Sau CPH, cảng Quy Nhơn về tay tư nhân
Ngày 4.7, Đoàn công tác của Trung ương Đảng do ông Trần Quốc Vượng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư dẫn đầu đã làm việc với Tỉnh ủy Bình Định.
Ông Hồ Quốc Dũng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho hay, cảng Quy Nhơn là cảng tổng hợp quốc gia, có ý nghĩa chiến lược an ninh quốc phòng, là hành lang Đông - Tây (nối từ Myanma ra biển Đông) trong giao thương quốc tế.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, trong quá trình thực hiện CPH tại cảng Quy Nhơn đã nảy sinh nhiều vấn đề bức xúc trong nhân dân. Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra toàn diện để phát hiện, làm rõ sai phạm và đề xuất xử lý theo quy định. Đặc biệt, việc CPH tại cảng Quy Nhơn đã “lọt” vào tay tư nhân khiến địa phương này lúng túng, mất kiểm soát.
Đoàn công tác của Trung ương Đảng do ông Trần Quốc Vượng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư dẫn đầu làm việc với Tỉnh ủy Bình Định.
Sau khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ, để ổn định tình hình và phát huy lợi thế đặc biệt của cảng Quy Nhơn, tỉnh Bình Định tha thiết đề nghị Thường trực Ban Bí thư quan tâm, xem xét, chỉ đạo Chính phủ cho cơ chế về thẩm quyền quản lý của địa phương đối với cảng Quy Nhơn theo hướng Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối.
Tỉnh Bình Định cũng đề nghị, giao Ban Kinh tế Trung ương, Bộ GTVT chủ trì cùng với tỉnh Bình Định xem xét việc quy hoạch xây dựng, mở rộng quy mô theo hướng phát triển dịch vụ cảng – logistics (bao gồm xây dựng cảng mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của cảng hiện có). Đặc biệt, nghiên cứu cơ chế hợp tác công – tư trong đầu tư nâng cấp, quản lý, khai thác cụm cảng Quy Nhơn (gồm nhiều cảng thành viên) để kết nối với hạ tầng các lĩnh vực giao thông, thúc đẩy phát triển logistics cấp vùng.
Sau CPH, cảng Quy Nhơn rơi vào tay doanh nghiệp khiến nhân dân Bình Định bất bình.
Chờ kết luận từ Thanh tra Chính phủ
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Thanh Tùng - Bí thư Tỉnh ủy Bình Định đã nêu lên những tâm tư, bức xúc của người dân địa phương tại cảng Quy Nhơn trong thời gian dài chịu đựng.
“Đây là một cảng biển có thể sánh hơn cả cảng Đà Nẵng. Bây giờ, cảng Quy Nhơn đang bị CPH, hầu hết thuộc về doanh nghiệp. Việc thuộc về tay tư nhân làm cho tỉnh rất lúng túng, không biết quản lý phát triển như thế nào. Hiện tại, tỉnh muốn phát triển cái gì, liệu doanh nghiệp họ có đồng ý, phải thông qua họ", Bí thư Tỉnh ủy Bình Định bày tỏ.
Ông Tùng đại diện tỉnh Bình Định tha thiết đề nghị Nhà nước sớm can thiệp quản lý, nắm cổ phần chi phối tại cảng Quy Nhơn. Không thể để việc CPH thuộc về tay của doanh nghiệp. Điều này ảnh hưởng lớn đến quản lý, yếu tố tài nguyên và chiến lược quốc phòng.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Nguyễn Thanh Tùng (người đứng) nêu những bức xúc tại cảng Quy Nhơn.
Vấn đề CPH tại cảng Quy Nhơn, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng bày tỏ rất quan tâm. Hiện, vấn đề CPH ở cảng Quy Nhơn đã được Thanh tra Chính phủ vào cuộc, đang chờ kết luận. Đây là công việc cụ thể, việc của Chính phủ cần phải làm sớm, không để bức xúc kéo dài, bởi cảng Quy Nhơn có vị trí rất quan trọng về kinh tế, quốc phòng an ninh.
Bên cạnh đó, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng cũng đánh giá cao những kết quả phát triển đột phá về kinh tế - xã hội mà tỉnh Bình Định đã đạt được.
Tỉnh Bình Định có nhiều tiềm lực để phát triển trên các lĩnh vực, là nơi đất võ trời văn, dân cần cù, sáng tạo, bất khuất. Địa phương cần tập trung vào phát triển hơn nữa với những lợi thế có được, cần tập trung phát triển vào 4 trụ cột có tính chất vượt trội của Bình Định: nông nghiệp, ngư nghiệp công nghệ cao, phát triển dịch vụ cảng – logistics, công nghiệp chế biến, du lịch. Đặc biệt, phát triển ở Bình Định phải dựa trên tổng thể liên kết vùng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.