15 "ông lớn" tái đàn lợn tăng 66%, quý III vẫn thiếu hụt 200.000 con lợn

Khương Lực Thứ bảy, ngày 18/07/2020 06:00 AM (GMT+7)
Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết, 15 doanh nghiệp (DN) chăn nuôi lớn có tốc độ tăng đàn lợn trên 66% so với thời trước thời điểm xảy ra dịch tả lợn châu Phi.
Bình luận 0

Tuy nhiên, các nông hộ lại có mức tái đàn, tăng đàn chậm và việc nhập khẩu thịt lợn chưa đáp ứng nên dự kiến trong quý III, cả nước vẫn thiếu hụt khoảng 200.000 con lợn.

Thúc đẩy tái đàn, tăng đàn lợn để đảm bảo đáp ứng đủ thịt lợn cho nhu cầu của người tiêu dùng là chủ đề được Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) đưa ra bàn thảo, trao đổi với một chuyên đề riêng tại hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2020, diễn ra ngày 17/7.

Doanh nghiệp bật tăng, tái đàn nhanh

Ông Trần Xuân Dũng - Tổng Giám đốc Công ty TNHH CJ Vina AGri - Chi nhánh Hưng Yên cho biết, dự kiến cả năm công ty sẽ xuất bán từ 1,1-1,3 triệu con lợn. Tổng đàn lợn thịt của công ty tại thời điểm tháng 6/2020 là trên 683.000 con (tăng mạnh so với mức 490.000 con ở thời điểm tháng 1/2019 và 212.000 con vào tháng 1/2020).

Quý III vẫn thiếu hụt 200.000 con lợn - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường kiểm tra tình hình tái đàn, đảm bảo nguồn cung thịt lợn tại Hải Phòng. Ảnh: K.L

6 tháng đầu năm 2020, các DN đã nhập khẩu trên 70.000 tấn thịt lợn, tăng hơn 300% so với cùng kỳ năm 2019. Bên cạnh việc tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN nhập khẩu thịt lợn, lần đầu tiên cho phép nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan để cung ứng cho thị trường tiêu dùng trong nước.

Đây là công ty có tổng đàn lợn lớn thứ hai ở nước ta, đứng sau Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam với số lượng đàn lợn vào khoảng 2,6 triệu con ở thời điểm tháng 6/2020, tăng hơn 1 triệu con so với đầu năm 2019 và chiếm hơn 50% tổng đàn lợn của 15 DN chăn nuôi lớn của cả nước (khoảng 4,1 triệu con).

Thực tế cho thấy, việc tái đàn chủ yếu diễn ra ở các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn, tại khu vực hộ chăn nuôi nhỏ còn chậm. 

"Đàn lợn thịt của 15 DN ở tháng 6/2020 đạt trên 4,16 triệu con, tăng so với tháng 1/2019 (trước khi xảy ra dịch tả lợn châu Phi) là 66,35%, tăng so với tháng 1/2020 là 30,89%" - ông Nguyễn Văn Trọng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết.

Theo Cục Chăn nuôi, một số DN chăn nuôi lớn đã bắt đầu triển khai việc tái đàn nái từ tháng 10/2019, sẽ cho sản phẩm từ tháng 8/2020. Phần lớn việc tái đàn nái trong các trang trại, hộ chăn nuôi (khu vực chiếm tỷ trọng lớn trong sản xuất) mới chỉ bắt đầu từ cuối tháng 2/2020 trở lại đây.

"Vừa qua các DN lớn sản xuất lợn giống chủ yếu thay thế nội bộ của DN và mạng lưới gia công, rất hạn chế bán con giống ra ngoài. Do đó giá giống lợn hiện nay rất cao, 2,5-3 triệu đồng/con" - ông Trọng nói.

Theo ông Trọng, với những hộ chăn nuôi khép kín, chủ động được con giống thì giá thành chăn nuôi trên dưới 50.000 đồng/kg, nhưng nếu phải mua giống thì giá thành chăn nuôi ở mức trên 70.000 đồng/kg. Vì thế, mức giá bán thịt lợn hơi phải trên 80.000 đồng.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, trong ngày 18/7, Tập đoàn Quế Lâm sẽ tổ chức lễ ra mắt "Tổ hợp chăn nuôi an toàn sinh học 4F", trong đó có lợn sinh sản, nuôi thịt, nhà máy sản xuất men, nhà máy sản xuất thức ăn...

Do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi nên đã dẫn tới thiếu hụt nguồn cung thịt lợn trong những tháng đầu năm, đẩy giá thịt lợn hơi tăng cao, có thời điểm giá tăng hơn 100.000 đồng/kg. 

Hiện nay, giá thịt lợn hơi đang dao động ở mức 84.000-90.000 đồng/kg.

Cục Chăn nuôi cho biết, nhu cầu lợn thương phẩm sau cai sữa sản xuất mỗi quý cần khoảng 11,5 triệu con. Tuy nhiên, trong quý I mới đáp ứng khoảng 10,5 triệu con, thiếu 1 triệu con; quý II đáp ứng 10,8 triệu con, thiếu 700.000 con; quý III đáo ứng 11,3 triệu con, thiếu 200.000 con. Đến quý IV sẽ đáp ứng khoảng 11,7 triệu con, đảm bảo nhu cầu tiêu dùng thịt lợn.

Thúc đẩy tái đàn trong nông hộ

Sau hơn một năm chống chọi với dịch tả lợn châu Phi gây thiệt hại chưa từng có (từ tháng 2/2019), đến nay đã có trên 99% số xã đã công bố hết dịch, bảo đảm các điều kiện cho tái đàn, tăng đàn. Cả nước chỉ còn 183 xã (1%) của 15 tỉnh, thành phố có dịch chưa qua 30 ngày (trên 95% số xã của 15 tỉnh, thành phố này đã công bố hết dịch).

Theo báo cáo của các địa phương tổng đàn nái của cả nước đạt 2,912 triệu con, tăng 6,94% so với cuối năm 2019. Các DN đã nhập khẩu trên 5.000 con lợn cụ kỵ, ông bà và sẽ nhập hơn 10.000 con trong năm 2020, bảo đảm đủ giống cho giai đoạn 2021 - 2024; đối với lợn bố mẹ, đã nhập hơn 6.000 con và đăng ký nhập hơn 400.000 con... 

Đây là điều kiện cơ bản để người chăn nuôi, DN và các địa phương tổ chức tái đàn, tăng đàn lợn.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến khẳng định, cùng với việc nhập giống, thịt lợn sống, thịt lợn đông lạnh, việc thúc đẩy tái đàn ở khu vực nông hộ với những mô hình an toàn sinh học đã được chứng minh trong thực tế.

Đặc biệt là mô hình chăn nuôi của Tập đoàn Quế Lâm sử dụng men vi sinh của Nhật Bản, nuôi thông thoáng, tự nhiên, không phải lập 3-4 vành đai an toàn sinh học, kiểm soát đầu vào, kiểm soát côn trùng, kiểm soát chim và người phải ở tại chỗ như của các DN lớn.

"Với Tập đoàn Quế Lâm, Bộ NNPTNT đã chỉ đạo công ty xây dựng hàng chục mô hình ở rất nhiều tỉnh thành, nuôi hàng nghìn con lợn, cả lợn sinh sản, hậu bị, lợn cai sữa, lợn con theo mẹ, lợn thương phẩm. Chúng ta đã có đủ căn cứ khoa học và thực tiễn để nhân mở mô hình này" - Thứ trưởng Tiến nhấn mạnh. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem