Hoá ra xăng giả là có thật! Sau khi "ông trùm” xăng dầu Trịnh Sướng bị bắt, và thừa nhận chuyện làm xăng giả từ đầu năm 2017, người ta có thể xác tín một cách rõ ràng như thế, thay vì cứ bán tín bán nghi, mơ mơ, hồ hồ. Nhưng tại sao ông Trịnh Sướng lại bị bắt?
Hãy cùng nhìn lại “con đường” đưa ông Trịnh Sướng vào tầm ngắm cơ quan điều tra: Một chiếc xe bốc cháy ở Đắk Nông - và thế là người ta truy ra một cơ sở bán xăng giả ở Đắk Nông. Từ cơ sở này, người ta lại truy tiếp ra một tổng đại lý "xăng giả" ở Bình Phước. Và từ cái tổng đại lý ở Bình Phước người ta mới có thể truy ra "sào huyệt" của ông Trịnh Sướng ở Sóc Trăng. Cái đường đi này sao cứ xa xôi, ngoằn nghèo, trắc trở! Liệu có một đường đi nào đơn giản, hiện lộ, trực tiếp hơn không?
"Ông trùm” xăng dầu Trịnh Sướng. Ảnh: nld.com.vn
Ví dụ: Chiếc xe không cháy ở Đắk Nông, mà ở chính Sóc Trăng thì sao? Thì các cơ quan có thẩm quyền ở Sóc Trăng có thể truy ngay ra những khuất tất của ông Trịnh Sướng, và sau đó công khai tất cả cho báo chí, dư luận được không?
Theo dõi vụ này, một vì luật sư nổi tiếng, hiểu tường tận những mối quan hệ của các doanh nghiệp lớn ở Việt Nam, phán xanh rờn với người viết: "Không ai mong một chiếc xe bốc cháy. Nhưng may mà nó bốc cháy, mà lại bốc cháy ở mãi tận Đắk Nông nên mọi chuyện mới được khui từ A đến Z. Chứ giả sử nó cháy ở Sóc Trăng, ai biết vụ việc liệu có được làm tới nơi tới chốn!".
Kho nhiên liệu Phú Mỹ Hưng của đại gia xăng dầu miền Tây Trịnh Sướng.
Cách nhìn này có thể hơi cực đoan, nhưng nó là sự cực đoan có cơ sở. Bởi thực tế, Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Sóc Trăng đã từng kiểm tra hệ thống công ty xăng dầu của ông Trịnh Sướng ở Sóc Trăng, nhưng không phát hiện ra xăng giả (?).
Bởi thực tế là, Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả Sóc Trăng cũng đã từng kiểm tra, và cũng không phát hiện ra xăng giả (?).
Bởi thực tế là, ngay cả vợ của ông Phó Giám đốc Sở Công Thương Sóc Trăng cũng có mối quan hệ thân quen với đại gia Trịnh Sướng. Và theo lời của chính ông Võ Văn Chiêu - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh này, chính phu nhân của vị Phó Giám đốc Sở này đã được đại gia Trịnh Sướng cho vay tới 600 triệu đồng (?).
Tại buổi họp báo về vụ xăng giả của đại gia Trịnh Sướng, ông Lê Văn Hiểu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, UBND tỉnh nghiêm túc nhận trách nhiệm khi không phát hiện xử lý kịp thời vụ việc.
Và dư luận còn lùm xùm câu chuyện, nhiều lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng đi du lịch Nhật Bản, do chính đại gia Trịnh Sướng đài thọ. Mặc dù quanh vụ việc này, quan chức Sóc Trăng "phản kèo", khẳng định rằng mình tự đi Nhật Bản bằng tiền cá nhân, chứ không phải tiền của Trịnh Sướng và bức ảnh chụp chung với “đại gia xăng dầu” ở tận bên Nhật chỉ là được chụp một cách tình cờ, thì dư luận vẫn cứ không ngớt bàn luận về mối quan hệ giữa quan chức và đại gia.
Tất cả những thực tế nói trên cho thấy điều gì?
Nếu mối quan hệ giữa quan chức và doanh nghiệp – đại gia chỉ là mối quan hệ xã giao thuần tuý, và người ta ứng xử với những mối quan hệ đó theo đúng tinh thần: "Yêu anh tôi để trong lòng/Việc quan tôi cứ phép công tôi làm" thì chẳng có gì đáng nói, đáng bàn. Nhưng nếu đấy là những mối quan hệ mập mờ - những mối quan hệ lợi ích - những mối quan hệ công tư lẫn lộn - những mối quan hệ tạo nên một vòng tròn làm ăn khép kín, nó lại là chuyện lớn.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Sóc Trăng Huỳnh Văn Sum khẳng định không đi du lịch do Trịnh Sướng tổ chức. Ảnh: Internet
Cần nhắc đi nhắc lại rằng, đường dây làm xăng giả của ông Trịnh Sướng đã kéo dài ít nhất 2 năm. Trong suốt 2 năm đó, cơ quan công quyền Sóc Trăng đã không thể phát hiện xử lý kịp thời. Nó cũng giống hệt như chuyện đường dây buôn lậu điện thoại di động của Nhật Cường Mobile đã tồn tại nhiều năm ở Hà Nội, nhưng các cơ quan công quyền Hà Nội cũng không phát hiện cho đến khi Bộ Công an vào cuộc. Và đây cũng chẳng phải câu chuyện cá biệt của Sóc Trăng hay Hà Nội…
Những câu chuyện như thế khiến ngay cả những người ngây thơ nhất cũng phải đặt dấu hỏi: Giữa doanh nghiệp với quan chức địa phương, mối liên hệ là thế nào? Làm sao để mối quan hệ này là trong sáng, là thực sự đàng hoàng, sòng phẳng, vì lợi ích chung của xã hội…?
Có lần tôi đã đặt câu hỏi này với nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương - TS Lê Đăng Doanh. Thay vì trả lời thẳng vào câu hỏi, ông kể lại chuyện một lần ông ngồi ăn tối với rất nhiều doanh nhân, trong đó có vị Chủ tịch Hội doanh nghiệp một tỉnh lớn. Đang ăn, ông Chủ tịch hội nhận được điện thoại, và ngay sau cú điện thoại thì ông hớt ha hớt hải xin phép mọi người cho mình "ra về trước". Ông này thanh minh: "Nhân viên tôi vừa báo tin mẹ Chủ tịch tỉnh đang cấp cứu. Tôi phải vào viện ngay lập tức".
Khi ông Lê Đăng Doanh ái ngại hỏi lại: "Mai vào có được không?" thì nhận được câu trả lời: "Không! Phải vào ngay chứ! Vào ngay sẽ có tác dụng tốt hơn rất nhiều". Kể lại câu chuyện này, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh lắc đầu bình luận: "Nếu cứ phải làm kinh tế dựa trên những mối quan hệ như thế này thì nguy lắm!".
Tiếc thay, trong bất cứ một vụ án kinh tế nào chúng ta cũng có thể dễ dàng nhìn thấy dấu hiệu của việc "cứ phải làm kinh tế dựa trên những mối quan hệ như thế này". Ngay cả trong câu chuyện nóng nhất tuần qua, liên quan đến việc một số cán bộ Thanh tra Bộ Xây dựng bị bắt quả tang khi đang đòi doanh nghiệp trên địa bàn Vĩnh Phúc phải "chi" cho mình số tiền nhiều tỷ đồng cũng thế.
Sở dĩ Thanh tra Bộ có cơ sở để đòi “chung chi" là vì, theo thông tin ban đầu, doanh nghiệp này nhiều dấu hiệu bất thường trong việc trúng các gói thầu lớn tại địa phương. Thật kỳ lạ khi một doanh nghiệp chỉ có vốn điều lệ 3 tỷ đồng lại trúng một gói thầu "khủng" với giá trị lên đến 33 tỷ đồng như thế.
Bà Nguyễn Thị Kim Anh - Phó phòng Phòng chống tham nhũng, Thanh tra Bộ Xây dựng, bị tạm giữ tại Vĩnh Phúc vì cáo buộc nhận hối lộ. (Ảnh: Cổng thông tin Vĩnh Tường)
Nếu quả thật một doanh nghiệp địa phương tồn tại và phát triển dựa trên những mối quan hệ đặc biệt với quan chức địa phương, cơ quan thanh tra địa phương cũng rất dễ bị vô hiệu. Những cơ quan thanh tra cấp tỉnh, cấp bộ có khả năng cũng sẽ "tự nguyện bị vô hiệu" nếu các doanh nghiệp địa phương sẵn sàng "chung chi" theo đòi hỏi (nếu có) của mình. Trong câu chuyện cụ thể tại Vĩnh Phúc, giả dụ đoàn Thanh tra Bộ Xây dựng không đòi hàng tỷ đồng, mà chỉ đòi vài trăm triệu đồng - một mức "chấp nhận được" với doanh nghiệp, liệu vụ việc có chìm xuồng?
Những mối quan hệ chằng chéo cùng những khoản phí bôi trơn ở mức "chấp nhận được" chắc chắn sẽ tạo ra những... “chiếc mặt nạ” kinh tế. Và nó chắc chắn cũng tạo ra một chiếc đai chắc chắn để giữ cho những chiếc mặt nạ không bị rớt xuống.
Vì một lý do bất ngờ nào đó, chiếc mặt nạ có thể bị rơi xuống, một góc khuất nào đó có thể hiển lộ, có thể dư luận sẽ sửng sốt. Nhưng suy cho cùng thì việc làm cho một, hai chiếc mặt nạ rơi xuống không trị được gốc của căn bệnh.
Việc triệt tiêu những “cái bắt tay trong bóng tối” giữa doanh nghiệp và quan chức không những đòi hỏi một sự kiên trì mà còn đòi hỏi chính quyền phải nâng cao sự minh bạch và liêm chính, điều mà nhiều chuyên gia, nhiều giới cả trong và ngoài nước đã lên tiếng từ nhiều năm qua nhưng việc thực thi ở nhiều nơi, nhiều địa phương, vẫn còn chưa đến nơi đến chốn.
Làm sao để người ta không phải bất ngờ với những mối quan hệ “ngoài luồng” giữa doanh nghiệp và quan chức mà phải coi đó là những mối quan hệ chính đáng, là cơ sở để phát triển quản trị kinh tế quốc gia một cách bền vững và trong sạch. Để “những chiếc mặt nạ” không có cơ hội được đeo lên trên những khuôn mặt.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.