3 màn hình lớn, cả nghìn chỗ ngồi phục vụ phiên tòa xử vụ Liên Kết Việt lừa đảo

Nguyễn Hoà Thứ hai, ngày 21/12/2020 08:54 AM (GMT+7)
Trước số lượng bị hại quá đông trong vụ án lừa đảo của Công ty Liên Kết Việt, Tòa án nhân dân TP.Hà Nội đã dựng thêm nhiều màn hình lớn, sắp xếp ghế ngồi phía ngoài phòng xử phục vụ quá trình xét xử.
Bình luận 0

Sáng nay (21/12), Tòa án nhân dân TP.Hà Nội đã mở phiên sơ thẩm, xét xử các bị cáo trong vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại Công ty Liên Kết Việt.

Vụ án này có 7 bị cáo, trong đó có Lê Xuân Giang – Cựu Chủ tịch HDQT Công ty Liên Kết Việt và các đồng phạm trong Công ty Liên Kết Việt.

Cáo trạng xác định, tổng số tiền mà Lê Xuân Giang và đồng phạm đã thu của hơn 68 nghìn bị hại là hơn 2 nghìn tỷ đồng. Tài liệu điều tra mới xác định được hơn 6 nghìn người là bị hại trong vụ án, có đầy đủ thông tin địa chỉ, những người này đã nộp cho Công ty Liên Kết Việt là gần 600 tỷ đồng.

Clip: Cả nghìn chỗ ngồi phục vụ phiên tòa xử vụ Liên Kết Việt lừa đảo

3 màn hình lớn và cả nghìn chỗ ngồi phục vụ phiên xử vụ Liên Kết Việt - Ảnh 1.

3 màn hình lớn và cả nghìn chỗ ngồi phục vụ phiên xử vụ Liên Kết Việt - Ảnh 2.

3 màn hình lớn và cả nghìn chỗ ngồi phục vụ phiên xử vụ Liên Kết Việt - Ảnh 3.

Do số lượng bị hại quá đông, Tòa án nhân dân TP.Hà Nội đã lắp thêm 3 màn hình lớn phía ngoài phòng xét xử để phục vụ quá trình theo dõi xét xử của các bị hại.

Ghi nhận của Dân Việt sáng cùng ngày, ngay từ sớm đã có rất đông người dân, bị hại tới theo dõi, tham dự phiên xét xử này.

Với số lượng bị hại rất đông, Tòa sơ thẩm đã quyết định lắp thêm 3 màn hình lớn phía ngoài phòng xét xử với cả nghìn chỗ ngồi để phục vụ các bị hại theo dõi quá trình xét xử vụ án.

An ninh tại phiên tòa được thắt chặt, người ra vào phòng xét xử phải kiểm tra ở cửa từ. Các bị hại khi đến tòa sẽ làm thủ tục ở các bàn, sau đó trở về vị trí để theo dõi phiên xét xử.

3 màn hình lớn và cả nghìn chỗ ngồi phục vụ phiên xử vụ Liên Kết Việt - Ảnh 4.

3 màn hình lớn và cả nghìn chỗ ngồi phục vụ phiên xử vụ Liên Kết Việt - Ảnh 5.

Những bị hại, người liên quan khi đến tòa sẽ qua các bàn đã được sắp xếp sẵn để làm thủ tục .

Theo quan sát của PV, bị hại trong vụ án có nhiều độ tuổi, tuy nhiên, cơ bản hầu hết là những người trung niên và người lớn tuổi.

Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao xác định, Lê Xuân Giang - Cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần liên kết sản xuất thương mại Việt Nam (Công ty Liên Kết Việt) cùng các đồng phạm đã có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của rất nhiều bị hại.

Các đồng phạm với Lê Xuân Giang gồm có các cựu lãnh đạo Công ty Liên Kết Việt là Lê Văn Tú – cựu Tổng Giám đốc Công ty Liên Kết Việt, Nguyễn Thị Thủy - cựu Phó Tổng Giám đốc Công ty Liên Kết Việt.

3 màn hình lớn và cả nghìn chỗ ngồi phục vụ phiên xử vụ Liên Kết Việt - Ảnh 6.

An ninh tại phiên tòa được thắt chặt, những người ra, vào khu vực xử án sẽ phải kiểm tra vật dụng, tư trang qua cửa từ.

Ngoài ra còn có các thành viên nhóm phát triển thị trường của Công ty Liên Kết Việt gồm: Lê Thanh Sơn, Trịnh Xuân Sáng, Vũ Thị Hồng Dung, Nguyễn Xuân Trường.

Công ty Cổ phần tập đoàn thiết bị y tế BQP (Công ty BQP) và Công ty Liên Kết Việt đề do Lê Xuân Giang thành lập, điều hành hoạt động.

Theo đó, Công ty BQP thành lập ngày 27/4/2005, Lê Xuân Giang là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty. Công ty Liên Kết Việt thành lập ngày 8/6/2010, người đại diện theo pháp luật là Lê Xuân Giang (tên gọi khách là Lê Xuân Hà).

3 màn hình lớn và cả nghìn chỗ ngồi phục vụ phiên xử vụ Liên Kết Việt - Ảnh 7.

3 màn hình lớn và cả nghìn chỗ ngồi phục vụ phiên xử vụ Liên Kết Việt - Ảnh 8.

Rất nhiều bình nước được Tòa án đặt ở nhiều vị trí khác nhau để phục vụ những người tham gia phiên tòa.

Lợi dụng Công ty Liên Kết Việt được cấp giấy phép kinh doanh bán hàng đa cấp với hàng hóa do Công ty BQP sản xuất, trong khoảng từ tháng 3/2014 đến tháng 11/2015, Giang, Tú, Thủy, Sơn, Sáng, Dung và Trường đã sử dụng thủ đoạn gian dối, tạo dựng và cung cấp thông tin sai lệch cho các bị hại để tạo lòng tin về hoạt động kinh doanh của Công ty Liên Kết Việt và Công ty BQP.

Cụ thể như Công ty Liên Kết Việt là công ty con của Công ty BQP; Công ty BQP là Công ty CP tập đoàn thiết bị y tế Bộ Quốc Phòng, là công ty của Bộ Quốc Phòng; Lê Xuân Giang và các lãnh đạo của công ty là cán bộ của Bộ Quốc Phòng; các sản phẩm kinh doanh là sản phẩm liên doanh, liên kết sản xuất với các doanh nghiệp, cơ quan uy tín của Bộ Quốc Phòng, đã được thử nghiệm, đưa vào sử dụng tại các bệnh viện trung ương.

Chúng còn thông tin sai lệch rằng Công ty Liên Kết Việt và Công ty BQP là những doanh nghiệp kinh doanh đúng pháp luật, có lợi nhuận cao, có nhiều đóng góp với xã hội nên được Lãnh đạo Nhà nước, các cơ quan có thẩm quyền đánh giá cao, ghi nhận qua việc được Thủ tướng Chính phủ và UBND TP.HCM tặng bằng khen cho công ty và các lãnh đạo của công ty, chi nhánh, văn phòng đại diện.

Thực chất, các bằng khen, giấy chứng nhận đều do chính Lê Xuân Giang đã làm giả.

Sau khi tạo lòng tin về Công ty Liên Kết Việt và Công ty BQP, về hàng hóa kinh doanh đa cấp và uy tín trong hoạt động kinh doanh của các công ty này, Giang, Tú, Thủy, Sơn, Sáng, Dung, Trường đã sử dụng những thủ đoạn gian dối, trái pháp luật để lôi kéo các bị hại bỏ tiền tham gia vào hệ thống kinh doanh đa cấp của Liên Kết Việt, nhằm được hưởng hoa hồng, tiền thưởng cao do chế độ trả thưởng các chương trình khuyến mại trái pháp luật do các bị can này đặt ra.

Để lôi kéo, chiếm đoạt được nhiều tiền của các bị hại đóng vào Công ty Liên Kết Việt, các quy định trái pháp luật về hoạt động đa cấp được đặt ra như chỉ cần đóng tiền vào Công ty Liên Kết Việt mà không cần lấy hàng hóa ra để kinh doanh là có thể trở thành nhà phân phối của công ty, một người có thể đứng tên nhiều mã hàng.

Lê Xuân Giang và các đồng phạm đặt ra mô hình trả thưởng theo mô hình kim tự tháp, lấy tiền của người tham gia sau trả cho người tham gia trước, từ tiền lôi kéo người tham gia mới, từ những khoản tiền của những người tham gia trong mạng lưới đa cấp của Công ty Liên Kết Việt, mà không phải từ hoạt động kinh doanh bán hàng đa cấp, với số tiền thưởng, tiền hoa hồng hứa hẹn sẽ trả cho các nạn nhân lên tới trên 65% tổng số tiền thu được của chính các bị hại.

Sau 1 năm hoạt động, đến tháng 11/2015, Lê Xuân Giang và đồng phạm đã mở rộng mạng lưới, phát triển được 34 chi nhánh, văn phòng đại diện, đại lý tại 27 tỉnh thành.

Chúng lôi kéo được hơn 68 nghìn bị hại tại 49 tỉnh, thành tham gia vào hệ thống kinh doanh đa cấp, đã nộp cho Lê Xuân Giang và Công ty Liên Kết Việt hơn 2 nghìn tỷ đồng.

Trong tổng số tiền hơn 2 nghìn tỷ đồng thu được của các bị hại, sau khi trừ đi số tiền chi trả hoa hồng, tiền thưởng, tiền nuôi bộ máy hoạt động, Lê Xuân Giang và đồng bọn chiếm đoạt hơn 1 nghìn tỷ đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem