Theo quy định, khi đến độ tuổi nghỉ hưu các cán bộ, công chức, viên chức sẽ nghỉ hưu, song, trong một số trường hợp thì cán bộ, công chức được kéo dài tuổi nghỉ hưu.
Để được kéo dài tuổi nghỉ hưu, cán bộ, công chức phải đáp ứng 3 điều kiện như sau.
Cán bộ, công chức thuộc đối tượng áp dụng kéo dài tuổi nghỉ hưu
Theo quy định tại Điều 2 Nghị định 53/2015/NĐ-CP và Điều 1 Nghị định 104/2020/NĐ-CP, cán bộ, công chức được kéo dài tuổi nghỉ hưu nếu thuộc một trong các đối tượng sau.
- Cán bộ, công chức nữ giữ các chức vụ, chức danh dưới đây:
Phó Trưởng Ban các Ban Trung ương Đảng
Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng;
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng;
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước;
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội;
Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Dân tộc của Quốc hội;
Phó Chủ nhiệm chuyên trách các Ủy ban của Quốc hội;
Thứ trưởng Bộ;
Cấp phó của người đứng đầu cơ quan ngang Bộ;
Người đứng đầu cơ quan thuộc Chính phủ;
Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
Cấp phó các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương;
Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh;
Phó Tổng biên tập Báo Nhân dân, Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản;
Giám đốc Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật;
Sĩ quan trong lực lượng vũ trang có quân hàm cấp tướng;
Phó Bí thư tỉnh ủy, thành ủy;
Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh;
Ủy viên Ban Thường vụ kiêm Trưởng các ban đảng của Thành ủy Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Ủy viên Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy là người dân tộc thiểu số.
- Những người được bổ nhiệm chức vụ, chức danh Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
Như vậy, cán bộ, công chức muốn kéo dài tuổi nghỉ hưu điều kiện đầu tiên phải thỏa mãn chính là phải là người giữ một trong các chức vụ, chức danh pháp luật cho phép kéo dài tuổi nghỉ hưu.
Theo đó, đối với cán bộ, công chức nữ có 21 vị trí được kéo dài tuổi hưu. Đối với vị trí thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao được áp dụng cho cả cán bộ, công chức nam và nữ.
Cán bộ, công chức phải có đủ sức khỏe
Theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 53/2015/NĐ-CP, cán bộ, công chức muốn kéo dài tuổi nghỉ hưu phải đảm bảo có đủ sức khỏe để thực hiện chức trách, nhiệm vụ.
Việc quy định điều kiện này là phù hợp. Bởi lẽ, độ tuổi nghỉ hưu của cán bộ, công chức nói riêng và người lao động nói chung được xác định dựa trên yếu tố sức khỏe của người lao động.
Theo đó, khi đến độ tuổi nhất định, sức khỏe của người lao động sẽ bị suy giảm và cần được nghỉ ngơi. Tuy nhiên, tình trạng sức khỏe của mỗi cá nhân trong từng điều kiện, thời kì khác nhau sẽ thay đổi.
Vậy nên, nếu cán bộ, công chức vẫn có đủ sức khỏe để thực hiện chức trách, nhiệm vụ thì có thể được kéo dài tuổi nghỉ hưu.
Cán bộ, công chức không trong thời hạn bị kỷ luật, bị điều tra, truy tố, xét xử hoặc thi hành kỷ luật về đảng, chính quyền
Theo đó, tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 53/2015/NĐ-CP quy định cán bộ, công chức muốn kéo dài tuổi nghỉ hưu còn phải đáp ứng điều kiện không đang trong thời gian bị xem xét xử lý kỷ luật, bị điều tra, truy tố, xét xử hoặc thi hành kỷ luật về đảng, chính quyền.
Như vậy, cán bộ, công chức muốn kéo dài tuổi nghỉ hưu thì bên cạnh việc có sức khỏe tốt để đảm nhận công việc còn phải thực hiện tốt nhiệm vụ trên cương vị của mình trong thời gian đảm nhận.
Việc đáp ứng điều kiện này thể hiện được phẩm chất, năng lực của cán bộ, công chức là tiêu chí quan trọng để xem xét tiếp tục giao phó trách nhiệm trên cương vị này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.