dân 7 xã giữa hai huyện Mỹ Đức và Ứng Hòa đi lại gần hơn. Nhờ có cầu, người dân chỉ cần đi 50-60m thay vì đi vòng hàng chục cây số qua Vân Đình hoặc qua cầu Ba Thá.
Bà Nguyễn Thị Thủy (xã Bồ Xuyên, Mỹ Đức) cho biết, vào những ngày chợ phiên (ngày 3, ngày 9 âm lịch hằng tháng), lượng người đi lại qua cầu Tía tăng vọt. Những ngày có phiên chợ, người dân phải xếp hàng chờ qua cầu. "Ngồi trên bờ nhìn những xe hàng cồng kềnh, nặng trĩu lần lượt đi qua mà tôi luôn thấy sợ hãi", bà Thủy nói.
Cũng đi qua cầu phao hằng ngày, bà Toản (xã Đồng Tiến, Ứng Hòa) nói: “Hằng ngày, tôi sang xã Lê Thanh (Mỹ Đức) đi chợ, mỗi khi qua cầu Lai Thụ tôi đều thấy sợ. Cầu làm bằng các tấm sắt mỏng lỗ chỗ đan xen vào nhau, mặt cầu không phẳng nên đi bộ chỉ sợ sắt quệt vào chân. Mặt khác, cầu bé và lan can thấp nên các xe đi lại có thể ngã xuống sông bất kỳ lúc nào”.
Ông Hoàng Văn Hải, một trong 6 chủ cầu Lai Thụ cho biết, cầu mới được tu sửa nhưng đã xuống cấp nhanh chóng bởi những xe máy chở hàng nặng, cồng kềnh đi qua. Cũng theo ông Hải, vì lượng người đi qua cầu không nhiều (mỗi ngày chỉ có 30-40 người với mức thu trung bình là 100.000 đồng/ngày) nên nguồn thu không đủ để đầu tư một cây cầu kiên cố.
Dù được trùng tu hằng năm, cầu Lai Thụ nối liền hai xã Đồng Tiến (Ứng Hòa) và Lê Thanh (Mỹ Đức) vẫn xuống cấp nghiêm trọng, sàn cầu và lan can đã hoen gỉ, hỏng hóc… Việc đi lại trên cây cầu này rất khó khăn, nhiều người phải xuống dắt xe để qua được cầu.
Trụ cầu bằng thuyền xi măng đã hỏng hóc, trơ những thanh sắt nhỏ bé đã hoen gỉ.
Mặt sàn cầu Lai Thụ được làm bằng sắt, qua nhiều năm đã bị hoen gỉ, gãy, cong gây nguy hiểm cho người qua cầu.
Cầu nối liền hai xã Đồng Tiến (Ứng Hòa) và xã Lê Thanh (Mỹ Đức) có chiều dài khoảng 50m, chiều rộng 1-2m. Cây cầu giúp người dân hai xã đi lại thuận tiện hơn thay vì phải đi vòng hàng chục cây số.
Cầu phao được nối với bờ bằng sợi dây mỏng manh, không đảm bảo an toàn cho người đi lại.
Cây cầu đã xuống cấp trầm trọng nhưng một số người dân vẫn chở hàng nặng băng qua cầu.
Các ván cầu được chuẩn bị sẵn, nếu nước sông dâng lên cao sẽ được di chuyển sang vị trí cao hơn để phục vụ người dân đi lại. Tuy nhiên các ván này không có lan can bảo vệ.
Được trùng tu nhưng khớp nối của cầu Tía lại được buộc bởi những sợi dây đã sờn, mục
Nhìn từ xa, cầu Kênh Đào nhỏ bé và mỏng manh giữa dòng sông Đáy.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.