Một nhà máy bột giấy ở Long An được Bộ Tài chính bảo lãnh vay 3.000 tỷ đầu tư rồi bỏ hoang.
Một nhà máy cán thép ở Thái Nguyên đầu tư 8.000 tỷ rồi không sản xuất được, cũng bỏ hoang.
Một dự án xe buýt ở Hà Nội đầu tư nghìn tỷ rồi không thể vận hành.
Gần 200 ngôi biệt thự trị giá hàng ngàn tỷ được xây cho cán bộ cao cấp cũng bị bỏ hoang ở Hà Nội.
Một bệnh viện hàng trăm tỷ bị bỏ hoang ở Nam Định.
Ở nhiều địa phương cũng có những dự án bị bỏ hoang sau nhiều năm đầu tư xây dựng. Phía sau những dự án bỏ hoang đó không phải chỉ là sự lãng phí của cải xã hội, không chỉ là sự lãng phí tài nguyên, mà còn là sự hoang tàn của một nền kinh tế, là sự hoang lạnh của lòng người.
Một dự án được đầu tư rồi bỏ hoang, thiệt hại kinh tế là có thật. Song, không có những khuôn mặt nào được nhận diện cụ thể như tác nhân của những thiệt hại đó.Ngân sách bị ném bỏ, tài nguyên bị hoang phí mà không có một ai chịu trách nhiệm bồi hoàn.
Đó là chuyện chỉ có thể xảy ra khi khi nền kinh tế được vận hành với nhiều bất cập.
Các dự án đầu tư như gió vào nhà trống, đến, và đi như thể tan biến giữa không gian.Khi đồng tiền thuế bị tiêu hoang mà hệ thống giám sát không thúc đẩy trách nhiệm giải trình, báo chí chỉ phản ánh mà không kêu gọi vạch mặt chỉ tên những tác nhân cụ thể, đó là vì các cơ quan đó không có nhiều động lực thúc đẩy từ nhu cầu của nhân dân về trách nhiệm của chính phủ đối với đồng tiền thuế của mình.
Nhân dân đã quá quen thuộc với những dự án bị bỏ hoang như thế.
Nhà máy bột giấy trị giá 3.000 tỷ đồng nay không thể hoạt động.
Một sự quen thuộc khiến lòng người hoang lạnh.Người dân đã quen, và chấp nhận bình thường hóa đối với những khoản tiền đóng thuế của mình bị vứt đi như thế. Đó là bởi họ không còn tin vào lương tri của một số người được giao sử dụng đồng tiền thuế của dân.
Nếu còn lương tri, vị công bộc điều hành dự án xe buýt nhanh đã không thể thản nhiên như không hề liên quan đến cái dự án bất thành chỉ vì anh ta đã được điều chuyển đến một chức vụ mới. Nếu còn lương tri, hẳn anh ta không thể chỉ đơn giản trả lời “anh chuyển công tác lâu rồi” khi được phóng viên hỏi về trách nhiệm với cái dự án mà anh ta đã điều hành.
Nếu còn lương tri, những cá nhân ra quyết định đầu tư sai lầm đã phải biết đứng lên nhận trách nhiệm và công khai xin lỗi người dân vì đã làm thiệt hại tiền thuế của nhân dân.Nhưng những dự án vẫn được đầu tư và tiếp tục bỏ hoang mà không một ai đứng lên nhận trách nhiệm, không một lời xin lỗi.
Đồng tiền thuế của người dân cứ thế bị mất đi vô hình vô ảnh, như thể nó có thể tự nhiên sinh ra và mất đi, chẳng theo nguyên lý gì. Và người dân đã quen với những điều như thế.
Để quen được với những nỗi đau, người ta phải chịu đựng rất nhiều nỗi đau. Để quen với những sự mất mát, người ta phải mất mát rất nhiều!
Hy vọng người dân không phải quen với những nỗi đau như thế!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.