Nhằm có thông tin đa chiều về vụ việc, chiều nay, Dân Việt đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tiến Bình – Tổng Biên tập báo Giáo dục Việt Nam – cơ quan nơi ông Lê Duy Phong đang công tác và bà Nguyễn Quỳnh Nga – vợ ông Lê Duy Phong.
Nhiều luật sư muốn bảo vệ miễn phí cho anh Phong
Thưa ông Nguyễn Tiến Bình, Báo Giáo dục Việt Nam đã nhận được quyết định khởi tố nhà báo Lê Duy Phong từ Công an TP.Yên Bái chưa?
- Hiện tại, tôi vẫn chưa nhận được quyết định khởi tố nhà báo Lê Duy Phong. Nhưng trong sáng nay, tôi đã làm việc với Công an tỉnh Yên Bái, họ đã thông báo việc này cho tôi. Ngoài ra, những thông tin xung quanh việc anh Phong bị tạm giữ, rồi khởi tố đều đã được đăng tải đầy đủ trên các tờ báo và tôi cũng nắm thông tin qua kênh này. Trong cuộc gặp sáng nay, Công an tỉnh Yên Bái cũng đã chính thức thông báo đầy đủ các thông tin về vụ việc này cho tôi, cơ bản giống những thông tin đã đăng trên báo mấy ngày qua.
Ông Nguyễn Tiến Bình – TBT báo Giáo dục Việt Nam.
Về phía mình, ông có thể cho biết báo Giáo dục Việt Nam có những động thái gì để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho nhà báo Lê Duy Phong?
- Hôm nay, các luật sư mà chúng tôi thuê đã bắt đầu vào cuộc, đăng ký làm việc với công an TP.Yên Bái rồi. Vài ngày tới, công an và tòa án sẽ cấp giấy chứng nhận cho các luật sư để họ có thể tiếp xúc với anh Phong.
Ngoài ra, sau khi biết thông tin về vụ việc, nhiều luật sư cũng đã tình nguyện tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho anh Phong. Vậy nên, chúng tôi sẽ tính toán để có thể đưa được nhiều luật sư có trình độ tham gia bảo vệ quyền lợi cho anh Phong.
Từ khi xảy ra vụ việc đến nay, ông có được gặp hay nói chuyện qua điện thoại với anh Phong hay không?
- Tôi chưa thể gặp được Phong bởi vụ việc đang trong giai đoạn tố tụng.
Hai ngày qua, trên mạng xã hội có xuất hiện bản chụp lại bản tường trình được cho là của thực tập sinh đi cùng anh Phong và cũng là nhân chứng của vụ việc. Bản tường trình này có chính xác không thưa ông?
- Đây là bản chính xác. Anh có thể liên hệ với chị Nga – vợ anh Phong để nắm thêm thông tin. Chị Nga chịu trách nhiệm về bản tường trình này. Còn bạn sinh viên tạm thời chưa thể xuất hiện trước công luận lúc này vì sự an toàn của bạn ấy.
Ông từng đề nghị chuyển vụ việc của nhà báo Lê Duy Phong lên Cơ quan điều tra của Bộ Công an nhằm đảm bảo tính khách quan. Vậy phía công an TP.Yên Bái phản ứng thế nào trước đề nghị này?
- Họ trả lời tôi rằng sẽ thực hiện điều tra theo quy định của pháp luật. Còn nếu được cấp trên yêu cầu chuyển vụ việc lên cấp cao hơn thì họ sẽ thực hiện.
Báo đã làm việc với Bộ Công an chưa?
- Tôi chưa tiếp xúc hay liên hệ với Bộ Công an, tuy nhiên trong cuộc họp giao ban báo chí ngày mai do Ban Tuyên giáo T.Ư tổ chức, tôi sẽ chính thức đề nghị Ban Tuyên giáo T.Ư, Bộ Thông tin – Truyền thông và Hội Nhà báo Việt Nam có văn bản đề nghị cơ quan điều tra Bộ Công an tiếp nhận vụ việc này để đảm bảo tính khách quan.
Về phía Hội Nhà báo Việt Nam, ông đã làm việc chưa?
- Tôi đã trao đổi nhanh vụ việc với lãnh đạo Hội Nhà báo, nhưng sáng mai tôi sẽ có báo cáo chính thức. Do hôm nay mới là ngày làm việc chính thức, nên những hôm trước tôi chỉ nắm thông tin qua báo chí và người thân của anh Phong. Sáng nay tôi mới chính thức làm việc với Công an TP.Yên Bái thì phía công an đã ra quyết định khởi tố rồi.
Ông có thể chia sẻ quan điểm của Ban Biên tập báo Giáo dục Việt Nam trong vụ việc này?
- Quan điểm của Ban biên tập là không bao che, nếu phóng viên sai thì phải xử lý, là cán bộ thì càng phải xử lý nghiêm. Tuy nhiên mọi việc đều phải thực hiện đúng quy định của pháp luật, trên cơ sở xem xét đặc thù công tác của ngành.
Ví dụ như anh Phong đang tiến hành điều tra một số sự việc ở Yên Bái mà vụ việc của anh Phong lại được Công an TP.Yên Bái điều tra thì có gì đó hơi nhạy cảm, dễ gây thiệt thòi cho anh Phong.
Nhà báo Lê Duy Phong (đứng) tại hiện trường vụ án.
Ông có thể cho biết chuyến đi của anh Lê Duy Phong lên TP.Yên Bái là công tác theo phân công của báo hay chuyến đi mang tính chất cá nhân?
- Đó là một chuyến đi hoàn toàn mang tính chất cá nhân, không liên quan tới công tác. Ngoài ra, tôi cũng lưu ý là doanh nghiệp kia cũng không có bất kỳ hoạt động nào liên quan tới báo trước đó cả.
Bản tường trình viết tay trên mạng là chuẩn xác
Buổi chiều cùng ngày, Dân Việt đã có cuộc trao đổi nhanh qua điện thoại với chị Nguyễn Quỳnh Nga, vợ của nhà báo Lê Duy Phong.
“Trong cuộc họp giao ban báo chí ngày mai do Ban Tuyên giáo T.Ư tổ chức, tôi sẽ chính thức đề nghị Ban Tuyên giáo T.Ư, Bộ Thông tin – Truyền thông và Hội Nhà báo Việt Nam có văn bản đề nghị cơ quan điều tra Bộ Công an tiếp nhận điều tra vụ việc này để đảm bảo tính khách quan”
Ông Nguyễn Tiến Bình
– TBT Báo Giáo dục Việt Nam
|
Chào chị, trưa nay báo chí đã đăng thông tin về việc Công an tỉnh Yên Bái khởi tố vụ án và khởi tố bị can với anh Lê Duy Phong - chồng chị. Gia đình đã nhận được quyết định khởi tố bị can đối với anh Phong chưa?
- Hiện tại cho đến giờ chúng tôi chưa nhận được các quyết định này.
Gia đình đã chuẩn bị thuê luật sư để bảo vệ cho anh Lê Duy Phong chưa?
- Hiện tại, tôi đã thuê luật sư của Văn phòng luật sư Nguyễn Sơn để đứng ra bảo vệ quyền lợi cho anh Phong. Đồng thời, gia đình cũng đang liên hệ thuê những luật sư giỏi về luật hình sự ở Việt Nam để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho anh Phong.
Từ thời điểm anh Lê Duy Phong bị cơ quan công an giữ, chị gia đình đã lên Yên Bái chưa?
- Hai hôm trước tôi có lên Yên Bái. Nhưng hôm qua, do phải lo một số công việc giúp chồng tôi nên tôi đã quay về Hà Nội.
Trong khoảng thời gian vừa rồi, anh Phong có gọi điện thoại cho chị để thông báo sự việc không?
- Trước đó, tối 22.6, anh Phong có gọi điện thoại cho tôi. Trong cuộc trao đổi, anh Phong thông báo cho tôi rằng 5h sáng hôm sau sẽ được về chứ không nói bất kỳ nội dung gì khác.
Lúc đó, chị đã biết thông tin anh Phong bị công an Yên Bái tạm giữ chưa?
- Lúc đó tôi chưa nắm được thông tin này.
Từ hôm qua, trên mạng xã hội xuất hiện một bản tường trình dài 5 trang viết tay được cho là của thực tập sinh đã đi cùng anh Lê Duy Phong trong chuyến đi lên Yên Bái. Theo thông tin trong đó thì bản tường trình được viết sau khi thực tập sinh này được Công an Yên Bái thả ra và quay về Hà Nội, rồi gặp chị. Chị có xác nhận điều này?
- Vâng, chính xác đó là bản tường trình của bạn sinh viên đi cùng chồng tôi. Bản tường trình được bạn này viết sau khi trở về từ Yên Bái và gặp tôi, tôi đã yêu cầu bạn ấy tường trình lại toàn bộ sự việc đã xảy ra.
Xin trân trọng cảm ơn!
Theo điều 280 Bộ Luật hình sự 1999, sửa đổi bổ sung ngày 19.6.2009, tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản:
Người nào lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này hoặc đã bị kết án, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, bị phạt tù từ 1 tới 6 năm.
Các trường hợp phạm tội có tổ chức; Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm; Phạm tội nhiều lần; Tái phạm nguy hiểm; Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng; Gây hậu quả nghiêm trọng khác sẽ bị phạt tù từ 6 năm đến 13 năm
Với các trường hợp chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng; Gây hậu quả rất nghiêm trọng khác sẽ bị phạt tù từ 13 đến 20 năm:
Người phạm tội sẽ bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân nếu bị kết tội chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác.
Ngoài ra, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.