Theo đó, từ chiều 12.5, đại diện Công ty CP mía đường Hòa Bình đã phối hợp với UBND huyện Thạch Thành tiến hành chi trả tiền đền bù cho các hộ nuôi cá lồng tại xã Thành Vinh, Thành Trực. Đây là địa phương bị thiệt hại nặng nhất với số cá chết trên 10 tấn.
Ngày 13.5, Công ty tiếp tục tiến hành chi trả tiền đền bù cho bà con nhân dân các xã Thạch Quảng, Thành Mỹ, Thạch Cẩm. Chính quyền huyện Thạch Thành cũng có công văn chỉ đạo, yêu cầu các tổ giám sát phải có trách nhiệm phối hợp với Công ty cổ phần mía đường Hòa Bình và UBND các xã chỉ đạo giám sát việc cấp tiền bồi thường cho bà con nuôi cá lồng bị thiệt hại theo quy định pháp luật.
Ông Nguyễn Văn Do (trú tại thôn Lộc Phượng 1, xã Thành Vinh, huyện Thạch Thành) một trong những hộ bị thiêt hại cá lồng cho biết: "Ở đây bà con sống nhờ vào tôm cá, khi xảy ra sự vệc chúng tôi đau xót lắm. Nhưng được sự quan tâm giúp đỡ của các ngành, các cấp, được báo chí phản ánh kịp thời, chúng tôi cũng thấy được an ủi phần nào. Đến nay, chúng tôi thấy vui mừng khi được nhận tiền bồi thường từ nhà máy đường để quay trở lại nuôi trồng. Hy vọng, nguồn nước sông Bưởi sớm được khắc phục để bà con an cư lạc nghiệp”.
Các hộ dân nuôi cá lồng bị thiệt hại nhận tiền bồi thường từ nhà máy đường.
Trước đó, vào ngày 4.5, nhiều người dân xã Thạch Lâm (khu vực thượng lưu sông Bưởi) đã phát hiện nhiều loại cá nhỏ chết nổi dạt vào bờ. Tiếp những ngày sau, hiện tượng cá chết hàng loạt đã lan rộng xuống các xã hạ lưu như: Thạch Quảng, Thành Mỹ, Thành Vinh của huyện Thạch Thành. Tính đến ngày 7.5, tổng số lượng cá chết của các hộ nuôi cá lồng đã trên 17 tấn (chưa tính cá tự nhiên).
Bước đầu, cơ quan chức xác định nguyên nhân gây ra hiện tượng nước sông ô nhiễm, cá chết hàng loạt là do Công ty CP mía đường Hòa Bình (có trụ sở đóng tại xã Tân Mỹ, huyện Lạc Sơn, Hòa Bình) xả thải chưa qua xử lý ra sông.
Trước nguy cơ hàng ngàn hộ dân sống ven sông có thể thiếu nước sinh hoạt, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ráo riết chỉ đạo các ngành chức năng tập trung xử lý tiêu hủy số cá chết, vớt xác cá dưới lòng sông và nghiên cứu phương án cấp nước sạch cho các hộ dân bị thiếu.
Đồng thời, chỉ đạo Công an tỉnh Thanh Hóa phối hợp các cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình điều tra và sớm hoàn thiện hồ sơ khởi tố vụ án hình sự với hành vi xả thải gây ô nhiễm nghiêm trọng của Nhà máy mía đường Hòa Bình.
Theo thống kê, có 34 hộ dân nuôi cá lồng bị thiệt hại, với tổng số lượng cá chết là 17.555kg. Căn cứ vào giá thị trường hiện nay là 80.000/kg, nên nhà máy đồng ý đền bù hơn 1,4 tỷ đồng.
Quách Du - Tài Đức (Công Lý)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.