Nguyên Chủ tịch Bình Định: Tôi không có cổ phần ở Cảng Quy Nhơn

Dũ Tuấn Thứ bảy, ngày 08/09/2018 09:04 AM (GMT+7)
Thừa nhận ký 2 văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) liên quan đến quá trình cổ phần hóa (CPH) Cảng Quy Nhơn, nhưng ông Lê Hữu Lộc - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định khẳng định, thực hiện theo “chỉ đạo” từ cấp trên và cá nhân ông, người thân không hề có cổ phần ở Cảng Quy Nhơn.
Bình luận 0

“Tôi và người thân không có cổ phần ở cảng”

Trả lời phóng viên Dân Việt, ông Lê Hữu Lộc - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định thừa nhận đã ký 2 văn bản gửi Bộ GTVT liên quan đến quá trình CPH Cảng Quy Nhơn.

Trong đó, văn bản thứ nhất có số 1115/UBND-KTN ngày 4.4.2013 xin chủ trương CPH theo hướng đề nghị Nhà nước nắm giữ 49% vốn cổ phần doanh nghiệp. Văn bản thứ hai số 628/UBND-TH ngày 25.2.2014, đề nghị bán hết phần vốn Nhà nước tại Cảng Quy Nhơn.

Tuy nhiên, ông Lộc cho rằng, đây không phải là ý kiến cá nhân mà làm việc theo “chỉ đạo” của ông Nguyễn Văn Thiện - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Định.

Ông Lộc cho biết: “Trước đây, ông Nguyễn Văn Thiện - Bí thư Tỉnh ủy Bình Định trao đổi với tôi rằng Cảng Quy Nhơn đang xuống cấp do Nhà nước không có tiền đầu tư. Tỉnh cần đề nghị Bộ GTVT có ý kiến với Thủ tướng thực hiện việc CPH để nhà đầu tư chiến lược nâng cấp cảng. Vì vậy, ngày 4.4.2013, tôi ký văn bản gửi Bộ GTVT xin chủ trương CPH đề nghị Nhà nước nắm giữ 49% vốn cổ phần doanh nghiệp theo sự chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy với lý do nêu trên”.

img

Thanh tra Chính phủ đang thanh tra việc CPH Cảng Quy Nhơn và chưa công bố kết luận chính thức.

Theo ông Lộc, đến ngày 27.5.2013, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đã ký công văn số 747/TTg-ĐMDN cho phép Bộ GTVT chỉ đạo CPH Cảng Quy Nhơn theo phương thức Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) nắm giữ 49% vốn điều lệ, các nhà đầu tư trong nước nắm giữ 51% vốn điều lệ. Trong công văn này, căn cứ từ văn bản đề nghị của Bộ GTVT gửi Thủ tướng Chính phủ (ngày 4.4.2013), không căn cứ vào đề nghị của UBND tỉnh Bình Định.

“Như vậy, văn bản của UBND tỉnh Bình Định không tác động trực tiếp đến Bộ GTVT, vì sự việc này Bộ GTVT đã làm trước rồi”, ông Lộc nói.

Đối với văn bản ngày 25.2.2014, đề nghị bán hết phần vốn Nhà nước tại Cảng Quy Nhơn, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định lý giải, ông ký văn bản gửi Bộ GTVT với mục đích sớm thực hiện kết luận sau cuộc họp của lãnh đạo tỉnh với Bộ trưởng Bộ GTVT thời điểm đó là ông Đinh La Thăng.

Kết luận của Bộ GTVT mà ông Lộc nhắc đến là văn bản số 06/TB-BGTVT ngày 6.1.2014 thông báo ý kiến của ông Thăng có đoạn nêu: “Việc CPH Cảng Quy Nhơn, Bộ GTVT thống nhất với đề nghị của tỉnh, giao Vinalines bán số cổ phần còn lại để đạt mức Nhà nước giữ 49% vốn điều lệ theo phương án CPH được duyệt trong quý I.2014. Sau đó, giao Vụ Quản lý doanh nghiệp dự thảo văn bản báo cáo Thủ tướng cho phép thí điểm bán toàn bộ số cổ phần còn lại cho nhà đầu tư trong nước để mở rộng cảng theo quy hoạch được duyệt”.  

“Tôi nghỉ hưu từ ngày 1.11.2014, nhưng thực tế việc CPH Cảng Quy Nhơn còn diễn ra ở năm 2015 nên tôi không biết gì cả. Bản thân tôi không mua cổ phần, không tham gia định giá, không liên quan gì đến Cảng Quy Nhơn, người thân của tôi cũng không có ai mua cổ phần ở cảng. Sau khi tôi nghỉ hưu, đến tháng 7.2015, ông Nguyễn Văn Thiện còn ký văn bản Tỉnh ủy gửi Bộ GTVT liên quan đến việc CPH, chứng tỏ rằng việc này không phải của tôi”, ông Lộc cho hay.

img

Việc Cảng Quy Nhơn rơi vào tay doanh nghiệp với "giá bèo" khiến người dân Bình Định rất bức xúc.

Chúng tôi liên lạc với ông Nguyễn Văn Thiện, tuy nhiên ông từ chối trả lời tất cả các câu hỏi liên quan đến trách nhiệm của mình. “Tôi không nói được đâu, thanh tra họ đang làm”, ông Thiện từ chối phóng viên.

Liên quan đến CPH Cảng Quy Nhơn, cuối tháng 5.2017, Ban Bí thư đã thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Nguyễn Văn Thiện. Trong đó, có lý do ông Thiện đã thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy ký văn bản đề nghị Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ GTVT về CPH Cảng Quy Nhơn không thuộc trách nhiệm của tỉnh, không thông qua tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo quy chế làm việc của Tỉnh ủy.

Ngoài ra, ông Lê Hữu Lộc - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh - cũng phải tự kiểm điểm, rút kinh nghiệm liên quan đến việc thiếu sót khi ký gửi văn bản đến Bộ trưởng Bộ GTVT về việc CPH.

Cảng Quy Nhơn bị DN “thâu tóm” ra sao?

Hình thành từ năm 1976, Cảng Quy Nhơn do Cục Đường biển (Bộ GTVT) quản lý. Đến năm 1993, Bộ GTVT quyết định thành lập doanh nghiệp nhà nước Cảng Quy Nhơn, năm 2009 cảng trực thuộc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), đổi tên là Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn. Sau khi Vinalines phê duyệt phương án CPH, chuyển Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn thành Công ty CP Cảng Quy Nhơn (QNP).

Sơ lượt quá trình CPH Cảng Quy Nhơn diễn ra nhanh chóng qua các giai đoạn: Tháng 2.2013, theo đề án tái cơ cấu Vinalines (2012-2015), Vinalines đại diện phần vốn của Nhà nước tại QNP phải nắm giữ 75% CP chi phối. Đến tháng 4.2013, UBND tỉnh Bình Định có văn bản gửi Bộ GTVT đề nghị giảm phần vốn Nhà nước nắm giữ xuống còn 49%. Sau khi nhận văn bản đề nghị từ Bộ GTVT, tháng 5.2013, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh ký văn bản chấp thuận cho Vinalines nắm giữ 49% vốn điều lệ.

img

Trụ sở Công ty CP Cảng Quy Nhơn.

Tháng 2.2014, UBND tỉnh Bình Định tiếp tục ra văn bản kiến nghị Bộ GTVT sớm có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép bán nốt 49% vốn CP Nhà nước cho nhà đầu tư chiến lược trong năm 2014.

Ngày 8.9.2014, sau khi có công văn đề nghị của Bộ GTVT về việc bán hết cổ phần vốn Nhà nước, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh ký văn bản 1652 về việc đồng ý bán hết phần vốn của Vinalines tại Công ty CP Cảng Quy Nhơn cho các nhà đầu tư trong nước và chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán. Chưa dừng lại, tháng 7.2015, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Nguyễn Văn Thiện có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ GTVT “đốc thúc” tiến hành nhanh việc CPH tại Cảng Quy Nhơn và đề nghị bán toàn bộ số cổ phần Nhà nước do Vinalines nắm giữ (49%) tại Cảng Quy Nhơn cho nhà đầu tư chiến lược…

Chỉ trong vòng từ tháng 9.2013 - tháng 9.2015, Vinalines đã 3 lần chuyển nhượng cổ phiếu để Công ty CP Đầu tư khoáng sản Hợp Thành nắm giữ 86,23% tỉ lệ vốn sở hữu Cảng Quy Nhơn (tổng trị giá chỉ 440 tỷ đồng). 

Cảng rơi vào tay doanh nghiệp, chính quyền lúng túng

Tại buổi làm việc với ông Trần Quốc Vượng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư (vào tháng 7.2018), cả Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đều tha thiết đề nghị Nhà nước sớm can thiệp để quản lý, nắm cổ phần chi phối tại Cảng Quy Nhơn.

Theo ông Hồ Quốc Dũng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, trong quá trình thực hiện CPH tại Cảng Quy Nhơn đã nảy sinh nhiều vấn đề bức xúc trong nhân dân. Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra toàn diện để phát hiện, làm rõ sai phạm và đề xuất xử lý theo quy định. Thực tế, việc CPH tại Cảng Quy Nhơn đã “lọt” vào tay tư nhân khiến địa phương này lúng túng, “mất kiểm soát”.

img

Lãnh đạo tỉnh Bình Định mong muốn Nhà nước nắm cổ phần chi phối tại Cảng Quy Nhơn.

Mới đây, tại phiên họp thứ 14 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo khẩn trương hoàn thành kết luận thanh tra CPH tại Cảng Quy Nhơn.

Năm 2016, ông Tô Tử Thanh - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Định (nhiệm kỳ 1996 - 2001) đã có đơn kiến nghị Ủy ban Kiểm tra Trung ương làm rõ vấn đề CPH Cảng Quy Nhơn. Theo đó, ông Thanh yêu cầu làm rõ 3 nội dung chính: Ai chủ trương CPH để bán 100% Cảng Quy Nhơn cho tư nhân? Ai xác định giá trị tài sản Nhà nước nắm giữ tại Cảng Quy Nhơn chỉ hơn 400 tỷ đồng? Có lợi ích nhóm, móc ngoặc để biến tài sản Nhà nước thành tài sản tư nhân trong quá trình CPH Cảng Quy Nhơn hay không?

“Chắc chắn không lâu nữa Thanh tra Chính phủ sẽ có kết luận chính thức những vụ việc liên quan đến CPH Cảng Quy Nhơn. Cá nhân tôi đang rất mong muốn sớm kết thúc và có kết luận rõ ràng, công bố công khai cho người dân được biết”, ông Tô Tử Thanh chia sẻ.

Xem xét để Nhà nước lại nắm cổ phần chi phối 

Văn phòng Chính phủ ngày 4.9 đã có thông báo liên quan đến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối với các bộ ngành về việc xem xét, giải quyết một số kiến nghị của các tỉnh: Bình Định, Đắk Lắk, Quảng Ngãi, Phú Yên.

Trong đó, Thủ tướng giao các bộ: GTVT, Tài chính, Kế hoạch Đầu tư, Nội vụ chủ trì và phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu đề nghị của tỉnh Bình Định về cơ chế thẩm quyền quản lý của địa phương đối với Cảng Quy Nhơn, xác định lại tỷ lệ cổ phần theo hướng Nhà nước nắm cổ phần chi phối và xem xét quy hoạch, đầu tư nâng cấp, mở rộng quy mô cụm cảng Quy Nhơn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem